Câu hỏi này là một chủ điểm tại hội thảo “Ứng phó lạm phát từ góc độ quản trị doanh nghiệp”, do Hội Các nhà quản trị doanh nghiệp phối hợp với Tạp chí Nhà Quản lý tổ chức ngày 24/7.
Giải pháp linh hoạt
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, năng lực quản trị doanh nghiệp nói chung chưa được nâng cấp lên ngang tầm phát triển của nền kinh tế trong môi trường hội nhập, dẫn tới khả năng quản trị rủi ro thấp.
Đây là vấn đề đặc biệt nghiêm trọng, dễ gây bất ổn khi nền kinh tế chuyển nhanh trạng thái phát triển từ chủ động mở cửa sang tích cực hội nhập.
Chia sẻ kinh nghiệm quản trị và những công việc thực tiễn để ứng phó với lạm phát, vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay và có thể sẽ sóng gió hơn trong giai đoạn tới, bà Cao Thị Thuý Nga, Phó tổng giám đốc của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB) nhấn mạnh rằng, điều quan trọng nhất để ứng phó với tình hình là phải phân tích, dự báo, nhận dạng đúng và đưa ra các giải pháp linh hoạt.
Một kinh nghiệm được bà Nga đưa ra là MB đã thành lập một hội đồng “phản ứng nhanh”, gồm các cán bộ quản lý được trang bị kiến thức và kỹ năng quản trị rủi ro để ứng phó linh hoạt với những biến động của thị trường.
Đối với doanh nghiệp sản xuất, ảnh hưởng mạnh nhất của lạm phát là sự tăng giá ngoài dự đoán và ngoài kiểm soát của nguyên vật liệu đầu vào.
Ông Mai Huy Tân, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Đức Việt cho biết, từ quý 3 và 4/2007 đến nay, giá thịt lợn hơi, nguyên liệu chủ yếu cho sản xuất chế biến thịt lợn sạch và các thực phẩm chế biến từ thịt trong nước đã tăng rất cao. Không đồng ý với kịch bản tạm ngừng sản xuất để chờ qua giai đoạn khó khăn chung của nền kinh tế, Đức Việt đã phải tìm đến những nguồn thịt thay thế có giá cạnh tranh hơn được nhập khẩu từ Bắc Mỹ, để tiết giảm chi phí đầu vào, bên cạnh việc đảm bảo nhập trên 50% nguyên liệu sản xuất từ các nông trại trong nước.
Trong hệ thống phân phối, Đức Việt đã áp dụng chính sách điều chỉnh giá linh hoạt, tăng tỷ lệ chiết khấu và thưởng để rút ngắn thời hạn thanh toán từ các nhà phân phối và đại lý để đẩy nhanh quay vòng vốn lưu động, giảm mức độ lệ thuộc của doanh nghiệp vào nguồn vốn vay ngân hàng.
Từ thực tế phải nhập khẩu nguyên liệu đầu vào để phục vụ sản xuất, ông Mai Huy Tân cảnh báo: “Thịt lợn nhập khẩu từ Bắc Mỹ có chất lượng cao, được bảo quản lạnh. Kể cả phí vận chuyển, thuế các loại vẫn rẻ hơn thịt lợn chăn nuôi trong nước. Đây là một dấu hiệu báo động trong ngành chăn nuôi Việt Nam khi tham gia WTO”.
Vì vậy, ông Tân khuyến nghị Chính phủ phải thực sự quan tâm đầu tư vào chăn nuôi trong nông nghiệp để đảm bảo an ninh lương thực và sức cạnh tranh của nông sản thực phẩm Việt Nam. Nếu không trong tương lai không xa, các siêu thị, hệ thống phân phối thực phẩm ở các đô thị sẽ tràn ngập thực phẩm nhập khẩu và người nông dân sẽ mất đầu ra quan trọng là thị trường 84 triệu người tiêu dùng trong nước.
Sàng lọc, tái cơ cấu
Để tránh đổ thêm dầu vào lửa trong bối cảnh lạm phát tăng cao, các doanh nghiệp đều đồng tình với quan điểm thực hiện tư duy tiết kiệm và chi tiêu công hợp lý.
Bản thân nhiều doanh nghiệp đã thực hiện nhiều giải pháp để tiết kiệm chi phí sản xuất, tiết giảm chi phí gia tăng cũng như tạm dừng và giãn tiến độ nhiều dự án đầu tư.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, thời gian từ nay đến cuối năm 2008 và những tháng đầu năm 2009, lạm phát sẽ thấm sâu hơn vào hoạt động của các doanh nghiệp. “Muốn tồn tại và phát triển, các doanh nghiệp phải sàng lọc, tái cơ cấu hoạt động sản xuất, kinh doanh”, ông Nguyễn Đình Cung, Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương nhấn mạnh.
Ứng phó với lạm phát trong điều kiện phải cạnh tranh với các doanh nghiệp cùng lĩnh vực nhưng có quy mô lớn hơn, Công ty Cổ phần Dinh dưỡng Việt Tín chuyên sản xuất và chế biến thức ăn gia súc đã bị tụt giảm mạnh doanh số bán hàng, từ 1,2 tỷ đồng tháng 12/2005 xuống chỉ còn 400 triệu đồng tháng 1/2008.
"Khác với các doanh nghiệp quyết định thu hẹp quy mô kinh doanh hoặc ngừng sản xuất để ứng phó với lạm phát, chúng tôi lại phát triển thị trường bằng cách thiết lập một đội ngũ bán hàng chuyên nghiệp luôn đặt trọng tâm vào khách hàng", ông Bùi Đức Huyên, Giám đốc Công ty nói.
Chỉ trong 4 tháng, doanh thu bán hàng của công ty đã tăng lên rất nhanh, từ 400 triệu tháng 2/2008 lên trên 10 tỷ tháng 6/2008. Đồng thời, Việt Tín cũng điều chỉnh các mục tiêu dài hạn và ngắn hạn cho phù hợp với tình hình lạm phát. "Chúng tôi chỉ đầu tư xây dựng cơ sở hạ ở mức vừa đủ phục vụ sản xuất, còn những hạng mục chưa sinh lời được dừng lại để đầu tư giai đoạn 2", ông Bùi Đức Huyên cho biết.
Với kinh nghiệm của một nhà tư vấn quản trị doanh nghiệp chuyên nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Bách, Tổng giám đốc Tập đoàn AsiaInvest đã đưa ra một số khuyến nghị để hỗ trợ các doanh nghiệp ứng phó hiệu quả hơn với lạm phát.
Trong đó, quan trọng nhất là doanh nghiệp phải xây dựng hệ thống quản lý rủi ro để có thể chủ động ứng phó với các nguy cơ tiềm ẩn do lạm phát cao mang lại trong thời gian tới.
Đồng thời, doanh nghiệp phải xem xét lại danh mục đầu tư trong kế hoạch ngân sách năm 2008 và tái cấu trúc vốn; kiểm soát chặt chẽ chi phí và phát động phong trào tiết kiệm tại doanh nghiệp; thực hiện nghiêm ngặt chính sách quản lý các khoản nợ phải thu và chủ động tìm kiếm các nguồn cung ứng nguyên vật liệu hàng hoá dự phòng...