Theo ngành nông nghiệp tỉnh, trong vụ lúa đông xuân 2007-2008, nông dân gieo sạ 82.600 ha, đạt 104% kế hoạch và đến cuối tháng 2/2008 đã có trên 2/3 diện tích lúa thu hoạch, năng suất đạt khoảng 64 tạ/ha, ước sản lượng lên đến 530.000 tấn, bằng 98% so với cùng kỳ năm trước, nhưng hiệu quả sinh lợi cao hơn. Cơ cấu vụ lúa đông xuân được thay đổi theo hướng tích cực và từng bước đưa các loại giống kháng rầy vào canh tác để hạn chế sâu bệnh gây hại.
Từ kết quả vụ đông xuân 2007-2008, ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang đã khẩn trương triển khai ngay vụ lúa hè thu sớm 2008 ở vùng ven Đồng Tháp Mười là các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành và Tân Phước với 37.000ha. Lịch thời vụ xuống giống tập trung né rầy, từ nay đến ngày 10/3/2008, dứt điểm. Ngoài ra, các vấn đề liên quan đến lĩnh vực thủy lợi nội đồng, dự báo tình hình sâu bệnh, cơ giới hoá nông nghiệp, đảm bảo an toàn sau thu hoạch cũng được bàn bạc và đi đến thống nhất.
Vụ hè thu sớm năm 2008 ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nông dân nên sử dụng các giống lúa có năng suất, giá trị cao, có khả năng kháng rầy và kháng bệnh cháy lá, đồng thời hạn chế sử dụng nhiều chủng loại lúa giống để tăng phẩm chất gạo xuất khẩu. Cụ thể, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nông dân không nên canh tác quá 5 loại giống trên một vùng sản xuất, trong đó, chú ý các loại giống đã chứng minh có hiệu quả canh tác cao, như: VND 95-20, MTL 1490, OM 2717, OM 3536, nếp bè và các loại giống lúa thơm. Riêng đối với một bộ phận diện tích ven Đồng Tháp Mười, điều kiện sản xuất còn khó khăn, thường gieo sạ trễ như huyện Tân Phước và một phần của hai huyện Cái Bè, Cai Lậy; ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo nên sử dụng giống lúa cực ngắn ngày và các giống chịu phèn. Chú ý xử lý hạt giống để diệt mầm bệnh trước khi gieo sạ và hạn chế tối đa sử dụng lúa ăn để làm lúa giống.
Đặc biệt, theo nhận định của các cơ quan chức năng, vụ lúa hè thu sớm 2008, có thể chịu ảnh hưởng mạnh rầy nâu từ vụ đông xuân 2007-2008 lây lan, gây ra bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá. Vì vậy, ngành bảo vệ thực vật tỉnh khuyến cáo nông dân chú ý phòng trừ sâu bệnh và xác định vùng nguy cơ xuất hiện sâu bệnh để đối phó thích hợp, nhằm tránh lãng phí và làm ô nhiễm môi trường./.