Tại Việt Nam, giá chào bán gạo đã tăng lên mức cao kỷ lục, 385 – 400 USD/tấn, FOB. Hiện giá một số loại gạo của Việt Nam cao hơn cả giá gạo Thái Lan. Trong khi gạo 5% tấm của Thái Lan giá 390 USD/tấn thì gạo cùng loại của Việt Nam giá 400 USD/tấn. So với cùng kỳ năm trước, giá chào bán gạo của Thái Lan hiện đã tăng 21-23% (65- 70 USD/tấn); của Việt Nam đã tăng tới 33-38% (95-100 USD/tấn).
Nguồn cung gạo xuất khẩu của Thái lan lại trở nên khan hiếm, và chính phủ lại phải cầu viện đến gạo dự trữ. Nông dân Thái đang thu hoạch lúa, song các nhà máy xay xát và nông dân đều có xu hướng giữ gạo lại để tích trữ, chờ giá tăng lên. Trong khi đó, các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan vẫn tích cực mua gạo vào để thực hiện các hợp đồng đã ký. Đồng Baht tăng giá cũng góp phần đẩy giá gạo tính theo USD tăng lên. Baht tiếp tục tăng giá so với USD, lên mức cao nhất kể từ 10 năm nay so với đồng tiền xanh, là 33,03 THB/USD.
Nhu cầu gạo Thái lan đang tăng rất mạnh. Nhu cầu cạo thơm từ Trung Quốc cũng tăng lên để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán, nhất là đối với gạo Hương nhài và các loại gạo chất lượng cao khác. Các khách hàng châu Phi tiếp tục tìm mua gạo đồ Thái Lan bởi Ấn Độ vẫn hạn chế xuất khẩu gạo phi – basmati, xong hầu hết các nhà xuất khẩu Thái đã nhận đủ đơn đặt hàng cho tới tận tháng 3 và không muốn ký thêm hợp đồng mới. Khách hàng Iran dự kiến sẽ mua thêm gạo trắng vào bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, tình trạng rất thiếu tàu chở hàng vẫn chưa được cải thiện. Các nhà xuất khẩu Thái cho biết lẽ ra họ đã có thể xuất khẩu nhiều hơn mức 9,5 triệu tấn trong năm 2007 nếu không gặp khó khăn về vận tải. Một số nhà xuất khẩu Thái lo ngaị không muốn ký hợp đồng mới, đặc biệt với những hợp đồng FOB, bởi rất khó để tìm được tàu chở gạo lúc này. Cước phí vận chuyển ở Thái lan tăng lên hạn chế sức cạnh tranh của gạo Thái Lan, bởi chi chi phí chở gạo từ Thái Lan sang Philippine khoảng 31-32 USD/tấn, trong khi chở từ Việt Nam sang Philippine chỉ 25 USD/tấn. Xuất khẩu gạo Thái Lan năm 2008 dự kiến đạt 8,7 triệu tấn, giảm so với 9,5 triệu tấn năm 2007 do lượng dự trữ không còn nhiều và đồng Baht tăng giá.
Tại Việt Nam, mặc dù lúa đông xuân sớm ở ĐBSCL bắt đầu được thu hoạch, nguồn cung thóc gạo gia tăng, nhưng nhu cầu gạo cho xuất khẩu tăng mạnh nên giá thóc gạo nội địa và xuất khẩu đều tiếp tục tăng. Cuối tháng 12/2007, Việt Nam đã trúng thầu xuất khẩu 410.700 tấn gạo cho Philippines. Nhu cầu nhập khẩu gạo vẫn có xu hướng tăng từ nhiều nước châu Á, Trung Đông và châu Phi. Philippines vừa mở thầu nhập khẩu 550.000 tấn gạo, khả năng phần lớn sẽ do Việt nam cung cấp. Mặc dù nguồn cung được cải thiện, các công ty xuất khẩu gạo vẫn chỉ được phép xuất khẩu tới 700.000 tấn gạo trong quý IV, giảm 14,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Bộ Công nghiệp và Thương mại có kế hoạch xuất khẩu 4,5 triệu tấn gạo trong năm nay, và chỉ cho phép các công ty bán 700.000 tấn gạo trong quý 1, 1,5 triệu tấn trong quý 2 và quý 3, 800.000 tấn trong quý 4.
Theo Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế (IGC), mậu dịch gạo toàn cầu năm 2008 dự báo tăng 1,7% so với năm ngoái, đạt 29,4 triệu tấn. Nhập khẩu gạo tại khu vực Đông Á năm 2008 được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong năm thứ 3 liên tiếp, lên đạt 8,4 triệu tấn, một phần do nhập khẩu của Bangladesh có triển vọng tăng mạnh, đạt tới 1 triệu tấn, khi cơn bão Sidr tàn phá mạnh vụ lúa của nước này vào tháng 11.
IGC cũng cho biết, tuy nhập khẩu gạo của Indonexia năm 2008 có khả năng giảm 400.000 tấn so với năm ngoái, còn 1 triệu tấn nhờ sản lượng nội địa có khả năng tăng 5%, nhưng nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc năm nay có thể tăng lên đạt 700.000 tấn. Ngoài ra, nhập khẩu gạo của các nước khác trong khu vực cũng được dự báo sẽ tăng lên. Nhập khẩu gạo của một số nước như Irắc, Cuba và Mỹ được dự báo tăng nhẹ trong năm 2008, trong đó của Mỹ dự báo đạt 3,5 triệu tấn.
Dự báo giá gạo xuất khẩu tại châu Á sẽ giảm nhẹ vào tháng 2, khi nhiều quốc gia nghỉ Tết cổ truyền, trong khi nguồn cung của Việt nam tăng lên khi vào giữa vụ thu hoạch.
Giá gạo thế giới:
Loại | Giá 4/2 | Giá 7/1 |
Thái Lan, 100% B | 320-435 USD/tấn | 375-380 USD/tấn |
5% tấm | 410-425 USD/tấn | 365-370 USD/tấn |
100% đồ | 435-452 USD/tấn | 390 USD/tấn |
Việt nam, 5% tấm | 400 USD/tấn | 355 USD/tấn |