Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thị trường tài chính chung ASEAN và những nỗi lo từ quá khứ
07 | 04 | 2008
Những tuyên bố tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính, thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN tổ chức tại Đà Nẵng vừa qua cho thấy sự thận trọng và quyết tâm ngăn ngừa một cuộc khủng hoảng tài chính trong khu vực như đã từng xảy ra trong quá khứ.
Hội nghị Bộ trưởng Tài chính, thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN và ASEAN+3 tại Đà Nẵng đã kết thúc vào ngày 4/4, sau 5 ngày hoạt động.

Hội nghị lần này tiếp tục bàn thảo sâu về lộ trình hội nhập tài chính, tiền tệ các nước trong khu vực, vốn đã được thông qua vào năm 2003, nhằm mục đích phát triển các thị trường tài chính tiền tệ theo chiều sâu và thúc đẩy hợp tác qua biên giới giữa các thị trường.

Cho dù những nội dung thảo luận về cơ bản không thay đổi trong suốt nhiều kỳ hội nghị, thì một trong những ưu tâm nổi lên tại Hội nghị lần này là quyết tâm chung trong nỗ lực ngăn ngừa khủng hoàng tài chính.

Trong diễn văn phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, người đã từng đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng Tài chính nhiều năm, phát biểu:

“Kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 là một bài học quý báu để nhìn nhận lại cơ chế giám sát ASEAN, quá trình tự do hóa tài khoản vốn, tự do hóa dịch vụ tài chính và đẩy mạnh việc phát triển và hợp tác qua biên giới giữa các thị trường vốn trong khu vực Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung.”

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt với lạm phát diện rộng, trong khi châu Á đang trong thời kỳ tăng trưởng quá nóng.

Những lo ngại của các thành viên tham dự lần này không phải không có lý do. Nhìn lại tình trạng phát triển của khu vực Đông Á trước khi diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính 1997 có thể thấy có nhiều đặc điểm trùng hợp tình hình hiện tại.

Nổi lên như một khu vực thu hút vốn đầu tư hấp dẫn, nhưng sự thiếu kiểm soát tốc độ tăng trưởng cũng như các dòng vốn vào đã tạo nên những điểm yếu mang tính cơ bản trong chất lượng tăng trưởng của Đông Á, mà theo báo cáo của World Bank có 3 điểm cơ bản:

1. Thâm hụt tài khoản vãng lai lớn, được tài trợ bởi các nguồn vốn ngắn hạn, đã đẩy nền kinh tế Đông Á vào tình thế đảo lộn bất ngờ

2. Tự do hóa thị trường tài chính trong nước thiếu sự điều chỉnh và giám sát thận trọng thích hợp đã tạo điều kiện cho các nhận các khoản vay không được bảo hiểm từ nước ngoài vào khiến họ dễ bị tổn thương trước những biến động bất ngờ của thị trường tiền tệ.

3. Các công ty do thiếu một thị trường trái phiếu và cổ phiếu phát triển toàn diện đã vay ngân hàng quá nhiều nhằm mở rộng kinh doanh một cách nhanh chóng và trở thành các công ty có tỷ lệ nợ cao. Chính điều này khiến họ bị tổn thương khi có thay đổi về lãi suất.

Chính vì vậy tại hội nghị lần này, “Sáng kiến Chiềng Mai” (CMI) về việc thành lập một quỹ tiền tệ của khu vực ASEAN và “Sáng kiến thị trường trái phiếu châu Á” (ABMI) đã thu hút khá nhiều sự quan tâm.

Sáng kiến Chiềng Mai nhằm tạo ra một cơ chế ngăn ngừa khủng hoảng và cho phép hỗ trợ tài chính ngắn hạn cho các nước thành viên ngay khi có khó khăn tạm thời về cán cân thanh toán quốc tế và thâm hụt tài khoản vãng lai.

Trong khi đó ABMI sẽ xem xét để tạo ra các cơ chế vốn linh hoạt, tránh tình trạng vay ngân hàng quá nhiều, dễ dẫn đến tổn thương khi nền kinh tế có thay đổi về lãi suất.

Sáng kiến Chiềng Mai được đưa ra từ năm 2000, sau cú sốc tài chính khu vực 1997 – 1998, mục đích tạo ra một cơ chế bao gồm các thỏa thuận hoán đổi song phương giữa các nước ASEAN và ASEAN + 3, thông qua việc thành lập một quỹ tiền tệ của khu vực ASEAN có sự tham gia của các nước Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Quỹ này bao gồm 17 thoả thuận với quy mô vốn dự kiến từ 80 - 100 tỷ USD do các thành viên đóng góp, nhằm tài trợ những khoản vay cho các thành viên đang gặp khó khăn về thanh khoản (thanh toán ngắn hạn).

Quỹ này còn nhằm một mục đích khác là giải quyết các khoản vay thanh khoản một cách nhanh nhất, khác với đi vay từ IMF, WB hay ADB - vốn mất nhiều thời gian, thủ tục và đánh đổi một số chủ quyền quốc gia.

“Sáng kiến thị trường trái phiếu châu Á” (ABMI) được đưa ra tại cuộc họp ở Hà Nội hồi tháng 2/2008. Mục tiêu của ABMI là nhằm phát triển những thị trường trái phiếu hiệu quả ở châu Á, tận dụng tốt hơn nguồn vốn để đầu tư cho khu vực này và tăng cường hỗ trợ kết nối tài chính trong khu vực.



Nguồn: doanhnghiep24g.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường