Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thắt chặt tiền tệ nhưng cần chính sách riêng cho nông thôn
25 | 04 | 2008
Một trong số 8 giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế của Chính phủ là: “Tập trung sức phát triển sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, khắc phục nhanh hậu quả của thời tiết và dịch bệnh để tăng sản lượng lương thực, thực phẩm”. Song một điều dư luận đang rất quan tâm là giải pháp đó đang được các bộ ngành và các cấp có liên quan, đặc biệt về việc đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng ngân hàng cho nông nghiệp - nông thôn và nông dân, được thực thi như thế nào!
Cơn bão giá” nhiều mặt hàng nguyên nhiên vật liệu nhập khẩu, giá lương thực thực phẩm đang là tác nhân chính gây nên lạm phát cao tại hàng loạt nước châu Á cũng như ở Việt Nam. Vì vậy các quốc gia đều có những chính sách và biện pháp cụ thể khác nhau thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển và hỗ trợ nông dân mở rộng cung ứng nông phẩm ra thị trường.

Lạm phát cao: Các nước đồng loạt thúc đẩy sản xuất nông nghiệp

Tại Trung Quốc, cùng với các biện pháp thắt chặt tiền tệ được tiến hành có liều lượng, thì Chính phủ nước này tiến hành đồng thời với tăng cường quản lý thị trường, quản lý giá cả, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển và hỗ trợ người dân có thu nhập thấp.
Để triển khai các giải pháp nói trên, ngày 27/3/2008, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tuyên bố Chính phủ nước này đã thông qua chính sách tài chính hỗ trợ ngành nông nghiệp. Chính phủ Trung Quốc quyết định hỗ trợ thêm 25,25 tỷ nhân dân tệ, tương đương khoảng trên 3,5 tỷ USD vào tổng ngân sách 562,5 tỷ USD mà chính phủ nước này đã duyệt trước đó để đầu tư vào khu vực nông thôn, hay còn gọi là chương trình “tam nông”.

Số vốn này bằng 1/3 số tiền Chính phủ Trung Quốc đầu tư cho nông nghiệp - nông thôn của cả 5 năm trước đó. Khoản kinh phí bổ sung đó được đưa trực tiếp đến hộ nông dân nhằm giúp họ mua nguyên liệu, nhiên liệu, giống cây trồng và vật nuôi. Chính phủ Trung Quốc cũng nâng giá mua ngũ cốc từ 4,3%-10% để khuyến khích nông dân sản xuất, tăng cung lương thực ra thị trường.

Ngoài ra Trung Quốc cũng sử dụng nguồn vốn ngân sách để đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nông nghiệp, hỗ trợ miễn phí cầu đường cho các phương tiện vận tải nông sản tươi. Từ đầu tháng 4/2008, Chính phủ Trung Quốc thực hiện đợt tăng giá mua lương thực lần thứ hai kể từ đầu năm đến nay để khuyến khích nông dân tăng sản lượng lương thực và bù đắp chi phí đầu vào tăng cao.

Tại Hàn Quốc, Chính phủ nước này quyết định miễn thuế nhập khẩu đối với các loại ngũ cốc sử dụng để chế biến thức ăn gia súc; hỗ trợ trên 1,0 tỷ USD cho nông dân vay vốn sản xuất với lãi suất ưu đãi nhằm tăng mức cung lương thực và thực phẩm cho thị trường với giá cả hợp lý, giảm 50% mức phí giao thông vận tải trên các tuyến đường cao tốc trong một số giờ,… để giảm chi phí vận chuyển nông phẩm. Các biện pháp tiết kiệm sử dụng năng lượng của Chính phủ, cải cách mạng lưới phân phối lương thực - thực phẩm và dịch vụ, giảm phí dịch vụ y tế, viễn thông,... đã được đưa ra, nhằm giảm chi phí trong lĩnh vực này của người dân.

Mô tả ảnh.
Chính sách tín dụng cho nông nghiệp nông thôn vẫn chưa hợp lý. Ảnh minh họa

Tại Việt Nam, trong điều hành chính sách tiền tệ, một số biện pháp thắt chặt không áp dụng, hoặc có liều lượng hơn đối với ngân hàng hoạt động ở vùng nông thôn cũng không ngoài mục đích tăng cường vốn tín dụng ngân hàng đầu tư cho sản xuất nông nghiệp và kinh tế hộ nông dân.
Cách đây gần 1 năm, ngay tại thời điểm tháng 6/2007, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNNVN) quyết định tăng gấp 2 lần tỷ lệ dự trữ bắt buộc so với mức trước đó. Cụ thể mức dự trữ bắt buộc tiền gửi nội tệ dưới 12 tháng của hầu hết các NHTM tăng từ 5% lên 10%. Tuy nhiên tỷ lệ dự trữ bắt buộc của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NHNN&PTNN) VN chỉ tăng từ 4% lên 8%, của quỹ tín dụng từ 2% lên 4%. Như vậy tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các tổ chức hoạt động ở vùng nông thôn chỉ bằng 1/2 mức dự trữ bắt buộc phải nộp so với các tổ chức tín dụng ở đô thị.

Tiếp đến tại thời điểm tháng 2/2008, Thống đốc NHNN quyết định tăng thêm 1% đối với các mức dự trữ bắt buộc. Cụ thể tiền gửi VND không kỳ hạn đến dưới 12 tháng tăng từ 10% lên 11%, tiền gửi có kỳ hạn từ 12 tháng trở lên tăng từ 4% lên 5%;… Nhưng tiền gửi dự trữ bắt buộc của NHNN&PTNT Việt Nam, NHTM CP nông thôn, Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương, ngân hàng hợp tác không tăng, vẫn giữ nguyên mức như trước đây.

Ngày 17/3/2008, có tổng số 41 tổ chức tín dụng phải mua 20.300 tỷ đồng tín phiếu NHNN bắt buộc, trong đó 3 NHTM Nhà nước mỗi ngân hàng phải mua 3.000 tỷ đồng, nhưng NHNN&PTNT Việt Nam, các NHTM cổ phần nông thôn, Quỹ tín dụng nhân dân không phải mua tín phiếu loại này.

Ngày 1/4/2008, NHNNVN ban hành văn bản số 3071/NHNN-TD về việc khoanh nợ và cho vay đối với các hộ nông dân chăn nuôi trâu, bò bị thiệt hại do ảnh hưởng của rét đậm, rét hại đầu năm 2008. Theo đó các hộ chăn nuôi bị thiệt hại do thời tiết được khoanh nợ 12 tháng kể từ ngày 29/2/2008. Mức dư nợ được khoanh là dư nợ thực tế tại thời điểm NHTM tiến hành lập hồ sơ khoanh nợ nhưng không vượt quá mức dư nợ của các hộ nông dân tại thời điểm 29/2/2008.

Một số biện pháp thắt chặt tín dụng còn chưa phù hợp

Tuy nhiên một số biện pháp khác thì lại đang thắt chặt lại tín dụng cho nông nghiệp - nông thôn đi ngược lại xu hướng các nước trong khu vực và chưa phù hợp với định hướng nói trên của NHNN cũng như của Thủ tướng Chính phủ.

Một là, NHNN&PTNN Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2008 là 16-18% so với năm 2007, thấp hơn rất nhiều mức tăng trưởng đặt ra của toàn ngành ngân hàng là 30% và chỉ bằng 1/2 tốc độ tăng 36,2% của năm 2007.

Để hạn chế mức tăng trưởng dư nợ cho vay thấp nói trên, NHNN&PTNT Việt Nam khống chế chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ, hay quy định hạn mức tín dụng đối với tất cả các chi nhánh. Đối với hầu hết các chi nhánh NHNN&PTNT các tỉnh, có đối tượng cho vay đông là các hộ nông dân và chủ yếu là sản xuất nông nghiệp thì mức hạn chế còn chặt chẽ hơn. Một số chi nhánh không được tăng trưởng tín dụng vượt quá dư nợ thời điểm 30/11/2007.

Như vậy đối với các chi nhánh này có thu hồi được nợ thì mới được cho vay mới. Nhiều chi nhánh được quy định là có huy động được vốn thì mới cho vay. Song trong hệ thống NHNN&PTNT trong những năm gần đây thường là vốn huy động được ở đô thị chuyển về cho vay ở nông thôn, nhưng hiện nay nguồn vốn điều hoà này hầu như không có. Vừa bị khống chế bởi hạn mức tín dụng, vừa bị cắt giảm nguồn vốn điều hoà, nên các chi nhánh NHNN&PTNT các huyện, thị xã phải khất hoãn nhiều nhu cầu vay hợp lý ở vùng nông thôn. Tại nhiều nơi hộ nông dân không vay được vốn ngân hàng, hoặc vay được với mức độ hạn chế. Trong khi đó nhu cầu vay vốn ở nông thôn chủ yếu đầu tư cho thâm canh cây lương thực, phát triển chăn nuôi, mở rộng diện tích nuôi trồng thuỷ hải sản,…

Tại nhiều tỉnh thành phố, nhất là vùng trung du, miền núi, khu vực miền Trung và Tây Nguyên, vùng Đồng bằng sông Cửu Long, dư nợ cho vay của NHNN&PTNT Việt Nam chiếm tới 65%-70% thị phần hoạt động tín dụng trên địa bàn. Đối với các huyện thì tỷ trọng thị phần này còn lớn hơn. Bởi vậy các chi nhánh NHNN&PTNT tỉnh, huyện,… bị khống chế dư nợ, cũng đồng nghĩa với việc hạn chế đầu tư vốn cho các thành phần kinh tế trên địa bàn, ảnh hưởng lớn đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế của địa phương.

Một NHTM khác cũng có mạng lưới rộng đứng thứ hai sau NHNN&PTNT và ở hầu khắp các tỉnh, đó là Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam cũng quy định hạn mức tín dụng, chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ cho từng chi nhánh trực thuộc. Đối với các chi nhánh NHĐT&PT ở các thành phố thì hạn chế cho vay không đáng quan ngại, song các chi nhánh ở những tỉnh miền núi, trung du, Tây Nguyên thì ảnh hưởng trực tiếp đến vốn đầu tư cho nông nghiệp - nông thôn và hộ nông dân.

Chính vì lo lắng bởi sự tác động của hạn mức tín dụng đó, nên chính giám đốc một số chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh miền núi phía Bắc đích thân đi gặp trực tiếp Tổng giám đốc NHTM Nhà nước để kiến nghị tăng chỉ tiêu dư nợ cho địa phương đó. Một số giám đốc chi nhánh NHNN phân trần, nếu khống chế dư nợ mang tính cào bằng giữa các địa phương với nhau thì bao giờ miền núi tiến kịp miền xuôi.

Hai là, từ tháng 6/2008, toàn bộ tiền gửi Kho bạc Nhà nước tại các chi nhánh NHTM Nhà nước phải chuyển về gửi tại chi nhánh NHNN tỉnh, thành phố. Song trong thực tế số tiền này chủ yếu gửi tại chi nhánh NHNN&PTNT huyện, thị xã nơi không có chi nhánh NHNN. Chưa có số liệu thống kê chính thức, nhưng ước tính số dư gửi tại các chi nhánh NHNN&PTNT vào khoảng 40.000 tỷ đồng trong tổng số 50.000-55.000 tỷ đồng tiền gửi Kho bạc Nhà nước tại các chi nhánh NHTM Nhà nước. Đây là loại tiền gửi thanh toán, hay tiền gửi không kỳ hạn của tổ chức kinh tế thường xuyên biến động do yêu cầu chi thường xuyên của ngân sách Nhà nước ở địa phương.

Chi nhánh NHNN&PTNT huyện, thị xã thường xuyên phải đáp ứng nhu cầu rút tiền mặt rất lớn của Kho bạc Nhà nước để chi tiêu. Bởi vậy số tiền gửi trên các chi nhánh NHNN&PTNT chỉ sử dụng bình quân được 50% số dư tiền gửi.

Do đó theo lịch trình thời gian đã được ấn định là tháng 6/2008, thì hệ thống NHNN&PTNT sẽ giảm khoảng 40.000 tỷ đồng tiền gửi, tương ứng với mức giảm khoảng 20.000 tỷ đồng có thể cho vay được. Như vậy nguồn vốn giảm mạnh, hệ thống NHNN&PTNT đương nhiên là giảm việc cho vay. Nhiều nhu cầu vay vốn hợp lý ở nông thôn sẽ không được đáp ứng. Việc giảm cho vay nhiều nhất là tại các chi nhánh NHNN&PTNT các huyện miền núi. Bởi vậy chính các chi nhánh này mới có tỷ trọng lớn tiền gửi của Kho bạc Nhà nước, nên sẽ hạn chế cho vay vốn nhiều nhất. Và như vậy đương nhiên là ảnh hưởng lớn đến đầu tư vốn cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.

Do đó, dù có thắt chặt tiền tệ để ưu tiên cho kiềm chế lạm phát theo chỉ đạo của Chính phủ thì cũng cần có biện pháp thúc đẩy sản xuất nông lâm ngư nghiệp và kinh tế nông thôn phát triển. Đồng thời chủ trương của Chính phủ cũng là chống lạm phát nhưng cần tạo điều kiện cho nông nghiệp - nông thôn phát triển. Bởi vì tiền thực tế đầu tư cho sản xuất, góp phần tạo ra khối lượng nông phẩm lớn cung ứng cho thị trường thì không những ít gây ra lạm phát mà còn góp phần kiềm chế mức độ tăng giá lương thực - thực phẩm.

Theo hướng đó việc đặt ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng quá thấp đối với tín dụng nông nghiệp - nông thôn cần được điều chỉnh. Các huyện miền núi, nơi không có chi nhánh NHNN và từ huyện lỵ về chi nhánh NHNN tỉnh lại quá xa, nên tiền gửi thanh toán của Kho bạc Nhà nước có nhất thiết phải rút hết tại các chi nhánh NHNN&PTNT không, cũng cần được cân nhắc. Bởi vì tiền gửi này về bản chất cũng là nằm trong khối tiền tệ M1, tức là tiền gửi không kỳ hạn tại ngân hàng. Việc sử dụng khoảng 50% số dư tiền gửi này đầu tư trực tiếp cho nông nghiệp - nông thôn, cũng tức là tạm thời sử dụng có hiệu quả một phần vốn chờ thanh toán của ngân sách Nhà nước không bị đọng lại xét trên góc độ điều hành chính sách và kiềm chế lạm phát là tích cực, không nên quá cứng nhắc trong vấn đề này.

Chính phủ cũng cần tăng cường nguồn vốn cho vay đối với hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam để nâng mức cho vay một hộ nghèo, gia đình chính sách, mở rộng đối tượng cho vay. Bởi vì vốn cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội được các hộ gia đình đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, tạo việc làm cho người nông dân,… vừa thúc đẩy sản xuất, tăng khối lượng lương thực - thực phẩm cho thị trường, có tác động tích cực đến kiềm chế lạm phát.

Nguồn: VNN

Liên hệ với người đăng tin này:

An Thu Hằng - anthuhang@agro.gov.vn



Báo cáo phân tích thị trường