Trong đó, dự báo sản lượng của Braxin sẽ tăng tới 31,6 triệu tấn, so với 30,3 triệu tấn niên vụ 2005/06; sản lượng của Ấn Độ sẽ tăng thêm 2,5 triệu tấn, lên 23,4 triệu tấn nhưng sản lượng đường EU sẽ giảm xuống 17,1 triệu tấn, giảm 4,7 triệu tấn so với niên vụ trước. Sản lượng đường Trung Quốc, nước sản xuất lớn thứ 2 ở châu Á, dự báo sẽ tăng mạnh trong niên vụ tới, tăng 15% so với niên vụ trước, lên 11,1 triệu tấn; sản lượng của Thái Lan cũng sẽ tăng từ 4,8 triệu tấn lên 5,8 - 5,9 triệu tấn; Inđônêxia có thể đạt 2,48 triệu tấn, tăng so với 2,24 triệu tấn của niên vụ trước; Pakistan đạt 3,3-3,5 triệu tấn, tăng 35% so với vụ trước; Philippines đạt 2,24 triệu tấn, tăng so với 2,138 triệu tấn; Nam Phi đạt 2,5 triệu tấn, giảm 0,1 triệu tấn so với niên vụ trước.
Dự báo Nga có sản lượng đường củ cải kỷ lục vào khoảng 3 triệu tấn, tăng so với mức 2,5 triệu tấn năm ngoái, nhờ việc nông dân tăng diện tích trồng và các nhà sản xuất lớn như Sucden, Rusagro và Prodimex đầu tư vào các nhà máy tinh luyện. Cũng theo ISO, tiêu thụ đường thế giới sẽ đạt 152,5 triệu tấn, tăng 1,83% so với niên vụ 2005/06. Trong đó, với trên 1 tỷ dân, nhu cầu tiêu thụ đường của thị trường nội địa Ấn Độ ước tính đạt 19 triệu tấn/năm, tức là có dư 3,5-4 triệu tấn để xuất khẩu; nhu cầu tiêu thụ của Inđônêxia ước tính vào khoảng 2,6 triệu tấn và Nam Phi 1,575 triệu tấn.
Nhập khẩu đường vào nhiều thị trường đã giảm mạnh, nhất là Trung Quốc, sau khi giá đường thế giới tăng quá cao và sản lượng nội địa tăng lên. Do giá đường thế giới tăng mạnh hồi đầu năm, Trung Quốc chuyển sang tăng cường sử dụng chất ngọt làm từ ngô, nhất là trong các ngành thực phẩm và bánh kẹo. Trong 5 tháng đầu năm nay, Trung Quốc chỉ nhập khẩu 2.000 tấn đường Thái Lan, so với 176.049 tấn cùng kỳ năm ngoái. Các nước nhập khẩu lớn khác cũng giảm nhập khẩu, chẳng hạn như Malaysia chỉ nhập khẩu 6.000 tấn đường Thái, giảm 90,5% so với cùng kỳ năm ngoái, còn Hàn Quốc chỉ nhập 2.200 tấn, giảm so với 49.000 tấn cùng kỳ năm ngoái.
Theo dự báo của ISO, năm nay nhập khẩu đường của EU vào khoảng 2 triệu tấn trong khi xuất khẩu hạn chế ở mức 1,4 triệu tấn; lượng nhập khẩu của Indonesia đạt 115.000-120.000 tấn và Nam Phi 200.000 tấn.Trong 9 tháng năm 2006, giá đường kính trên thị trường thế giới duy trì xu hướng tăng do nguồn cung thế giới thiếu hụt so với nhu cầu, có thời điểm giá đường trắng tại thị trường Luân Đôn đã tăng lên mức đỉnh điểm 497 USD/T (tháng 5/2006).
Tuy nhiên, từ giữa tháng 9/2006, giá đường bắt đầu giảm do nguồn cung tăng trong khi nhu cầu, nhất là của Trung Quốc, giảm mạnh. Cuối tháng 9/2006, giá đường xuống tới mức thấp nhất trong vòng 9 tháng, với đường trắng giá 334 USD/tấn, trong khi đường thô giá 11,55 US cent/lb.Tình trạng thiếu đường kéo dài suốt 3 niên vụ qua sắp chấm dứt, bởi sản lượng đường thế giới niên vụ tới, bắt đầu từ tháng 10, sẽ cân đối, thậm chí vượt mức tiêu thụ mặc dù sản lượng của Liên minh châu Âu giảm (do bị cắt giảm trợ cấp).
Dự đoán giá đường thô trung bình cuối năm 2006 sẽ giảm 9% so với mức hiện nay sau khi đã tăng hơn 60% trong năm 2005, trong khi giá đường trắng ước giảm 7% so với mức cao đạt được ngày 6/7 sau khi tăng 37% vào năm ngoái.
Về thị trường trong nước, theo Viện nghiên cứu thương mại, niên vụ 2005/06 diện tích mía của cả nước đạt khoảng 265.000 ha mía. Do hạn hán kéo dài ở miền Trung, bão lũ ở miền Bắc nên năng suất mía bình quân chỉ đạt 50,9 tấn/ha. Sản lượng mía cả nước ước đạt 13,5 triệu tấn, tổng sản lượng đường đạt khoảng 970.000 tấn (trong đó đường công nghiệp là 754.200 tấn), thấp hơn so với nhu cầu tiêu thụ khoảng 300.000 - 350.000 tấn.
Trong tháng 9, tuy cầu tiêu thụ đường kính tăng cao nhưng do nguồn cung đường dồi dào và các nhà máy điều chỉnh giảm giá bán buôn 600-800 đ/kg, nên giá đường kính trên thị trường tiếp tục giảm tại nhiều nơi. Giá bán buôn đường tại các trung tâm bán buôn ngày 21/9/2006 (đã có VAT): đường kính trắng 7.800-8.100 đ/kg, đường tinh luyện 9.000-9.800 đ/kg, đường vàng 7.500-8.000 đ/kg, giá bán lẻ đường kính Biên Hoà: 10.500-12.000 đ/kg.
Dự kiến những tháng cuối năm tuy nhu cầu tiêu thụ đường kính tăng, nhưng do các tỉnh bước vào thu hoạch rộ vụ mía đường 2006/07 với sản lượng đường cung ứng trên 200.000 tấn và giá thu mua nguyên liệu mía khả năng sẽ thấp hơn so với vụ trước, nên giá đường kính sẽ tiếp tục chiều hướng giảm, song mức giảm không nhiều.