Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Doanh nghiệp rối vì… thiếu vốn
14 | 03 | 2008
Nhiều doanh nghiệp khẳng định khó có thể mở rộng sản xuất kinh doanh vì giá và lãi suất ngân hàng tăng trong khi giá chứng khoán lại giảm. Chi phí đầu tư tăng thêm, vay ngân hàng thì lãi suất quá cao, còn huy động từ phát hành cổ phần thì nhà đầu tư không mặn mà...
Nhiều doanh nghiệp rối vì không thể huy động vốn giá rẻ từ thị trường chứng khoán.

Lãi vay quá cao

Giám đốc một công ty tư vấn cho biết vừa hủy hợp đồng với một doanh nghiệp trong nước vì chủ doanh nghiệp này không vay được tiền để triển khai dự án sản xuất dù đã chuẩn bị ba năm nay. Vị giám đốc này nói: "Ông ấy đã thay đổi kế hoạch ban đầu, chuyển sang nhập hàng về bán có lợi hơn là sản xuất". Theo chuyên gia tư vấn này, với lãi suất cho vay hiện nay, doanh nghiệp trong nước quá bất lợi so với doanh nghiệp nước ngoài.

Còn theo ông Nguyễn Lâm Viên - tổng giám đốc Công ty Vinamit: "Trước đây chúng tôi vay VND với lãi suất dưới 10%, USD dưới 6% để đầu tư, bây giờ với lãi suất như hiện nay thì làm sao dám đầu tư?". Vinamit đã phải tính lại các dự án đầu tư của mình ở Đắc Lắc, Đắc Nông, Đà Lạt, Hải Dương.

Những khó khăn do lãi suất cao, chi phí tăng đang đè nặng các doanh nghiệp. "Tôi vừa điều chỉnh thu nhập cho cán bộ công nhân viên công ty lên 10%, riêng chi phí cho tiền lương đã phải tăng thêm 10 tỉ đồng, vì giá tăng ảnh hưởng đến cuộc sống của họ” - ông Võ Quốc Thắng, tổng giám đốc Công ty cổ phần Đồng Tâm, mở đầu câu chuyện về tác động của chính sách tài chính tiền tệ vừa qua với công ty mình. Ông Thắng cho biết thêm: "Tôi đi châu Âu để chuẩn bị cho ba dự án lớn về sản xuất đồ trang trí nội thất nhưng tình hình như bây giờ thì phải tạm ngưng để cân nhắc, điều chỉnh cho phù hợp". Với những dự án đã triển khai, Đồng Tâm phải "bấm bụng" vay tiền ngân hàng với lãi suất cao hơn trước 0,5%/tháng để tiếp tục triển khai dự án cho đúng tiến độ.

Nhà đầu tư lắc đầu

heo ông Nguyễn Lâm Viên, qui mô của mỗi dự án từ 30-100 tỉ đồng, bây giờ phải điều chỉnh nhỏ lại. "Trước đây, có dự án tốt chúng tôi sẽ vay ngân hàng 80% để đầu tư, bây giờ chỉ dám vay khoảng 40% và tiến độ cũng phải chậm lại, chắc ăn mới làm. Kế hoạch lên sàn chứng khoán của chúng tôi cũng phải hoãn lại" - ông Viên nói.

Trong khi doanh nghiệp vất vả đối phó với giá lên thì việc giá chứng khoán giảm lại chồng chất khó khăn lên vai doanh nghiệp. Bà H., giám đốc điều hành một công ty cổ phần chế biến gỗ, cho biết: "Giá tăng khiến dự án bị đội chi phí từ 45 tỉ lên gần 65 tỉ đồng, nhưng khi họp cổ đông huy động vốn để xây tiếp thì ai cũng lắc đầu".

Theo kế hoạch, dự án xây thêm nhà máy mới để tăng xuất khẩu sang Nhật sẽ được hoàn tất vào quí 3 năm nay, sau tám tháng thi công, nhưng vừa mới đi được 1/3 đoạn đường thì vật giá leo thang khiến vốn đầu tư ban đầu không đủ. Thế nhưng, khi công ty thuyết phục cổ đông huy động thêm 30 tỉ đồng dưới hình thức phát hành cổ phần thì lại rơi đúng vào thời điểm thị trường chứng khoán ảm đạm. Đã có 95% cổ đông không đồng ý bỏ thêm vốn, có nghĩa "một là tạm hoãn dự án vô thời hạn, hai là phải đi vay ngân hàng xây tiếp" - bà H. buồn bã cho biết.

Tình trạng này cũng xảy ra với một công ty cổ phần ngành dệt may ở TP.HCM. Trong dự án khép kín khâu dệt vải đến may mặc của công ty có ba dự án "con". Trong đó, hai dự án đã huy động đủ vốn và hoàn tất xây dựng vào cuối năm 2007. Với dự án thứ ba giữ vai trò quyết định cho khâu thành phẩm cuối cùng, dù đã được công ty lên kế hoạch huy động vốn gửi đến cổ đông ngay từ lúc triển khai hai dự án trước, nhưng nay cổ đông cũng chẳng thiết tha gì vì giá cổ phiếu giảm mạnh. "Cổ đông cũ bán cổ phiếu còn khó, nói gì đến việc kêu gọi cổ đông mới tham gia" - chủ tịch HĐQT của công ty này rầu rĩ nói.

Theo ông, nguy hiểm hơn, nếu dự án cuối cùng này không thực hiện được coi như hai dự án đầu tư trước đó cũng "trôi sông".

Doanh nghiệp đang rối

Một lãnh đạo của Tập đoàn Dệt may VN (Vinatex) thừa nhận cơn bão giá cùng các biến động của thị trường tiền tệ, chứng khoán trong thời gian qua đã tác động tiêu cực đến nhiều doanh nghiệp thành viên. Nhất là các doanh nghiệp đã xong lộ trình chào bán cổ phần vì trong tình hình chứng khoán giảm rất khó kêu gọi nhà đầu tư bỏ vốn mua cổ phần. Nếu triển khai dự án bằng vốn vay ngân hàng thì lãi suất quá cao, không dưới 18%/năm, đẩy hiệu quả đầu tư của dự án trở nên "mù mịt" vì chi phí vượt quá tầm kiểm soát của doanh nghiệp.

Là phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ VN, ông Võ Quốc Thắng cho biết đã nhận được rất nhiều thông tin "không mấy tích cực" từ các hội viên, đặc biệt là doanh nghiệp có qui mô nhỏ. Nhiều doanh nghiệp cho rằng tình hình này họ phải nhường "sân chơi" lại cho các nhà đầu tư nước ngoài và hàng nhập khẩu.

"Cuối năm 2007 khi tổng kết hoạt động của hội, ai cũng phấn khích, bao nhiêu là dự án, dự định đầu tư cho năm 2008. Bây giờ mọi người xìu hết rồi. Tình hình chung là mọi người bị hụt hẫng. Doanh nghiệp đang rối bởi những thay đổi trong chính sách tài chính - tiền tệ và biến động của thị trường. Nhiều doanh nghiệp đang chùn chân, tôi nghĩ phải làm sao vực dậy tinh thần cho họ” - ông Thắng đề xuất.



Nguồn: Tuổi trẻ Online
Báo cáo phân tích thị trường