Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giảm chi phí sản xuất lúa: giải pháp để tăng thu nhập cho nông dân
07 | 04 | 2008
Trong quí I năm 2008, giá lúa gạo trong nước liên tiếp lập những kỷ lục do tác động của sự tăng giá lúa gạo thế giới. Tình trạng lạm phát trong nước kéo dài cùng với sự biến động của giá cả thế giới đã tác động mạnh mẽ khiến cho giá cả các yếu tố đầu vào của sản xuất tăng vọt. Giá lúa gạo tăng nhưng người nông dân vẫn kém vui vì lợi nhuận thu được không cao. Giảm chi phí sản xuất là một trong nhiều giải pháp cần thực hiện giúp người nông dân hưởng lợi từ việc tăng giá lúa.
Giá lúa, gạo tăng mạnh nhưng thu nhập từ trồng lúa vẫn thấp

Theo Reuters, giá gạo toàn cầu đã tăng gấp đôi trong 3 tháng đầu 2008 và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới khi nhu cầu tăng mạnh. Tính từ giữa tháng 2 đến đầu tháng 3/2008, giá chào bán gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng khoảng 53% so với cùng kỳ năm trước. Giá gạo trong nước và xuất khẩu đều tăng mạnh, nhưng người trồng lúa vẫn gặp nhiều khó khăn vì giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao. Lúa gạo được mùa, giá xuất khẩu tăng nhưng người dân vẫn chưa được hưởng lợi.

Nghiên cứu của IPSARD cho thấy, tỷ lệ lãi trong doanh thu của người trồng lúa ĐBSCL đạt trung bình 31.2 %, gần 70% còn lại được sử dụng để tái đầu tư sản xuất, song nông dân vẫn chưa đủ khả năng để có thể đầu tư thêm trang thiết bị, hay đầu tư mở rộng vùng lúa chất lượng cao. Chi phí sản xuất lúa ở vùng Bắc bộ vẫn luôn ở mức cao gấp đôi so với của các tỉnh miền Nam, và lợi nhuận chỉ chiếm khoảng 25% trong giá bán. Trong đợt khảo sát của đoàn liên bộ cuối tháng 9/2007, giá thành sản xuất cao nhất một kg lúa ở vùng đồng bằng sông Cửu Long là 1.600 đồng, bình quân khoảng 1.300 đồng đến 1.400 đồng/kg. Lãi trên 1 ha lúa được 7,5 triệu đồng, bình quân ruộng đất trên một nông hộ ở ĐBSCL hiện nay chỉ còn 0,5 ha/hộ, với trung bình 6 nhân khẩu/nông hộ, thì thu nhập của nông dân trồng lúa rất thấp, dao động trong khoảng từ 8-10 triệu đồng/ha/năm tuỳ theo địa phương.

Chi phí sản xuất tăng khiến cho nông dân gặp nhiều khó khăn

Trong cơ cấu chi phí sản xuất lúa gạo hiện nay của Việt Nam, chi phí vật chất chiếm khoảng trên 60%, trong đó, phân bón (chủ yếu là phân hóa học) chiếm tỷ trọng nhiều nhất, trung bình cho cả nước là trên 38,4%, tiếp đến là hoạt động cơ giới hóa trên 18%, thuốc bảo vệ thực vật trên 16%, nước tưới trên 9,3%, giống trên 8,8%.

Xem xét các yếu tố của chi phí sản xuất cho thấy, tất cả các yếu tố đầu vào đều tăng, trừ thuỷ lợi phí. Chi phí lao động luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng chi phí sản xuất lúa, có thể chiếm tới trên 50% tổng chi phí sản xuất (trường hợp lúa đông xuân vụ 2006/07 ở Hải Dương), và ổn định ở tỷ lệ 32% (trường hợp của An Giang, lúa đông xuân 2005/06 và 2006/07). Hiện nay, Đồng bằng sông Cửu Long đang bước vào vụ thu hoạch lúa Đông Xuân, giá công thợ gặt đã bị đẩy lên mức 90.000 đồng/công, tăng khoảng 30% so với vụ trước.

Giá phân đạm cũng tăng đột biến, hiện tại phân DAP đã đạt mức 1000 USD/tấn. Tại thị trường trong nước giá phân bón tiếp tục tăng mạnh lên mức cao mới do tác động của phân bón nhập khẩu tăng cao, tại Đồng Nai: giá phân bón tiếp tục tăng mạnh: phân urê Phú Mỹ tăng 1,000đ lên 8,400 đ/kg (giá tại thời điểm tháng 3/2007 là 5,360đ/kg), DAP Trung Quốc tăng 1,100đ lên 17,500 đ/kg (giá tại thời điểm tháng 3/2007 là 7,000đ/kg), tại Kiên Giang: Phân urê Phú Mỹ tiếp tục tăng 120đ lên 8,800 đ/kg, DAP tăng 3,200 đ/kg lên 19,600 đ/kg.

Hiện nay, các doanh nghiệp trong nước mới chỉ sản xuất được 900 nghìn tấn urê/năm, trong khi nhu cầu phân đạm cho nông nghiệp lớn hơn rất nhiều. Chính vì vậy, Việt Nam vẫn phải phụ thuộc rất nhiều vào lượng urê nhập khẩu từ các nước, nhất là từ Trung Quốc và Trung Đông. Do vậy, giá bán urê trong nước hoàn toàn phụ thuộc vào giá urê và giá dầu mỏ thế giới. Theo tính toán của các chuyên gia Bộ Nông nghiệp, đến năm 2011 Việt Nam mới cơ bản đủ phân đạm urê.

Rõ ràng, tốc độ tăng giá lúa gạo đang song hành cùng với tốc độ tăng giá vật tư đầu vào, chưa kể đến các yếu tố khác làm tăng chi phí sản xuất như thiên tai, lũ lụt; tiếp cận thị trường qua nhiều khâu trung gian... Trong bài toán này, gánh nặng vẫn đè lên vai người nông dân và họ là những người đang được hưởng lợi rất ít từ việc lúa gạo tăng giá.

Giảm chi phí sản xuất - Giải pháp cần thiết và hiệu quả

Chi phí trong sản xuất lúa gạo cao là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến cho hiệu quả sản xuất thu được thấp, giảm chi phí sản xuất là vấn đề cần thiết phải được đặt ra để giúp cho nông dân được hưởng lợi.

Nhóm giải pháp quan trọng nhất là tổ chức lại sản xuất theo hướng “dồn điển, đổi thửa” liên kết các hộ nông dân góp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tư liệu sản xuất, thành lập HTX, công ty dịch vụ nông nghiệp theo hướng chuyên nghiệp, gắn sản xuất với thị trường. Giải pháp này cho phép cơ giới hoá mạnh mẽ trong sản xuất, tiết kiệm thời gian, chi phí lao động, giảm các chi phí đầu tư ban đầu và nâng cao khả năng tiếp cận thị trường.

Về phía Nhà nước, cần thực hiện các biện pháp hỗ trợ sản xuất trong khuôn khổ cam kết WTO như tiếp tục đầu tư hạ tầng nông thôn nhằm hỗ trợ gián tiếp hoạt động sản xuất nông nghiệp, ngành nghề phi nông nghiệp, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, cung cấp thông tin thành tựu khoa học kỹ thuật, thông tin thị trường trong nước và quốc tế.

Nâng cao vai trò của các hiệp hội ngành nghề nhằm bảo vệ quyền lợi của các thành viên, và không để gành nặng chi phí sản xuất đè lên vai người nông dân. Các hiệp hội ngành nghề có liên quan cũng cần bàn bạc để điều hòa lợi ích thành viên có liên quan, ví dụ như hiệp hội phân bón, hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, liên minh HTX… đều có đối tượng là nông dân.

Tác động của tăng giá lúa tới khả năng mở rộng diện tích sản xuất

Khả năng mở rộng diện tích sản xuất do tác động của tăng giá lúa gạo là rất khó xảy do: trong điều kiện giá lúa tăng, thì cùng với nó là sự gia tăng đồng hành của giá cả tiêu dùng, giá cả của các yếu tố đầu vào khiến cho hiệu quả sản xuất lúa vẫn rất thấp. Như vậy, cả hai yếu tố đầu vào quan trọng nhất là lao động và phân bón lại đang là những trở ngại chính của người sản xuất.

Mặt khác, lực lượng lao động trẻ chuyển dần sang các ngành nghề khác có thu nhập cao hơn khiến cho lao động nông nghiệp trở lên khan hiếm, điều đó đã đẩy giá lao động lên cao. Trong khi đó, vấn đề cơ giới hoá trong sản xuất vẫn chưa được giải quyết do diện tích canh tác manh mún, nên bài toán lao động vẫn khó giải đối với người nông dân.

------------------------------------------------

Tài liệu tham khảo

[1] Ngọc Ngà và các tác giả, Lúa trúng mùa, xuất khẩu giá cao, nông dân… kêu lỗ, Tiền Phong Online, ngày 03/04/2008 (http://www.tienphong.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=117352&ChannelID=3)

[2] GS.TS Võ Tòng Xuân, Hạn chế xuất khẩu gạo: Nông dân thiệt, Việt Nam Net, ngày 04/04/2008 (http://vietnamnet.vn/kinhte/2008/04/776723/)

[3] AGROINFO, Báo cáo thường niên Nông nghiệp Việt Nam 2007 và triển vọng 2008Báo cáo ngành hàng lúa gạo Việt Nam năm 2007 và triển vọng 2008

[4] Nguyễn Ngọc Quế, Trần Đình Thao (IPSARD), Ngành lúa gạo Việt Nam, 2004
[5] Phạm Hoàng Ngân (AGROINFO), Chi phí, giá thành và hiệu quả từ sản xuất lúa, 2008



Phạm Văn Hanh (AGROINFO)
Báo cáo phân tích thị trường