Do giá xuất khẩu tăng, nhu cầu mua gạo nhiều nên tại thị trường trong nước, giá gạo vẫn tiếp tục xu hướng tăng, đặc biệt ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và miền Nam. Tại các chợ đầu mối Thành phố Hồ Chí Minh, giá bán buôn hầu hết các loại gạo đã tăng thêm từ 200- 500 đ/kg so với tuần trước, trong đó gạo nguyên liệu và gạo thành phẩm xuất khẩu tăng mạnh nhất.
Giá gà tăng mạnh trở lại. Một số chủ trại chăn nuôi gà cho biết, giá bán buôn gà tại trại hiện khoảng 27.000- 28.000 đồng/kg, tăng 7.000- 8.000 đồng/kg so với hồi đầu tháng; giá gà công nghiệp cũng lên 19.000- 19.500 đồng/kg, tăng 500- 1.000 đồng/kg. Tại các chợ, siêu thị giá bán lẻ gà thả vườn cũng đã lên đến 45.000- 48.000 đồng/kg. Giá gà tăng do sản lượng nuôi đang bị thu hẹp dần vì người nuôi lo sợ dịch cúm gia cầm sẽ bùng phát trở lại.
Một số mặt hàng, thị trường sẽ "nóng", giá tăng dịp cuối năm
Theo quy luật của thị trường, dự báo dịp cuối năm nay, sức mua xã hội tăng cao, nhiều loại hàng hóa khó tránh khỏi khả năng tăng giá và một số thị trường có khả năng "nóng" lên. Tuy nhiên do Chính phủ cùng các bộ, ngành chức năng đã đưa ra hàng loạt các biện pháp bình ổn thị trường, đồng thời những yếu tố tác động khách quan đến việc tăng giá cả được nhận định là chỉ xảy ra đối với một số mặt hàng xuất khẩu có lợi cho nông dân, do vậy giá cả hàng hoá cuối năm nay sẽ không có biến động lớn.
Giá lương thực tăng nhưng không nhiều
Thời điểm này, do các doanh nghiệp tiếp tục thực hiện các hợp đồng xuất khẩu gạo đã ký, trong khi nguồn cung giảm và giá gạo thế giới vẫn ở mức cao nên giá gạo vẫn tiếp tục tăng 100-150 đ/kg tại nhiều nơi (gạo xuất khẩu có nơi tăng cao hơn). Giá thóc hè thu ở các tỉnh phổ biến ở mức 2.600-2.700 đ/kg, giá gạo tẻ từ 3.700-4.500 đ/kg.
Hai tháng cuối năm, các DN sẽ vẫn tiếp tục tập trung thu mua phục vụ cho việc xuất khẩu gạo, cộng với dự báo giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn có lợi thế tăng lên nên giá gạo trong nước sẽ tiếp tục tăng. Tuy nhiên, mức tăng sẽ không nhiều do nguồn cung tăng lên từ thu hoạch vụ mùa. Các nhà xuất khẩu gạo nhận định giá gạo khó tăng thêm quá 3 USD/tấn do hiện nay đã ở mức cao. Dịp gần Tết Nguyên đán, giá các loại gạo tẻ ngon, gạo nếp sẽ tăng cao hơn các loại gạo thường do nhu cầu tăng.
Các chuyên gia cũng dự báo, giá gạo Việt Nam sẽ tiếp tục đứng ở mức cao cho đến tháng 3/2007 do thời tiết bất ổn làm ảnh hưởng đến nguồn cung gạo trên thế giới. Dự báo sản lượng thóc của Việt Nam trong năm 2007 sẽ giảm xuống 35-36 triệu tấn so với mức 36,2 triệu tấn của năm nay.
Hàng thực phẩm liên quan đến xuất khẩu tăng giá
Thời gian qua, giá tôm nguyên liệu, cá tra và basa liên tục tăng giá do nhu cầu phục vụ xuất khẩu tăng cao trong khi nguồn cung lại hạn hẹp. Dự báo, trong các tháng cuối năm, giá các mặt hàng này vẫn có khả năng tăng, nguyên nhân vẫn do nguồn cung giảm trong khi nhu cầu tăng.
Hiện nay, giá giá cá tra thịt trắng đã tăng lên mức 14.300 đ/kg, tôm sú 150.000-155.000 đ/kg (loại 20 con/kg), là những mức giá cao nhất từ đầu năm tới nay. Tuy nhiên, theo ông Ngô Phước Hậu - Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), đến tháng 11 các nhà nhập khẩu của các nước đã chuẩn bị đủ lượng hàng cá da trơn cho mùa giáng sinh và tết dương lịch nên giá cá tra sẽ khó tăng cao nhiều.
Các mặt hàng thực phẩm khác như thịt gà, các loại cá được dự báo là cũng sẽ tăng giá vào dịp gần Tết nguyên đán, trong khi giá thịt lợn, bò và nhiều loại rau, quả sẽ vẫn ổn định hoặc giảm nhẹ do vẫn bị ảnh hưởng của dịch lở mồm long móng và nguồn cung rau quả vụ mùa khá nhiều.
(Nguồn tin: TTXVN)