Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
VN cần chủ động ứng phó với sự suy thoái kinh tế Mỹ
17 | 03 | 2008
Trước nguy cơ suy thoái và lạm phát của nền kinh tế Mỹ đang ngày càng rõ nét, nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam cần chủ động chuẩn bị để có thể ứng phó kịp thời.
Các chuyên gia kinh tế quốc tế và giới truyền thông Mỹ đang nói rất nhiều về nguy cơ suy thoái của kinh tế Mỹ. Họ cho rằng đây là điều không thể tránh khỏi, nếu không muốn nói là đã bắt đầu.

Kinh tế Mỹ lao đao trong suy thoái

Chu kỳ tăng trưởng của kinh tế tư bản trong thời đại chu kỳ thay đổi thiết bị, kỹ thuật - công nghệ ngày nay cứ khoảng 5-6 năm lại bước vào suy thoái. Cuộc suy thoái lần trước của kinh tế Mỹ rơi vào năm 2001 và thời kỳ tăng trưởng cũng đã kéo dài được 5-6 năm. Để chống suy thoái và kích thích tăng trưởng kinh tế sau cuộc suy thoái năm 2001, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã 11 lần liên tục giảm lãi suất từ 6,75% xuống 1%.

Chính lãi suất sau khi được cắt giảm xuống mức rất thấp như vậy đã làm cho người tiêu dùng Mỹ thoải mái vay tiền để tiêu dùng, mua nhà cửa thế chấp; các ngân hàng đã thoải mái cho vay đầu tư xây dựng nhà cửa để bán và cho vay mua nhà dưới chuẩn.

Khi nền kinh tế đã phục hồi và nguy cơ lạm phát xuất hiện, FED đã liên tục tăng lãi suất từ 1% lên 5,25%. Khi lãi suất cao lên, người mua nhà thế chấp có nguy cơ không trả được nợ, thậm chí phải bán nhà (hoặc bị tịch thu nhà); các công ty xây dựng nhà cũng giảm xây dựng vì xây xong không bán được đã làm cho thị trường nhà cửa, tín dụng cho vay thế chấp dưới chuẩn bị khủng hoảng, tác động mạnh đến thị trường tài chính, thị trường chứng khoán không chỉ của nước Mỹ mà của hầu hết các nước trên thế giới.

Để ứng cứu, ngân hàng trung ương của nhiều nước phát triển đã tung ra mấy trăm tỷ USD; FED đã liên tục cắt giảm lãi suất; Chính phủ Mỹ đã đưa ra biện pháp kích thích tài chính trị giá khoảng 150 tỷ USD, gồm chương trình giảm thuế cá nhân (600 USD/người, 1.200 USD cho hai vợ chồng cùng đóng thuế, 300 USD cho trẻ em) và giảm thuế cho doanh nghiệp... Tuy nhiên, vẫn có những thông tin xấu hơn xuất hiện.

Chỉ số sản xuất của Mỹ tháng 2/2008 ở mức thấp hơn nhiều so với dự báo. Trong 6 tháng qua, chỉ số này đã giảm 2% (6 tháng trước cuộc suy thoái năm 2001, chỉ số sản xuất đã giảm 2,2% và mức giảm trung bình trong 6 tháng trước của hầu hết các cuộc suy thoái là 2,5%).

Tăng trưởng kinh tế của quý 4/2007 chỉ đạt 0,6%, thấp hơn nhiều so với quý 3 trước đó, kéo tốc độ tăng trưởng cả năm 2007 xuống còn 2,2%, mức thấp nhất tính từ năm 2002 là năm kinh tế Mỹ bắt đầu hồi phục liên tục đi xuống từ năm 2005 đến nay và sẽ tiếp tục đi xuống trong năm 2008 này.

Tỷ lệ thất nghiệp đã lên đến 5% vào tháng 12/2007 và khả năng sẽ cao hơn nữa vào năm 2008. Từ tháng 12/2007 đến tháng 2/2008, hoạt động xây dựng giảm 16,9%, chỉ số Dow Jones giảm 13%, vượt quá mức 10% - một mức đã được xem là ảm đạm.

Cuộc khủng hoảng thị trường nhà đất tiếp tục bộc lộ, khi số nhà mới xây giảm tới 40% so với mức đỉnh điểm trong năm 2006; giá nhà trung bình đã giảm 7% trong năm 2007 và có triển vọng giảm 15-20% trong thời gian tới. Số nhà bị tịch thu gán nợ tiếp tục gia tăng, trong khi theo ước tính ban đầu, các ngân hàng Mỹ có thể mất khoảng 70 tỷ USD.

Để ngăn chặn nguy cơ suy thoái, FED đã liên tục 4 lần cắt giảm lãi suất từ 5,25% xuống còn 3%. Theo dự đoán, trong kỳ họp vào ngày 18/3 này, FED sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất xuống còn 2,5%, thậm chí còn 2,25%. Nhưng trong khi Mỹ cắt giảm lãi suất thì lãi suất của Ngân hàng Trung ương châu Âu vẫn giữ ở mức 4%. Tình hình đó sẽ dẫn đến hai hiện tượng.

Một, lạm phát của Mỹ sẽ gia tăng. Tốc độ tăng giá tiêu dùng năm 2006 chỉ có 1,9%, năm 2007 đã tăng lên 3,4% và có thể cao hơn nhiều trong năm 2008 - điều mà các năm trước đây FED thường ưu tiên mỗi khi tăng/giảm lãi suất do tỷ lệ tiêu dùng so với GDP của Mỹ thuộc loại cao nhất thế giới và người tiêu dùng rất “ngán sợ" lạm phát.

Điều đó chứng tỏ nguy cơ suy thoái kinh tế đã trầm trọng đến mức nào và đưa nước Mỹ cùng một lúc đến trước hai nguy cơ rất ít khi cùng đồng hành là nguy cơ suy thoái và nguy cơ lạm phát.

Hai, giá USD sẽ tiếp tục bị giảm so với các đồng tiền trên thế giới (đã giảm 40% so với Euro năm 2003, giảm 25% so với các đồng tiền khác trên thế giới).

Tác động tới kinh tế Việt Nam và ứng phó

Nguy cơ suy thoái và lạm phát của Mỹ sẽ tác động đến tất cả các nước trên thế giới với mức độ khác nhau. GDP của Mỹ hiện chiếm khoảng 28% GDP của toàn thế giới. Nhập khẩu của Mỹ hàng năm lên đến 1.700 tỷ USD. Đối với Việt Nam, nếu nhìn lại các con số thống kê của một thập niên trước đây thì cũng có thể thấy được mức độ của sự tác động này.

Cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ ở khu vực (1997-1998) và cuộc suy thoái kinh tế Mỹ (năm 2001) cũng đã tác động nhất định đến tăng trưởng kinh tế của nước ta, mặc dù lúc đó độ mở của nền kinh tế Việt Nam chưa rộng và chúng ta cũng đã có nhiều biện pháp ứng phó.

Cụ thể, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam từ 1992-1997 đạt 8,77%/năm, nhưng năm 1998 giảm xuống chỉ còn 5,76%, năm 1999 chỉ còn 4, 77%, năm 2000 đã tăng lên 6,8%, nhưng năm 2001 cũng chỉ tăng 6,9%, bình quân thời kỳ 1998- 2001 chỉ tăng 6,05%/năm, thấp hơn nhiều so với bình quân thời kỳ 1992-1997 và cũng thấp hơn tốc độ tăng bình quân 7,88%/năm của thời kỳ 2002-2007).

Còn suy thoái kinh tế của Mỹ hiện nay sẽ tác động trực tiếp đối với nước ta trước hết là xuất khẩu, bởi Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Tác động này thể hiện trên hai mặt.

Một, nhu cầu nhập khẩu hàng hoá của Mỹ đối với thế giới nói chung và đối với Việt Nam nói riêng (là một trong 37 nước xuất khẩu lớn nhất vào Mỹ, trong đó có một số mặt hàng đứng thứ hạng cao hơn như dệt may, hạt tiêu, hạt điều, cà phê, đồ gỗ, thuỷ sản...).

Mặt khác, do tỷ giá VND/USD giảm (tức là VND lên giá so với USD) sẽ làm cho xuất khẩu vào Mỹ của các doanh nghiệp sẽ bị lỗ về tỷ giá (khi vay tiền để sản xuất, mua hàng xuất khẩu, tỷ giá VND/USD chẳng hạn còn ở mức 16.200 VND/USD, nhưng khi xuất khẩu thu được USD mang đổi ra VND lại chỉ còn 15.700, tức là đã bị lỗ về tỷ giá là 300 đồng). Đó là chưa kể, để cạnh tranh bán hàng vào Mỹ, nhiều nước có mặt hàng tương đồng đã giảm giá.

Để ứng phó với tác động về xuất khẩu vào thị trường Mỹ, Việt Nam, một mặt cần tiếp tục tiết giảm các chi phí, nâng cao chất lượng để tăng sức cạnh tranh tại thị trường xuất khẩu; mặt khác tìm kiếm thị trường khác để phân tán rủi ro cả về nhu cầu nhập khẩu, cả về tỷ giá.

Tác động thứ hai là tỷ giá VND/USD giảm (tức là USD giảm giá trên thị trường thế giới, trong đó có cả VND, hay VND lên giá so với USD). Lâu nay, đồng Việt Nam được định giá gắn với đồng USD. Khi giá USD giảm trên thị trường thế giới, nếu không chấp nhận cho VND lên giá thì sẽ góp phần làm cho lạm phát tăng lên, tức “nhập khẩu lạm phát”, đồng thời người tiêu dùng phải chịu giá cả tăng do nhập khẩu. Cho phép VND lên giá để tăng nhập khẩu, vừa tăng cung hàng hoá làm giảm bớt mất cân đối hàng-tiền, vừa hạ giá hàng nhập khẩu làm giảm áp lực lạm phát.

Mặc dù giá VND lên sẽ làm cho xuất khẩu bị thiệt, nhưng nhập khẩu lại có lợi về tỷ giá. Về xuất khẩu thì bị lỗ như ở ví dụ trên. Về nhập khẩu, khi vay thì tỷ giá là 16.200 VND/USD, khi nhập khẩu, bán hàng, thanh toán xong để trả nợ thì tỷ giá xuống 15.700 VND/USD, thì người nhập khẩu sẽ được lãi 500 VND hoặc người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi trong số đó.

Để ứng phó với tác động bất lợi về tỷ giá, một mặt cần chuyển mạnh việc xuất khẩu sang các thị trường và thanh toán bằng các đồng tiền ngoài USD (như Euro, Bảng Anh, Yên Nhật), mặt khác cũng cần tăng cường mạnh việc nhập khẩu từ các thị trường và thanh toán bằng đồng USD.



Nguồn: VnEconomy
Báo cáo phân tích thị trường