Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Muốn gạo được giá rất cần một tổ chức các quốc gia xuất khẩu gạo
03 | 04 | 2008
Ý tưởng về Tổ chức các quốc gia xuất khẩu gạo (Organization of Rice Exporting Countries - OREC) manh nha trong một ít doanh nhân xuất khẩu lúa gạo mỗi khi nói về giá gạo xuất khẩu. Việt Nam đứng thứ nhì thế giới về xuất khẩu gạo, đã đến lúc đòi hỏi để có một OREC để tạo vận hội mới?
Giữa thập niên 60 thế kỷ trước, khi Thái Lan trở thành nước xuất khẩu dẫn đầu thế giới, người Thái đã muốn lập ra tổ chức nhà xuất khẩu gạo dẫn đầu thế giới (The World's Leading Rice Exporter).
Một số doanh nghiệp cho rằng đây là việc rất cần thiết để thoát khỏi cảnh bán gạo với giá thấp lè tè.
Đầu năm nay, gạo 5% tấm của Việt Nam giá chỉ 355 USD/tấn, đến tháng 2.2008, mức giá xuất khẩu của loại gạo này lên tới 400 USD/tấn, tăng 95 - 100 USD/tấn so với cùng kỳ năm ngoái. Khi Ấn Độ và Pakistan giảm lượng gạo xuất khẩu và Trung Quốc, Philippines, Indonesia, các nước châu Phi muốn nhập khẩu nhiều hơn thì giá gạo thế giới sẽ tiếp tục tăng lên. Xu hướng này bộc lộ từ các giao dịch gạo toàn cầu niên vụ 2006 - 2007 với mức 29,14 triệu tấn, tăng 1,07 triệu tấn so với niên vụ trước.
Các nước xuất khẩu gạo chính là: Thái Lan 8,7 triệu tấn, Việt Nam 4,9 triệu tấn, Ấn Độ 4,3 triệu tấn, Mỹ 3,26 triệu tấn. Năm ngoái, Thái Lan xuất khẩu 9,55 triệu tấn gạo thu về 3,6 tỉ đô la, năm nay có thể còn 8,75 triệu tấn nhưng có khả năng thu về 4,7 tỉ đô la. Báo chí Thái Lan đưa tin năm nay, Việt Nam chỉ xuất khoảng 3,5 triệu tấn gạo, giảm 1 triệu tấn. Cộng số lượng gạo xuất khẩu các nước khác cũng giảm khoảng 4 triệu tấn.
Những thông tin này được xem như một cơ hội để các nhà xuất khẩu “làm giá” khi các nước tìm tới Thái Lan và cơ hội ấy có thể giúp họ kéo giá gạo trắng loại B từ 420 đô la lên 720 đô la/tấn. Các nhà xuất khẩu Thái Lan cho rằng đã đến lúc Thái Lan nắm bắt thời cơ thành lập và lãnh đạo OREC, tương tự như tổ chức OPEC để kiểm soát việc cung ứng lúa gạo, giá cả trên thị trường thế giới và mang lại lợi tức cho nông dân từ việc xuất khẩu gạo.
Một số doanh nghiệp khác cho rằng với thực trạng an ninh lương thực như hiện nay thì Việt Nam còn phải làm nhiều việc nữa mới có thể nói tới một tổ chức như vậy. Hơn nữa, Thái Lan có nhiều ưu thế về đất đai, giống ngon hơn… và đặc biệt họ có một tổ chức những nhà xuất khẩu gạo biết cách “làm giá” để nông dân được nhờ, nên cứ để cho Thái Lan khởi xướng xây dựng, lãnh đạo một tổ chức như vậy.
Ông Ngô Văn Tân, một kế hoạch gia tài chính của tổ hợp đa quốc gia Sun Life Financial (Canada) nói: “Việt Nam là cường quốc xuất khẩu gạo thứ hai trên thế giới, đã đến lúc chúng ta phải làm để có một OREC. Phải quyết liệt vì một OREC”.


vinanet.vn
Báo cáo phân tích thị trường