Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Sắp xếp đổi mới doanh nghiệp Nhà nước: Cần sự bứt phá
29 | 04 | 2008
Các doanh nghiệp Nhà nước, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty phải được sắp xếp, đổi mới theo hướng nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh. Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã yêu cầu như vậy tại Hội nghị sắp xếp đổi mới doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, diễn ra ngày 23/4 tại Hà Nội.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Nhà nước, năm 2007 đã sắp xếp được 271 doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp, nâng tổng số đơn vị được sắp xếp lên 5.366 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hoá 3.756 doanh nghiệp.

 

Qua tổng hợp báo cáo của 1.616 doanh nghiệp có thời gian hoạt động sau cổ phần hoá trên 1 năm (tính đến năm 2006) cho thấy, bình quân vốn điều lệ tăng 58,6%, doanh thu tăng 48,2%, lợi nhuận tăng 331,8%, nộp ngân sách tăng 44,2%, thu nhập của người lao động tăng 51,8%, cổ tức đạt 13%. Tuy nhiên, có 109 doanh nghiệp thua lỗ (chiếm 7,1% số doanh nghiệp có báo cáo). Đáng lưu ý là số lượng doanh nghiệp được sắp xếp trong năm 2007 còn ít, chỉ bằng trên 17% phương án đã được duyệt.

 

Theo phương án được duyệt cho giai đoại 2007-2010, cả nước cần sắp xếp 1.553 doanh nghiệp Nhà nước, nhưng cả năm 2007 mới chỉ sắp xếp được 271 doanh nghiệp, tức là chưa đạt 1/5 kế hoạch. Các Bộ, ngành, địa phương và các tập đoàn, tổng công ty đã mổ xẻ nhiều nguyên nhân dẫn đến chậm chễ trong sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước là: Giai đoạn này chủ yếu sắp xếp các doanh nghiệp công ích, vốn ít, thậm chí không đủ vốn để cổ phần hoá theo quy định; cơ chế giá đất không sát thực tế, nhiều vướng mắc vấn đề tài chính, xác định giá trị doanh nghiệp…

 

Ông Phí Thái Bình, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, cho biết: “Các chính sách cổ phần hoá vẫn còn có những nội dung chưa kịp thời điều chỉnh khi xuất hiện những vấn đề mới phát sinh trong thực tế, thậm chí có những văn bản hướng dẫn còn quá chậm, để cho các cơ sở thực hiện gặp khó khăn, lúng túng, vận dụng không thống nhất. Đơn cử, việc hướng dẫn cách xác định giá trị lợi thế vị trí địa lý vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hoá quy định tại Thông tư số 146/2007/TT-BTC không phù hợp thực tiễn và khó thực hiện. Theo ông Bình, giá trị lợi thế vị trí địa lý không nên căn cứ vào giá chuyện nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường mà chỉ nên quy định bằng một tỷ lệ nhất định khoảng 20-50% khung giá đất do địa phương ban hành và công bố vào thời điểm ngày 1/1 hàng năm. “Nếu Chính phủ giúp Hà Nội giải quyết câu chuyện giá đất thì chắc chắn năm 2009 toàn bộ doanh nghiệp Nhà nước sẽ cổ phần hoá được” - ông Bình khẳng định.

 

Theo báo cáo của 70 tập đoàn, tổng công ty, số vốn huy động đến ngày 31/12/2007 là 448.269 tỷ đồng, bằng 1,4 lần vốn chủ sở hữu. Trong điều kiện Nhà nước không cấp vốn bổ sung cho doanh nghiệp Nhà nước, việc các doanh nghiệp tự huy động, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn là một chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy có một số tổng công ty có hệ số vay nợ/vốn chủ sở hữu quá cao như: Tổng Công ty xây dựng Công trình giao thông 5 là 42 lần; Tổng Công ty xây dựng Công trình giao thông 1 là 22,5 lần; Tập đoàn Công nghiệp Tàu thuỷ là 21,8 lần, Lilama 21,5 lần. Việc một số tổng công ty vay nợ lớn có khả năng mang lại rủi ro trong thanh toán và hiệu quả đầu tư không cao do phải trả lãi ngân hàng nhiều.

 

Đáng lưu ý là việc đầu tư tài chính và tham gia hoạt động kinh doanh trên thị trường chứng khoán đã trở nên khá phổ biến. Riêng Tập đoàn Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin), tổng mức đầu tư vào các lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm và bất động sản lên tới 3.323 tỷ đồng (bằng 1,1 lần vốn chủ sở hữu). Điều này chứng tỏ tập đoàn này đã sử dụng vốn vay để đầu tư tài chính. Khi lý giải những điều này, ông Phạm Thanh Bình, Tổng Giám đốc Vinashin đã tỏ ra bức xúc và không đồng tình. Theo ông Bình, khi mới thành lập từ 12 năm trước, tài sản của tập đoàn chỉ khoảng 200 tỷ đồng, nhưng nay đã lên tới gần 80.000 tỷ đồng và doanh thu lúc đầu chỉ đạt 100 tỷ đồng, nay là trên 40.000 tỷ đồng. “Vay nợ của tập đoàn hiện nay chưa đến 50.000 tỷ đồng, như thế hệ số vay nợ/vốn chủ sở hữu là chưa đến 2 lần” - ông Bình nói.

 

Liên quan tới việc Vinashin đầu tư quá lớn ra ngoài lĩnh vực kinh doanh chính, ông Bình lý giải, đầu tư vào đóng tàu - là ngành công nghiệp nặng - không thể ngày một ngày hai có lợi nhuận, vì thế tập đoàn đã phải “lấy ngắn nuôi dài”, đầu tư ra những lĩnh vực có lợi nhuận cao như ngân hàng, bảo hiểm... Tuy nhiên, việc đầu tư này đã bị Chính phủ thổi còi.

 

Việc sắp xếp, đổi mới các nông lâm trường hiện cũng đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Tại Đắc Lắc, mặc dù các cơ quan chức năng đã đưa ra kế hoạch sắp xếp, đổi mới 8 nông, lâm trường, nhưng đến nay mới thực hiện được 1 đơn vị, 7 công ty còn lại gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là các nông, lâm trường này vốn ít (có doanh nghiệp không đủ vốn theo quy định là 30 tỷ để sắp xếp, đổi mới); một số đơn vị còn làm ăn thua lỗ, nợ ngân hàng đến 50 tỷ đồng và hiện đang rơi vào tình thế “bế tắc”, vay tiếp thì ngân hàng không cho vay mà tái cơ cấu sắp xếp, đổi mới lại doanh nghiệp cũng không được.

 

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đánh giá cao những kết quả đạt được và nêu rõ các doanh nghiệp sau cổ phần hóa đã tăng doanh thu, lợi nhuận, vốn, lao động và tăng tiềm lực đầu tư. Điều này khẳng định hướng đi đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta và cần kiên trì thực hiện. Phó Thủ tướng chỉ đạo, sau hội nghị này các doanh nghiệp, các ngành và địa phương phải rà soát lại danh mục cổ phần hóa, các doanh nghiệp đã tiến hành và phải tiến hành để đẩy nhanh tiến độ sắp xếp đổi mới doanh nghiệp Nhà nước, phấn đấu hoàn thành mục tiêu kế hoạch đề ra để tiến đến cổ phân hóa hầu như tất cả các tập đoàn kinh tế lớn sau năm 2010. Riêng với các nông lâm trường quốc doanh, hiện Chính phủ chưa có chủ trương cổ phần hóa nông lâm trường mà chỉ tiến hành sắp xếp, đổi mới lại./.



Khương Lực - Báo TNVN
Báo cáo phân tích thị trường