Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nông dân thời công nghiệp hóa
05 | 06 | 2008
Tại một đất nước ngàn năm lúa nước như Việt Nam, người nông dân giữ vai trò vô cùng quan trọng trong việc xây dựng, phát triển và bảo vệ tổ quốc. Thế nhưng, trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa của đất nước, vai trò của họ lại trở nên thụ động và là những người bị tổn thương nhiều nhất.
Thu nhập và nghèo đói

Kể từ đầu những năm 1990 của thế kỷ 20 đến nay, đất nước ta bắt đầu công nghiệp hóa đất nước. Một bộ phận nông dân “nhường” những thửa ruộng của mình, làng quê mình để xây dựng những khu đô thị mới, khu công nghiệp mới, những nhà máy thủy điện mới. Việc rời xa những thửa ruộng vừa là công cụ sản xuất, tài sản vừa là niềm vui, lẽ sống của người nông dân thật không hề đơn giản.

Sau nhiều năm cải cách, thu nhập bình quân đầu người một năm của người dân Việt Nam nói chung tăng mạnh từ năm 1996-2006. Năm 2006, thu nhập đầu người cao gấp 2,8 lần năm 1996. Tuy nhiên, tốc độ gia tăng thu nhập rất khác nhau trong các vùng của cả nước.

Ở các vùng Tây Bắc và Tây Nguyên, mức thu nhập cũng như tốc độ tăng thu nhập thuộc hàng thấp nhất. Cùng với xu hướng tăng thu nhập cả nước, thu nhập bình quân của cư dân nông thôn cũng tăng gần 300% trong vòng 10 năm (1996-2006). Nếu xét về khoảng cách tương đối, thì thu nhập của cư dân nông thôn với cư dân thành thị có xu hướng giảm dần (năm 1996: 2,7 lần; năm 2006 còn 2,1 lần).

Tuy nhiên, xét về giá trị tuyệt đối thì khoảng cách thu nhập giữa nông thôn và thành thị ngày càng gia tăng. Cả nước hiện có khoảng 3,9 triệu hộ nghèo, chiếm 22% số hộ cả nước (theo chuẩn mới, 2005). Nếu tính theo vùng, thì tỷ lệ này được phân bổ như sau : vùng Tây Bắc 42%; Đông Bắc 33%; đồng bằng sông Hồng 14%; Bắc Trung bộ 35%; duyên hải Nam Trung bộ 24%; Tây Nguyên 38%; Đông Nam bộ 9%; và vùng ĐBSCL 18%. Trong số các hộ nghèo, vẫn còn tới khoảng 12% là nghèo về lương thực.

Những con số trên cho thấy, những thành tựu của công nghiệp hóa còn chưa với tới được nhiều người dân ở nông thôn. Hiện nay sự phân hóa giàu nghèo ngày càng lớn. Mức chênh lệch thu nhập giữa nhóm hộ giàu nhất và nghèo nhất ngày càng cao: năm 2006, mức chênh lệch là 8,5 lần trong khi năm 2004 chỉ ở mức 7,1 lần. ĐBSCL là vùng có tỷ lệ nghèo vào loại cao nhất trong cả nước, chỉ xếp sau vùng núi phía Bắc (nguồn: Lê Đức Thịnh, 2007).

Vai trò nông dân trong công nghiệp hóa, đô thị hóa đất nước

Với số lượng đông đảo, nông dân Việt Nam có vai trò hết sức quan trọng không những trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn mà còn cung cấp nguồn lực về con người, tài nguyên, bảo tồn sinh thái và không gian chung cho quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa cả nước (đô thị và nông thôn).

Có thể nói, quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa diễn ra tương đối mạnh, nhưng phần lớn nông dân chưa thực sự tham gia và làm chủ quá trình này. Nông dân nhiều nơi chưa tham gia vì nhiều lý do:

1. Không được tham gia vào quá trình chuẩn bị ra quyết định về quy hoạch vùng công nghiệp hóa, đô thị hóa tại những khu quy hoạch trên đất của họ, người nông dân không được tham gia, không được hỏi ý kiến để chuẩn bị. Các quy hoạch lớn về đô thị, công nghiệp, người dân không được tham gia thảo luận từ đầu, ít có phản biện của dân cư về lợi ích và những bất lợi của quá trình này đối với nông dân. Điều này có thể lý giải là do các tổ chức đại diện cho nông dân ít, thiếu quyền lực, không được tham gia vào các quyết định lớn về hiện đại hóa, công nghiệp hóa nông nghiệp - nông thôn.

2. Thiếu thông tin, thiếu minh bạch trong quy hoạch phát triển các khu công nghiệp và đô thị và điều này đã không cho phép người dân bảo vệ quyền lợi của mình.

3. Thiếu kỹ năng, năng lực để có thể tham gia vào thị trường lao động mới. Ví dụ tại Lào Cai, chỉ tiêu xuất khẩu lao động cho tỉnh luôn không đủ người đi. Tại huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai, có 30 chỉ tiêu, nhưng không tìm được người đi, trong khi đồng bào có cuộc sống rất khó khăn.

4. Người nông dân ít được hưởng lợi trực tiếp từ quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa nên họ không tham gia, đôi khi tại nhiều nơi họ còn cản trở quá trình này. Ví dụ như trong đền bù đất đai, do thiếu công bằng trong việc định giá, nông dân phải chịu thiệt thòi còn doanh nghiệp lại thu lời lớn chỉ trong thời gian ngắn nhờ lợi tức từ đất đai. Đây là tình trạng phổ biến tại nhiều nơi. Việc này đã làm cho nông dân bức xúc. Họ cho rằng một số doanh nghiệp đến không quan tâm đến đời sống của họ, chỉ lo thu hồi đất đai và đầu cơ về đất. Điều đó đã làm cho thị trường đất đai thêm rối loạn. Nông dân bị thu hẹp đất sản xuất, thu hẹp không gian sống, lại không tham gia được vào hoạt động kinh tế mới nên thu nhập bị giảm đáng kể.

5. Tỷ lệ người lao động bị mất đất và không có việc làm tại các vùng công nghiệp hóa và đô thị hóa mạnh là rất lớn. Nó tỷ lệ thuận với tỷ lệ đất canh tác bị thu hồi. Trong bối cảnh an ninh lương thực toàn cầu đang bị mất ổn định như hiện nay, xu thế này đang có những dấu hiệu nguy hiểm. Những hộ nông dân mất đất này sẽ là những người đầu tiên chịu gánh nặng về sự tăng giá lương thực và thực phẩm. Điều này cho thấy, nếu đẩy mạnh công nghiệp hóa và đô thị hóa không gắn với quyền lợi và công ăn việc làm của người dân nông thôn, thì sẽ tạo ra sự mất ổn định tại nông thôn và làm chậm trễ tiến trình công nghiệp hóa.

Di cư lao động từ nông thôn ra thành thị

Áp lực về lao động ở nông thôn gia tăng dẫn đến các dòng di cư lao động từ nông thôn ra thành thị để tìm kiếm việc làm. Theo tỷ lệ lao động được khảo sát tại tám xã của cả nước do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương và Trung tâm Phát triển nông thôn thuộc Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn thực hiện năm 2006, có đến 90% số người di cư tạm thời và 75% số người di cư dài hạn có động cơ di cư để tìm kiếm việc làm.

Nơi tiếp nhận người di cư nhiều nhất là các thành phố lớn, các tỉnh phát triển công nghiệp mạnh như TPHCM, Hà Nội, Bình Dương, Quảng Ninh và Đà Nẵng. Các tỉnh đất chật người đông, có tỷ lệ nghèo đói cao là các tỉnh có người di cư nhiều nhất như Thanh Hóa, Nam Định, Thái Bình, Hà Tây, Quảng Nam. Phần lớn người di cư đều trẻ tuổi.

Kết quả điều tra di cư của Tổng cục Thống kê năm 2004 cho thấy có đến 66,2% số người di cư của vùng đồng bằng sông Hồng, 68,4% ở vùng Đông Nam bộ và 80% ở khu vực Bắc Trung bộ có độ tuổi dưới 30. Như vậy, nông thôn thiếu lao động trẻ, và phần lớn nông dân thực sự hiện nay tại nông thôn là người già, phụ nữ và trẻ em.

Trong đền bù đất đai, do thiếu công bằng trong việc định giá, nông dân phải chịu thiệt thòi còn doanh nghiệp lại thu lời lớn chỉ trong thời gian ngắn nhờ lợi tức từ đất đai..
Tổ chức của người nông dân thời công nghiệp hóa

Đất nước ta có gần 70 triệu nông dân, nhưng những tổ chức của nông dân vừa thiếu lại vừa yếu. Hội Nông dân là tổ chức lớn nhất của nông dân, nhưng chưa thực sự được tham gia vào quá trình quy hoạch và hoạch định chính sách. Hoạt động của Hội mang tính chất hành chính, công chức hơn là một hội nghề nghiệp.

Hiện nay các hợp tác xã nông nghiệp yếu và cũng bị hành chính hóa, phụ thuộc vào ủy ban nhân dân cấp xã. Các hiệp hội, nghiệp đoàn nông nghiệp không phát triển, các tổ chức đoàn thể như phụ nữ, thanh niên, cựu chiến binh cũng có quan tâm đến vấn đề nông dân, nhưng đó không phải là nhiệm vụ chính của họ. Do vậy, nông dân khó mà tham gia vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong bối cảnh không có tiếng nói riêng của mình và vai trò của họ không được quan tâm.

Nông dân mong muốn gì?

Vậy người nông dân mong muốn gì ở quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa? Từ bao đời nay, đã là nông dân thì phải có ruộng, do đó họ muốn được sở hữu, khai thác hiệu quả ruộng đất của mình để có thể sống yên bình ở làng quê. Nhưng trong bối cảnh đô thị hóa, công nghiệp hóa, dân số tăng, ruộng đất thu hẹp, nhu cầu chi tiêu tăng thì nông dân có nhu cầu trước tiên là công ăn việc làm và thu nhập.

Do đó, cần có sự điều hòa ở tầm quốc gia về công ăn việc làm giữa đô thị - nông thôn và các vùng miền, các ngành để có chiến lược đào tạo nông dân sao cho họ có thể tiếp cận được các công ăn việc làm mới ở khu công nghiệp và đô thị. Nông dân mong muốn được tiếp sức về khoa học và công nghệ, khuyến nông để triển khai ngay công nghiệp hóa sản xuất trên mảnh đất đã hạn hẹp của mình để có thu nhập cao hơn, giảm bớt sự nặng nhọc, vất vả trong lao động.

Nông dân mong muốn được đối xử công bằng hơn so với các tầng lớp khác trong xã hội về đóng góp xây dựng hạ tầng, các dịch vụ công cộng, thuế, lệ phí, thông tin, thu hồi đất đai… Điều đó sẽ giúp họ nâng cao chất lượng cuộc sống, giúp họ sống tốt hơn để họ có thể cung cấp nguồn lực có chất lượng cao cho xã hội.

Nông dân mong muốn có vai trò lớn hơn trong xây dựng và quản lý nông thôn. Họ muốn có thông tin về công nghiệp hóa trên quê hương họ. Họ muốn được hỏi ý kiến, tham gia quyết định và tham gia quản lý quá trình phát triển nông thôn. Nông dân muốn đầu tư nước ngoài, đầu tư xã hội, đầu tư của các doanh nghiệp sẽ giúp họ sống tốt hơn, nông thôn xanh đẹp hơn, sinh thái hơn.

Giúp nông dân tham gia hơn nữa vào quá trình công nghiệp hóa, được hưởng thành quả công nghiệp hóa không phải chỉ có lợi cho họ mà còn có lợi chung cho đất nước. Thiếu sự tham gia của nông dân thì quá trình công nghiệp hóa, xây dựng đất nước không bao giờ thành công.

LÊ HUY NGỌ (1) - VŨ TRỌNG BÌNH (2)

-------------------------------

(1) Nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

(2) Giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn.



Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online
Báo cáo phân tích thị trường