Theo bà Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản, những sản phẩm gắn với hàng triệu nông dân như cá tra, cá ba sa … tự thân người nông dân không thể tạo ra thương hiệu; trong khi nhiều DN chế biến vẫn thụ động, nuôi trồng theo ý các nhà nhập khẩu, sử dụng bao bì, nhãn mác do họ đưa ra. Vì thế, dù xuất khẩu cá da trơn của Việt Nam đứng nhất nhì thế giới, song vẫn núp bóng thương hiệu các nước, trong khi cá hồi của Chilê, Na Uy luôn có giá trị thương hiệu cao ở thị trường các nước và người dân của họ hưởng lợi rất nhiều từ giá trị thương hiệu này.
Bà Minh cũng cho rằng, việc dùng thương hiệu khác của ngành thủy sản nói riêng, các lĩnh vực khác nói chung, đang phổ biến và mang lại hiệu quả, song về lâu dài, vì lợi ích quốc gia, cộng đồng, nhất là cần phải thu lợi từ giá trị thương hiệu (thường rất cao) nên các DN không thể không xây dựng thương hiệu, nhất là đối với thị trường nước ngoài.
Song để xây dựng thương hiệu cho ngành thủy sản, theo bà Minh, điều quan trọng là phải phát huy vai trò cộng đồng, tạo được sự liên kết giữa người chăn nuôi, sản xuất với nhà thu mua chế biến xuất khẩu. Đây hiện vẫn là điểm yếu của ngành thủy sản, vì thế hình ảnh thương hiệu cá da trơn Việt Nam vẫn chưa hình thành ở thị trường nước ngoài và năm nào vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng xảy ra hiện tượng mâu thuẫn giữa người nuôi cá và các DN thu mua chế biến.
Do đó, muốn xây dựng thương hiệu thủy sản thành công, trước hết, ngành phải đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao về hàng rào kỹ thuật từ các nước, nhất là ở các thị trường quan trọng (kỹ thuật ngày càng tinh vi). Ngày nay, hàng rào kỹ thuật này chuyên sâu, núp bóng dưới các hình thức như bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn lợi thiên nhiên, thực hiện sản xuất xanh…Thậm chí còn dựa trên sự phát triển công nghệ cao như việc EU buộc hàng thủy sản phải có dư lượng một số thuốc trừ sâu, kháng sinh hoàn toàn là 0%o (không phần ngàn) do họ phát triển được kỹ thuật công nghệ kiểm định cao.
Với ngành dệt may và da giày, ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội da giày TPHCM cho rằng, muốn xây dựng thương hiệu trước hết phải vượt qua các rào cản kỹ thuật. May mặc và da giày dù cải tiến kỹ thuật hiện đại đến mấy vẫn mang tiếng là ngành sử dụng nhiều lao động vì thế các rào cản kỹ thuật càng tinh vi hơn.
Bên cạnh các tiêu chí chung như ISO 14000, SA 8000… (ở Mỹ có riêng tiêu chí WRAP, EPA, EU vừa ban bố kỹ thuật REACH liên quan đến 200 hóa chất bị cấm nhập đối với các sản phẩm dệt may, da giày), ngành dệt may và da giày còn thường bị 8 rào cản kỹ thuật quan trọng là không sử dụng lao động trẻ em, không lao động cưỡng bức, an toàn và sức khỏe cho người lao động, lao động được tự do hiệp hội - thương lượng, không phân biệt đối xử với người lao động, hình thức kỷ luật người lao động, giờ làm việc, tiền lương cho người lao động.
Ngoài ra, xây dựng thương hiệu cho dệt may, da giày còn phải dựa vào các tiêu chí như tính dân tộc (thời trang cho thị trường nội địa phải phù hợp với tính dân tộc Việt), tính nhân bản (do con người tạo ra và phục vụ con người nên tính nhân bản thể hiện qua trách nhiệm xã hội), tính quốc tế (tuân thủ các qui ước về kinh doanh quốc tế, đặc biệt là vấn đề sở hữu trí tuệ, bản quyền, không gian lận trong thương mại) và tính hiện đại (bắt kịp yêu cầu thế giới, nhất là các thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật …) và tuân thủ các qui định về môi trường.
Ông Trương Trọng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm ITPC TPHCM, cho biết thêm, sản phẩm không những phải thích ứng với các chuẩn quốc tế chung, mà còn có những qui chuẩn riêng từ các Hiệp hội, chuỗi cửa hàng, siêu thị (như EMC của Nhật cho hàng điện tử, điện máy, Reach về hóa chất của EU…)
Các chuyên gia cho rằng, ngành dệt may, da giày, thủy sản không thể tự xây dựng được thương hiệu ở thị trường thế giới mà cần rất nhiều hỗ trợ từ phía Nhà nước. Sự hợp tác này nên dựa vào hai vấn đề quan trọng là hỗ trợ doanh nghiệp cải tiến qui trình sản xuất hợp chuẩn quốc tế và hỗ trợ phát huy, quảng bá sản phẩm ra nước ngoài; đặc biệt là các thị trường quan trọng: Mỹ, EU, Nhật, Canada, những thị trường được xem là 4 con voi lớn của nền kinh tế thế giới. Vì khi sản phẩm thích ứng với các tiêu chí kỹ thuật của các thị trường này, thương hiệu vững mạnh ở đây, thì bên cạnh việc có được sức tiêu thụ mạnh, sản phẩm sẽ dễ dàng vào các thị trường khác, sẽ làm tăng kim ngạch xuất khẩu cho nền kinh tế Việt Nam.