Đại diện của nhiều hiệp hội có lượng hàng xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn đều than nếu cứ kéo dài tình trạng như thế này thì doanh nghiệp càng xuất khẩu càng lỗ nặng.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), cho biết với khó khăn về sự tăng giá của đầu vào, về tài chính thì hiện tại nếu tính các hợp đồng đã ký thì các doanh nghiệp xuất khẩu điều trong hiệp hội đã chịu lỗ trước mắt là 150-160 tỷ đồng.
Trước tình hình khó khăn này, dự tính năm 2008 Donafoods sẽ giảm hơn 2.000 lao động so với năm 2007, thay vào đó sẽ nhập thêm máy móc để nâng cao năng suất. Theo đó, công ty nhập thêm bảy máy bóc vỏ lụa, nâng tổng số lên 15 máy. Cứ một máy bóc vỏ lụa chạy hai ca có thể thay thế cho khoảng 150 lao động.
Giám đốc Công ty da Tây Đô, cho biết có rất nhiều công ty mà ông biết đã có kế hoạch đóng cửa và cắt giảm lao động. Riêng Tây Đô nếu thực hiện hợp đồng xuất khẩu 15 triệu USD sản phẩm da, công ty lỗ hơn 600 triệu đồng.
Phó Tổng giám đốc Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex), cho biết giá nguyên liệu đầu vào tăng cùng với việc đồng USD trượt giá thì ngành dệt may là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Năm 2007, xuất khẩu của dệt may đạt gần tám tỷ USD thì với sự trượt giá này, toàn ngành dệt may đã thiệt hại hàng trăm triệu USD. Cái khó của dệt may thị trường Mỹ chiếm tới 60% tổng lượng hàng xuất khẩu nên việc chuyển sang thanh toán bằng ngoại tệ khác không hề đơn giản. Bài toán tiết kiệm chi phí, trong đó bao gồm việc giảm số lượng nhân công đang được các doanh nghiệp trong tập đoàn dệt may tính tới.
Cùng cảnh ngộ, các doanh nghiệp trong hiệp hội thủy sản, hồ tiêu, nhựa đều đang lên kế hoạch cắt giảm sản xuất cùng với việc tinh giản nhân công để đối phó với tình trạng thua lỗ.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp xuất khẩu lại cho rằng việc cắt giảm lao động chưa phải là phương án hay nhất trong lúc này. Phó giám đốc một doanh nghiệp cho biết trước những khó khăn như thế, nhằm bảo đảm sản xuất, kinh doanh, công ty đang thương lượng với các đối tác để nhích giá. Trong tình hình khó khăn chung như vậy, việc thương lượng tăng giá sẽ được các đối tác nước ngoài thông cảm. Tuy nhiên, việc chọn thời điểm để điều chỉnh và tăng giá bao nhiêu mới là vấn đề khó cho doanh nghiệp.
Phó Tổng giám đốc Tập đoàn dệt may Việt Nam, khẳng định việc cắt giảm lao động chỉ là phương án cuối cùng mà các doanh nghiệp tính tới. Theo ông ngoài việc tìm cách giảm chi phí sản xuất, các doanh nghiệp cần phải cân đối giữa vấn đề xuất và nhập khẩu hàng. Ngoài ra, để hạn chế tối thiểu sự trượt giá của đồng USD, các doanh nghiệp thuộc hệ thống tập đoàn tìm cách hỗ trợ nhau về vốn, nguyên liệu.
Trước việc một số doanh nghiệp đang có kế hoạch sa thải công nhân, tại cuộc họp giao ban xuất khẩu khu vực phía nam, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết lúc này chưa phải là đường cùng đối với doanh nghiệp xuất khẩu. Việc dừng sản xuất, hủy hợp đồng, sa thải công nhân là cách làm không tích cực, thậm chí quá bi quan từ phía doanh nghiệp.Trong thời gian tới, Bộ Công thương cùng các cơ quan chức năng sẽ đề xuất với Chính phủ có những chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp xuất khẩu như cho vay với tỷ suất ưu đãi và tạo thuận lợi việc thu mua ngoại tệ có nguồn gốc từ xuất khẩu.