Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Kinh tế toàn cầu: Lạm phát chưa qua, đình đốn đang tới
05 | 07 | 2008
Trong khi lạm phát vẫn đang đe dọa nền kinh tế toàn cầu và cuộc khủng hoảng tín dụng vẫn đang ám ảnh các nước thì người ta đã hướng lo ngại tới một nguy cơ mới, nguy cơ đình trệ đang đến...

Nguy cơ đình trệ đang đến...

Viện nghiên cứu kinh tế Ifo có trụ sở tại Munich (Đức) dự báo kinh tế thế giới đang bước vào giai đoạn đình đốn khi tốc độ tăng trưởng trong quý II/08 giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 6 năm qua, trong đó nhịp độ tăng trưởng đang chậm lại ở Tây Âu, Mỹ, Trung Quốc, và sẽ tiếp tục đà này trong giai đoạn 2008/09.

Theo Ifo, sau cuộc khủng hoảng trên thị trường bất động sản ở Mỹ và sự hỗn loạn trên các thị trường tài chính thế giới, các động lực của hoạt động kinh tế thế giới đã suy yếu.

Tại Mỹ, nhịp độ tăng trưởng kinh tế sẽ vẫn yếu khi Cục dự trữ liên bang Mỹ thực hiện các biện pháp chính sách tiền tệ hạn chế hơn để chống lạm phát, trong khi tăng trưởng ở 15 nước sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone) gần như không tăng. Tiêu dùng ở Eurozone sẽ tăng ở mức hạn chế cho dù tình hình thuận lợi trên thị trường lao động ở khu vực này. Đầu tư sẽ giảm động lực do đỉnh của chu kỳ đầu tư gần như đã qua.

Tăng trưởng ở châu Á sẽ ảnh hưởng do những diễn biến lạm phát, đặc biệt là về lương thực và nguyên liệu thô. Tuy nhiên, ở Trung Quốc, nhu cầu gia tăng từ các hộ tư nhân có thể giúp bù đắp sự sụt giảm tăng trưởng kinh tế. Ở Ấn Độ, "lãi suất tăng sẽ tác động tiêu cực đến xu hướng đầu tư của các công ty và cũng tác động đến mức tăng nhu cầu tiêu dùng cá nhân".

... Trong khi nguy cơ lạm phát chưa hết

Lạm phát hiện nay đang là căn nguyên gây đau đầu với lãnh đạo của cả những nền kinh tế lớn nhất như Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc...

Bộ Lao động Mỹ cho biết, giá dầu thô tăng cao đã đẩy giá một loạt các mặt hàng tăng theo và là nguyên nhân chính làm tỷ lệ lạm phát của Mỹ trong tháng 5 tăng lên 0,6% và là mức cao nhất kể từ tháng 11/07.

Theo thống kê của Bộ Lao động Mỹ, trong 5 tháng đầu năm 2008, giá năng lượng tăng 16,5%, xấp xỉ mức tăng 17,4% trong cả năm 2007. Giá dầu thô và giá các loại nhiên liệu khác tăng 50,7% trong vòng 12 tháng qua. Riêng giá năng lượng trong tháng 5/08 đã tăng 4,4%, trong đó giá xăng tăng 5,7%, giá điện tăng 0,9%, giá dầu cho lò sưởi tăng 10,4% và giá khí đốt tăng 5,6%. Giá lương thực thực phẩm tăng 5%, trong đó giá bánh mì tăng 10,5%, giá sữa tăng 11%, giá dầu ăn tăng 12,8%. Giá vé máy bay trong tháng 5/08 cũng tăng 3,2%.

Trong tháng 5/08, giá cả tiêu dùng chung đã tăng 4,2% trong vòng 12 tháng qua và là mức tăng cao nhất kể từ tháng 1/08, trong khi giá tiêu dùng cơ bản đã tăng 2,3% so với tháng 5/07.

Trước đó, Bộ Thương mại Ấn Độ cũng thông báo trong tuần cuối cùng của tháng 5/2008 thì tỷ lệ lạm phát tại nước này đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 7 năm qua, hiện đang ở mức 8,25%.

Chỉ số giá bán buôn tăng mạnh so với mức 8,24% của tuần trước, chủ yếu do sự tăng giá của các mặt hàng thực phẩm và đóng hộp. Một năm trước, tỷ lệ lạm phát tại nước này chỉ ở mức 5,09%.

Tất cả những thay đổi này chỉ diễn ra một tuần sau khi Chính phủ quyết định tăng giá xăng dầu vì chính quyền nước này buộc phải cắt giảm chính sách hỗ trợ giá trong bối cảnh giá dầu thô toàn cầu ngày càng leo thang.

Sự tăng giá này càng làm dấy lên nỗi lo ngại về tình trạng lạm phát. Nhiều nhà phân tích đã đưa ra lời cảnh báo rằng lạm phát tại Ấn Độ có thể tăng trên 9% vào mấy tuần tới. Vấn đề này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân, đặc biệt là những người nghèo.

Lạm phát của Trung Quốc mới chỉ có được tháng đầu tiên giảm tốc sau một năm tăng không ngừng nghỉ. Trong tháng 5/2008, lạm phát nước này đã giảm xuống mức 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm so với mức 8,5% trong tháng 4 song vẫn còn là một mức lạm phát không hề dễ chịu gì.

Hiện nhiều nước khác như Hàn Quốc, Nga... cũng đang đối mặt nhiều thách thức, trong đó đáng quan ngại nhất vẫn là vấn đề lạm phát gia tăng, đời sống người dân khó khăn. Nhiều nước thậm chí còn đang đối mặt với nguy cơ sẽ bước vào giai đoạn siêu lạm phát, theo đó làm giảm nhu cầu tiêu dùng trong nước và làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Các quan chức và các nhà điều hành kinh tế đều nhất trí cho rằng, hiện nay lạm phát là mối đe dọa lớn nhất đối với nền kinh tế toàn cầu khi mà cuộc khủng hoảng tín dụng vẫn đang ám ảnh.

Các nền kinh tế châu Á mới nổi tăng trưởng thấp hơn nhiều so với năm 2007

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa công bố một báo cáo, trong đó nhận định tốc độ tăng trưởng năm 2008 của các nền kinh tế mới nổi ở châu Á sẽ xoay quanh mức 7% , thay vì 7,6% như dự báo trước đây và thấp hơn nhiều so với mức tăng 8,7% năm 2007.

Nguyên nhân chính là do tỷ lệ lạm phát quá cao, cơn sốt giá dầu và lương thực đã ảnh hưởng mạnh tới chi tiêu của các hộ gia đình và buộc các ngân hàng trung ương phải tăng lãi suất tín dụng, từ đó tác động mạnh tới các hoạt động kinh tế ở hầu hết các nước.

Sean Darby, chuyên gia kinh tế châu Á của công ty tư vấn tài chính Nomura Securities đánh giá những khó khăn kinh tế ở châu lục này có nguy cơ trầm trọng hơn. Giá lúa gạo tăng gần gấp ba ở một số nước mà sản phẩm này là thức ăn chủ đạo và giá dầu tăng 90% trong vòng một năm là hai yếu tố chính tạo nên tâm lý bi quan về viễn cảnh tình hình khu vực. Hiện nay, không kể Trung Đông, chỉ có Malaysia là nước xuất khẩu dầu lửa. Ngay cả Indonesia, nước khá giàu nguồn tài nguyên này từ vài năm trở lại đây đã phải nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ tinh lọc. Trong khu vực chỉ có Thái Lan và Việt Nam là hai nước xuất khẩu gạo.

Tuy nhiên, các chuyên gia của Nomura Securities tỏ ra rất lạc quan về kinh tế Nhật Bản, do nước này có chính sách sử dụng nhiên liệu hiệu quả nhất trên thế giới, nên hạn chế được những tác động của giá dầu. Kinh tế Nhật mới bước ra khỏi tình trạng giảm phát, sự tăng giá trên thị trường thế giới không tạo ra khó khăn nào đối với họ. Hơn nữa, việc kinh tế Mỹ giảm sút phần nào được bù đắp bởi tăng trưởng ổn định của Trung Quốc.

Theo đánh giá của Glenn Maguire, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Societe Generale (Pháp), đang xuất hiện một "dải phân cách" giữa khu vực Bắc Á được kích thích và hưởng lợi từ sự năng động của Trung Quốc và Đông Nam Á đang phải đối mặt với tăng trưởng chậm lại rõ rệt.

 



Nguồn: VietNamNet
Báo cáo phân tích thị trường