Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nguyên liệu thủy hải sản: Không ổn định
17 | 03 | 2008
Nhiều doanh nghiệp chế biến không chủ động được nguồn hàng. Một số đơn vị buộc phải nhập khẩu nguyên liệu để bảo đảm tiến độ chế biến, xuất khẩu. Cách đây một tháng, khi nhắc đến nguồn nguyên liệu, các doanh nghiệp (DN) chế biến thủy hải sản đều than thở thiếu trầm trọng thì ngược lại, tại thời điểm này, nguồn nguyên liệu từ các hộ nuôi đang thừa mứa. Theo giải thích của các DN, nguyên nhân là do “ngư dân đổ ra bán tháo”.
Hai áp lực với các hộ nuôi tôm, cá

Trước Tết Nguyên đán, tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp và TP Cần Thơ, giá cá tra thịt trắng dao động từ 14.800 đồng – 15.800 đồng/kg, giá cá tra thịt vàng từ 13.300 đồng – 13.700 đồng/kg. Với mức giá này, dù đã có lãi từ 1.000 đồng – 1.500 đồng/kg nhưng các hộ nuôi vẫn găm hàng, khiến nhiều DN chế biến phải chật vật thu mua nguyên liệu từ các tỉnh khác. Vậy mà mới đây, cũng chính những hộ nuôi này lại bán ra dồn dập với giá giảm vài trăm đồng/kg để kịp trả nợ ngân hàng. Một hộ nuôi thủy sản cho biết: Giá nào cũng phải bán để ngân hàng mua tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước vào giữa tháng 3 này.

Theo Bộ NN-PTNT, trước khi có tình trạng các hộ nuôi đổ hàng ra bán thì các nhà máy chế biến tôm ở các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng chỉ hoạt động chưa tới 30% công suất do chưa vào vụ tôm sú. Nguồn nguyên liệu đánh bắt rất hiếm, do vậy, chủ yếu trông chờ vào các hộ nuôi trái vụ hoặc nguồn hàng tồn từ các vụ trước. Có thời điểm giá tôm sú nguyên liệu loại 20 con/kg lên tới 160.000 đồng/kg và loại 30 con/kg lên tới 104.000 đồng/kg.

Ông Bửu Huy, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Nông sản Thực phẩm An Giang, cho rằng nguồn nguyên liệu cá tra, cá basa hiện đang rất dồi dào, bảo đảm được tiến độ sản xuất, chế biến. Giá cả cũng hợp lý hơn trước nhiều bởi nông dân chủ động bán ra trả nợ ngân hàng. Tuy nhiên, tình hình này chẳng biết duy trì bao lâu vì các hộ nuôi phải chịu áp lực do giá thức ăn tăng rất mạnh và các nhà máy bán thức ăn đều áp dụng chính sách “không trả bớt nợ thì không bán hàng”. Do đó thấy vừa có lãi là nông dân ồ ạt bán ra chứ không giữ chờ giá tăng nữa.

Thiếu nguyên liệu vì tàu nằm bờ

Các DN xuất khẩu mặt hàng làm từ nguyên liệu như tôm, cua, ghẹ, nghêu,... phụ thuộc nhiều vào hoạt động đánh bắt. Khoảng thời gian trước và sau Tết, ngư dân vùng đồng bằng sông Cửu Long trúng đậm mùa cá và mực nên rất tích cực ra khơi. Còn tại Đà Nẵng, Quảng Ngãi, ngư dân đều trúng mùa cá cơm, cá hố... Theo báo cáo của Bộ NN-PTNN, sản lượng thủy sản khai thác hai tháng đầu năm tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2007, đạt 375.000 tấn, chiếm gần 60% tổng sản lượng thủy sản. Thế nhưng “ngày vui ngắn chẳng tày gang” khi mới đây giá xăng dầu tăng khiến nhiều ngư dân thông báo ngưng hoạt động. Một ngư dân tại xã Vàm Láng (Gò Công Đông, Tiền Giang) cho biết, mỗi chuyến đi kéo dài 30 ngày, các ghe tàu sử dụng khoảng 2.000 lít dầu, như vậy với mức tăng 3.700 đồng/lít thì mỗi chuyến phải tốn thêm 7,4 triệu đồng. “Không chỉ xăng dầu tăng mà vật tư các loại cũng tăng theo, trong khi nguồn nguyên liệu thủy hải sản ngày càng khan hiếm, việc đánh bắt khó khăn hơn trước rất nhiều mà giá đầu ra của nguyên liệu lại không tăng tương ứng. Vì thế, tàu phải... nằm bờ” - nhiều ngư dân than thở.

Ông Lê Anh Dũng, đội trưởng đội bảo vệ cảng cá Vàm Láng, cho biết: Đa số tàu đánh cá trở về trước ngày 25-2 (thời điểm xăng dầu tăng giá) đã không ra khơi trở lại vì không kham nổi chi phí. Chỉ có một số ít DN có vốn mạnh gồng mình duy trì thêm một thời gian nữa với hy vọng chờ giá nguyên liệu thủy hải sản tăng lên để bù lỗ. Còn bà Nguyễn Thị Ánh, Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Sông Tiền (Sotico), cho rằng nếu tình trạng nguyên liệu cứ bấp bênh như thế này thì công ty sẽ phải tính đến giải pháp nhập khẩu nguyên liệu từ các nước khác để bảo đảm tiến độ chế biến, xuất khẩu.




Nguồn: http://thongtinthuongmaivietnam.vn
Báo cáo phân tích thị trường