Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chế biến, xuất khẩu hạt điều: Khát nguyên liệu !
23 | 07 | 2008
Trong khi sản lượng điều trong nước sụt giảm mạnh thì việc tìm kiếm các nguồn bổ sung từ nước ngoài cũng đang gặp nhiều trở ngại khiến các DN chế biến, xuất khẩu hạt điều VN rơi vào tình thế chật vật để đảm bảo mục tiêu xuất khẩu 825 triệu USD năm 2008.
Gian nan tìm nguyên liệu

Theo Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas), các DN chế biến, xuất khẩu điều trong nước đang đứng trước nguy cơ thiếu nguyên liệu phục vụ sản xuất vào quý 4/2008 và giáp vụ 2009 do ảnh hưởng của vụ mùa trong nước cũng như quốc tế.

Nhiều địa phương như Đồng Nai, các tỉnh Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung bộ… vụ mùa điều năm nay kết thúc sớm. Trong khi tại Bình Phước mùa vụ tới trễ vì thời tiết thay đổi vào thời điểm giáp vụ; năng suất tụt giảm so với năm trước và thất thu ước tính khoảng 50.000 tấn.

Trong khi đó, diện tích cây điều tại hầu hết các địa phương đang có nguy cơ bị thu hẹp nghiêm trọng bởi sự cạnh tranh của các cây công nghiệp khác.

Để bù đắp sự thiếu hụt, sau vụ mùa 2008, các DN tăng cường nhập điều nguyên liệu. Tính trong 6 tháng, các DN nhập khoảng 150.000 tấn điều từ Campuchia và châu Phi (riêng Bờ Biển Ngà cung cấp 50% sản lượng điều nhập khẩu của Việt Nam).

Có trên 20 DN lớn nhất của ngành điều trực tiếp nhập khẩu điều với số lượng lớn, một mặt để đáp ứng nhu cầu chế biến của chính đơn vị mình, mặt khác cung ứng cho các nhà máy liên kết và các vệ tinh gia công, chế biến hàng xuất khẩu.

Tuy nhiên, các DN nhập khẩu điều trong nước đang gặp nhiều khó khăn do giá cả tăng cao, chất lượng hàng không đảm bảo. Giá nhập khẩu điều thô từ các nước Tây Phi vào thời điểm cuối tháng 5, đầu tháng 6/2008 lên đến 900 – 1.300 USD/tấn, trong khi ở thời điểm đầu tháng 5 giá cao nhất cũng chỉ 820 USD/tấn.

Ông Nguyễn Đức Thanh- Quyền Chủ tịch Vinacas cho biết: Do giá tăng cao, một số nhà cung cấp của các nước đã chậm, thậm chí không giao hàng theo hợp đồng nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch sản xuất, xuất khẩu của các DN Việt Nam.

So với điều trong nước, chất lượng hạt điều nguyên liệu nhập khẩu rất kém (tỷ lệ nhân thu hồi thấp, độ ẩm cao…), nhất là vào thời điểm cuối vụ. Có trường hợp người bán còn trộn điều Nigiêria chất lượng thấp (46-48 Lbs/80kg) vào điều Bờ Biển Ngà (48-52 Lbs/80kg) và bán theo giá điều Bờ Biển Ngà kiếm lời.

Trong khi đó, việc thanh toán qua ngân hàng gặp không ít trở ngại. Do Ngân hàng Việt Nam và các nước Tây Phi chưa có quan hệ nên các DN phải tìm ngân hàng ở nước thứ ba để xác nhận, tốn nhiều chi phí và thời gian. Ngoài ra, nhiều quốc gia châu Phi không có đội tàu vận chuyển container trọng tải lớn và khả năng bốc dỡ tại cảng rất kém.

Bên cạnh đó, do quản lý của nước sở tại lỏng lẻo nên nhà xuất khẩu phải tốn nhiều chi phí, đẩy giá bán lên rất cao. Cũng vì những trở ngại nói trên nên việc đàm phán nhập điều tại Guinea Bissau của các DN Việt Nam hồi cuối tháng 5, đầu tháng 6 vừa qua không đạt được thỏa thuận như mong muốn.

Gồng mình chịu lỗ

Vinacas khuyến cáo các DN bám sát các biến động của thị trường tiền tệ để đa dạng hóa ngoại tệ thanh toán, như với khách hàng biên mậu Trung Quốc: đàm phán thanh toán bằng VND hoặc NDT thay vì bằng USD; với khách hàng Bắc Mỹ, châu Âu: đàm phán thanh toán bằng euro, bảng Anh hoặc các ngoại tệ mạnh khác ít có biến động về tỷ giá. Trong thanh toán xuất nhập khẩu, DN có thể sử dụng các sản phẩm ngoại hối và công cụ phái sinh để hạn chế rủi ro như mua ngoại tệ giao ngay, thực hiện hợp đồng mua/bán kỳ hạn, hợp đồng mua quyền chọn bán/quyền chọn mua, hợp đồng quyền chọn ngoại tệ…
Ông Thanh tính toán: chi phí sản xuất từ đầu năm đến nay tăng khoảng 40%, trong đó nguyên liệu tăng 40%, lao động tăng 30-35%, các chi phí khác tăng 30-50% và lãi suất ngân hàng tăng 40-50%. Trong khi đó giá nhân điều xuất khẩu so với cùng kỳ chỉ tăng 25-30%.

Vì vậy, DN lỗ 15-20% tính trên giá thành sản xuất. Theo dự báo của Vinacas, giá nhân điều xuất khẩu có thể xuống vào thời gian tới nhưng sẽ không quá thấp do thị trường có thể hình thành mặt bằng giá mới.

Ngoài lỗ về giá thành, DN còn lỗ do tỷ giá. Chỉ tính riêng thiệt hại do tỷ giá USD/VND tháng 3 và 4/2008, DN chịu lỗ 2,5-2,7 triệu đồng/tấn nhân điều xuất khẩu. Ví dụ, một DN có kim ngạch xuất khẩu là 40 triệu USD thì đã lỗ khoảng 20 tỷ VND. Do thiếu vốn, DN buộc phải cân đối nhu cầu mua điều nguyên liệu, thu hẹp sản xuất ảnh hưởng đến kế hoạch chung của toàn ngành.

Việc chậm giao hàng của một số DN ngành điều đã ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý khách hàng. Các khách hàng thường chọn giải pháp ký gần với DN Việt Nam đồng thời đẩy mạnh mua xa hàng của Ấn Độ.

“Sức cạnh tranh của hạt điều Việt Nam đang ở mức thấp nhất trong vòng 2 năm trở lại đây” - Ông Thanh nói đồng thời cho biết giá xuất khẩu của Việt Nam so với Ấn Độ cũng đã giảm, trung bình từ 3-5 cent/Lb. Cơ cấu hàng xuất khẩu cũng rất đáng quan tâm, vì 100% hàng xuất dưới dạng nhân sơ chế và không có hàng có giá trị gia tăng cao.





Nguồn: kinhte24h.com
Báo cáo phân tích thị trường