Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tích cực thu mua lúa, gạo ở đồng bằng sông Cửu Long
16 | 08 | 2008
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ phải tiêu thụ hết lúa hàng hóa, bảo đảm cho nông dân có lãi, các doanh nghiệp kinh doanh lương thực thuộc Tổng Công ty lương thực miền Nam, Hiệp hội lương thực Việt Nam đang tích cực triển khai thu mua lúa ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL).
Việc mua lúa trở nên nhộn nhịp hơn còn nhờ tác động tích cực của Ngân hàng Nhà nước cam kết bảo đảm đủ vốn cho doanh nghiệp vay để thu mua lúa trong đó có việc cho vay mua lúa mà không cần phải trình hợp đồng xuất khẩu gạo; trên thị trường giá gạo nguyên liệu đã tăng 150 đến 300 đồng/kg. Từ ngày 8 đến ngày 12-8, các thương lái đã hoạt động trở lại nhờ các doanh nghiệp triển khai mạnh việc thu mua gạo. Các thương lái đến các vùng sâu ở Cần Thơ, Hậu Giang, Ðồng Tháp, An Giang để mua lúa, gạo. Ðang là mùa mưa nhưng các doanh nghiệp thực hiện bình quân ngày mua vào 10.000 tấn gạo, lúa. Theo các doanh nghiệp dứt mưa sẽ mua vào 20.000 tấn/ngày. Trong khi trước đây trước mùa mưa chỉ mua 4.000 tấn/ngày. Theo chỉ đạo trong tháng 8 phải mua vào 500.000 tấn gạo nhưng Hiệp hội đặt chỉ tiêu 640.000 tấn. Các doanh nghiệp phấn đấu mua vào 730.000 tấn.


Theo Hiệp hội lương thực Việt Nam, giá lúa loại tốt được các thương lái mua phổ biến ở mức 5.000 - 5.500 đồng/kg, ở vùng sâu, vùng xa là 3.500 - 3.800 đồng/kg. Tuy nhiên thương lái chủ yếu mua lúa được sấy khô và độ ẩm thấp. Trong khi đó ÐBSCL đang vào mùa mưa, nên nông dân gặp khá nhiều khó khăn trong khâu phơi sấy. Do quá đông nông dân chờ đợi sấy lúa, nên các lò sấy đã nâng giá bằng việc sấy 100 kg lúa lấy lại tiền công bằng 8 kg lúa.


Theo Hiệp hội lương thực Việt Nam từ khi Chính phủ cho phép xuất khẩu gạo trở lại (từ đầu tháng 7-2008) các doanh nghiệp đã ký hợp đồng xuất khẩu thêm 900.000 tấn gạo, nâng sản lượng ký hợp đồng xuất khẩu đến nay lên 3,6 triệu tấn (đến hết tháng 9-2008). Trong khi đó lãi suất ngân hàng mặc dù đã hạ là 19,5% là vẫn còn cao mặc dù các doanh nghiệp vẫn triển khai mua song vẫn mong được giảm lãi suất hơn nữa. Nhiều doanh nghiệp đã chọn phương án chờ tàu vào rồi mới tổ chức mua gạo để giảm lãi vay, hạ giá thành. Tuy nhiên yếu tố chính khiến doanh nghiệp chưa mua mạnh vẫn là giá gạo thế giới giảm. Có thời điểm gạo 25% tấm được ký bán 1.200 USD/tấn. Nhưng hiện nay gạo 5% cũng chỉ bán được với giá 580-600 USD/tấn. Có nhiều nguyên nhân trong đó các nước nhập khẩu gạo từ Việt Nam như Indonesia, Malaysia đang vào vụ thu hoạch, châu Phi có nhu cầu lớn lại không mua do giá cả và cước vận tải quá cao.





Nguồn: nhandan.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường