Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Bùng nổ cà phê trồng mới
04 | 04 | 2008
Chưa đến mùa mưa mà thị trường mua bán giống cà phê ở Đắk Lắk đã trở nên sôi động, báo hiệu sự bùng nổ diện tích cà phê trồng mới trong năm nay.
Nhu cầu giống tăng mạnh

Giá cà phê lên đỉnh điểm 40.000 đồng/kg thời gian qua dường như thổi bùng thêm ngọn lửa khao khát làm giàu của hàng vạn hộ dân ở Tây Nguyên. Không ít hộ tìm cách mở rộng diện tích cà phê, đổ xô đi mua cây giống cà phê về trữ, đợi mưa xuống để trồng, hoặc đơn giản là bán lại kiếm lời.
Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên (trước đây có tên là Viện Nghiên cứu cà phê Ea Kmát) nằm ở xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) là đơn vị duy nhất cung cấp giống chất lượng cao cho người trồng cà phê cả nước. Xung quanh viện có gần 30 hộ làm nghề ươm giống, như những vệ tinh "ăn theo" danh tiếng của viện này. Nơi đây mặc nhiên trở thành trung tâm giống cà phê của Đắk Lắk và cả Tây Nguyên. Chưa đến mùa mưa - mùa gieo trồng, nhưng ở khu vực này khá nhộn nhịp người tìm mua cây giống.
Thấy tôi dừng xe, chị Dương Thị Được, đang cắt ghép cây cà phê trong vườn nhà, chạy ra đon đả: "Chú mua bao nhiêu cây? Mua bữa nay giá rẻ chứ đợi mưa xuống giá tăng gấp rưỡi, gấp hai mà cũng không có cây giống tốt đâu chú à". Cây giống ghép mà chị Được và nhiều hộ xung quanh sản xuất là cây có phần gốc cà phê mít, còn phần chồi ghép cà phê vối. Chị Được giải thích: "Người mua chuộng cây ghép này vì cà phê mít có ưu điểm bộ rễ tốt, chịu hạn và sâu bệnh, còn phần chồi ghép cà phê vối cho năng suất, chất lượng cao". Do sân nhà chật hẹp nên năm nay chị Được chỉ ươm ghép khoảng 4 vạn cây, mấy ngày nay đã bán được 2 vạn cây, giá 3.500 đồng/cây ghép. "Người mua đông hơn mọi năm, khá nhiều người đến từ tỉnh ngoài như Gia Lai, Lâm Đồng, Đồng Nai..." - chị Được kể.
Công ty TNHH thương mại Đức Anh ở Km 7, quốc lộ 27 được xem là "anh Hai" về cây giống trong vùng, mỗi năm cung cấp hàng triệu cây giống các loại, cả cây công nghiệp và cây trồng rừng. Ở thời điểm này, Công ty Đức Anh đã bán được 17 vạn cây cà phê giống ghép và thực sinh, trong đó khách hàng ở Lâm Đồng sang mua 5 vạn cây, ở Gia Lai mua 2 vạn cây (năm 2007 công ty chỉ bán được 4 vạn cây giống). Ông Lê Đức Tiến, Giám đốc công ty, nhận xét: "Từ khi lập công ty chuyên sản xuất cây giống năm 2002 đến nay, tôi mới thấy người ta đổ xô đi mua cà phê giống sớm như vậy. Có lẽ do giá cà phê nhân hiện nay hấp dẫn quá!".
Tăng diện tích cà phê: nỗi lo lớn
Bán được nhiều cà phê giống nhưng ông Lê Đức Tiến có vẻ không vui. Ông nói: "Với giá cà phê cao như hiện nay thì không bao lâu nữa Tây Nguyên không còn rừng. Vì cà phê mọc đến đâu thì mất rừng đến đó". Vốn là kỹ sư nông nghiệp, ông Tiến hiểu rõ giá trị sinh thái của rừng đối với sản xuất nông nghiệp và môi trường. Việc tăng diện tích cà phê, đồng nghĩa với việc thu hẹp độ che phủ của rừng Tây Nguyên khiến ông trăn trở.
Những ngày này, ở Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên khá đông người vào hỏi mua cà phê giống. TS Lê Ngọc Báu, Phó viện trưởng, cho biết đầu năm nay, viện đã cung cấp cho nông dân các tỉnh Tây Nguyên hơn 10 tấn hạt cà phê giống (năm 2007 là 5 tấn). Theo tính toán, mỗi kg hạt giống tối thiểu cũng trồng được 0,5 ha, nếu ươm thành công sẽ trồng đến 1 ha.

Trong khi đó, theo ông Báu nhận xét, các vườn ươm của nông dân và doanh nghiệp bên ngoài đã bán số lượng giống gấp hàng chục lần của viện. Như vậy, riêng các tỉnh Tây Nguyên năm nay sẽ có thêm vài chục nghìn ha cà phê trồng mới. Dưới cái nhìn của nhà nông học, TS Báu cho rằng, mối nguy của việc tăng diện tích còn ở chỗ người dân trồng cà phê bằng mọi giá, bất chấp các loại giống tốt xấu, nhất là sử dụng giống cây thực sinh ươm bằng hạt, dẫn đến hậu quả lâu dài là vườn cây có năng suất, chất lượng kém.
Cả nước hiện có gần 500.000 ha cà phê, trước đây chủ yếu được trồng thực sinh, nay diện tích cà phê già cỗi cần cưa ghép mỗi năm gần 100.000 ha. Nhưng cả nước cũng chỉ có khoảng 3 ha chồi cà phê nhân giống, chỉ đủ khả năng cung cấp chồi ghép cải tạo mỗi năm khoảng 500 ha cà phê già cỗi, quá nhỏ so với nhu cầu.
Ông Lê Đức Thống, Trưởng ban Kiểm soát Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam băn khoăn: "Bài học về tăng ào ạt diện tích cà phê vào những năm 1990 vẫn còn đó. Khi giá cà phê tăng, nông dân đua nhau trồng, sản lượng tăng thì giá tụt dốc, người nông dân phải gánh chịu tất cả rủi ro. Trong khi đó, việc ngăn chặn gia tăng diện tích cà phê ở các địa phương mới chỉ là những lời khuyến cáo mà chưa có giải pháp hữu hiệu".



kinhte24h.com
Báo cáo phân tích thị trường