Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cuộc chiến “trụ hạng” của doanh nghiệp chứng khoán
13 | 05 | 2008
Có doanh nghiệp từ bỏ việc thành lập công ty chứng khoán dù trước đó chạy giấy phép bở hơi tai.

Tự doanh thua lỗ, phí giao dịch thu của nhà đầu tư giảm 2/3 đã khiến nhiều công ty chứng khoán (CTCK) lâm vào tình cảnh bi đát. Một số CTCK phải sát nhập lại để tồn tại, số khác cắt giảm nhân viên, hạ lương, thưởng để hoạt động cầm hơi.

Trăm cái khó

Cách đây một năm, chỉ riêng khoản thu phí môi giới, một CTCK cũng đã dư sức trả lương cho bộ máy nhân sự của mình. Nay mọi chuyện đảo ngược lại hoàn toàn. Giám đốc một CTCK hạng trung tại TP.HCM (xin giấu tên) cho biết thị trường sụt giảm, nhà đầu tư cũ rời sàn, còn người mới không dám nhảy vào. Vì thế, mọi khoản thu, nhất là phí môi giới gần như mất trắng. Ông này dẫn chứng ở thời chứng khoán rực rỡ, mỗi ngày một CTCK có thể thu vào trên 400 triệu đồng tiền môi giới, nay chỉ mong thu được 40 triệu đồng một ngày là giỏi. Và để có mức thu này, phòng môi giới CTCK ông đã chiết khấu lại 30% tiền huê hồng cho người dẫn được khách hàng về giao dịch chứ nhiều CTCK khác khoản thu này còn thấp hơn.

Một khoản thu khác mà các CTCK mong đợi là phí giao dịch của nhà đầu tư. Giao dịch càng nhiều, phí thu về càng tăng. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, kênh chứng khoán khủng hoảng, giá cổ phiếu bay đi 50%. Điều này đã khiến lượng giao dịch của nhà đầu tư sụt giảm mạnh. Đơn cử như phiên giao dịch ngày 9-5, giá trị giao dịch thông qua sàn chứng khoán TP.HCM (HOSE) chỉ hơn 149 tỷ đồng. Số tiền này quá “bèo” để cho 60 CTCK là thành viên của HOSE có thể kiếm chút “cháo” từ phí của các nhà đầu tư. Đó là chưa kể trước đó nhiều CTCK đã cắt giảm một phần phí giao dịch để lôi kéo khách hàng.

Khoản thu quan trọng nữa là mảng tự doanh. Có lúc việc mua bán cổ phiếu này mang về cho các CTCK hơn 50% lợi nhuận. Tuy nhiên, hiện nay khoản đầu tư được cho có lợi thế này đang là nợ xấu của nhiều CTCK khi họ cũng lỗ tả tơi. Trăm cái khó bỗng dưng ập đến khiến hàng loạt CTCK điêu đứng. Đã có nhiều công ty phải sát nhập hoặc bán cổ phần cho đối tác ngoại để tồn tại.

Thắt lưng buộc bụng

Ông Mạc Hữu Danh, Phó Tổng Giám đốc CTCK Sacombank, cho biết thị trường sụt giảm đã khiến nhiều CTCK phải tìm cách thắt lưng buộc bụng. Ngay như CTCK Sacombank dù có rất nhiều đối tác lớn nhưng doanh thu các khoản đã giảm. Đơn vị này hiện nay đang nỗ lực duy trì bộ máy, cũng như giữ mức lương cho nhân viên như cũ - ông Danh cho biết.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều CTCK đang gặp khó khăn thật sự. Phần lớn các đơn vị này ra đời khi kênh chứng khoán sôi động nên có phần phóng tay trong việc trả lương, thưởng, chi phí lập sàn giao dịch... Vì thế, khi thị trường suy giảm liên tục, các công ty này đã không gồng gánh nổi các khoản chi quá tay nên phải cắt giảm lương, thưởng, thậm chí sa thải bớt nhân viên.

Mới đây, Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán cũng đã gửi kiến nghị lên Ủy ban Chứng khoán nhà nước đề nghị giảm phí cho các CTCK từ mức 0,05% như hiện nay còn 0,01%-0,02%. Theo hiệp hội này, giảm phí là cách chia sẻ, hỗ trợ khó khăn với các CTCK.

Còn cách đây bốn ngày, khi nhận quyết định là thành viên thứ 60 của HOSE, đại diện CTCK Đại Nam cũng không lấy gì làm vui. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Minh Tuấn, Chủ tịch HĐQT CTCK Đại Nam, thừa nhận nhiều khó khăn đang chờ công ty ông. Riêng việc phải chào sân chơi lúc thị trường khủng hoảng là do không còn đường lùi. Vì trước đó công ty đã hoãn một lần nên giờ lùi thêm lần nữa sẽ bị thu hồi giấy phép hoạt động.

Chọn lọc

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM, cho biết thị trường khó khăn là liều thuốc thử tốt cho khả năng tồn tại của các CTCK. Giai đoạn này sẽ có CTCK rơi rụng nhưng các CTCK còn lại sẽ chuyên nghiệp hơn khi năng lực, đạo đức của nhân viên được thử qua “lửa” khủng hoảng. Ông Hùng cũng nhận định ở giai đoạn này, các CTCK chủ yếu hoạt động cầm hơi chứ khó có thể phát triển.

Thị trường quá xấu nên có những doanh nghiệp dù đã nhận được giấy phép thành lập CTCK nhưng đã bỏ luôn như Công ty CP cơ điện lạnh REE.

Ông Lê Minh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Đại Nam, nhận định phải đến năm 2010 kênh chứng khoán mới hồi phục hoàn toàn. Vì vậy, lúc này đơn vị ông ra đời chỉ hoạt động cầm hơi chờ thị trường khởi sắc. Xác định hướng đi như vậy nên việc quan trọng bây giờ của công ty ông là xây dựng, đào tạo đội ngũ nhân viên chuyên sâu về kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp, đồng thời đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống dịch vụ hỗ trợ nhà đầu tư.



Pháp Luật TPHCM Online
Báo cáo phân tích thị trường