Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Rau xanh đầy ruộng nhưng giá rớt
23 | 12 | 2008
Sự kiện về trận mưa lịch sử hồi đầu tháng 11 không thấy còn mấy ai nhắc đến, trên cánh đồng trắng băng hôm nào nay đã bát ngát tươi xanh những ruộng rau chờ thu hái. Nhưng chờ mãi, đợi mãi cho đến lúc đám cải xanh đã trổ hoa vàng, chúng mới được ông chủ chú ý tới. Lúc này, may thì chúng được bán với giá trên dưới 1.000 đồng/kg, không may thì bị phạt ngang, chất thành đống, vứt ở bờ ruộng hoặc mang về cho lợn…

Thừa rau, héo hắt nụ cười

Chiều trên cánh đồng thôn Yên Nhân (xã Tiền Phong, huyện Mê Linh) đầy nắng và gió. Cảnh đẹp, người đông nhưng vẻ mặt ai cũng đượm nỗi buồn heo hắt vì mùa rau rớt giá. Chỉ vào đám rau cải chíp gần 100m2 đang cắt dở, anh Bùi Cao Nghị (xóm Cầu) nhếch môi nói: "Chú đoán xem chỗ này thu được mấy tiền?". Tôi đoán khoảng 300 - 400 nghìn đồng, anh cười chua chát: "Bán tất sáu chục. Mua không?". Nói rồi anh tâm sự: "Rau nhà tôi có 7 sào. Bình thường mỗi sào chúng tôi thu được từ 1,5 - 2 triệu đồng. Vợ chồng động viên nhau cố gắng chăm sóc để vớt vát lại trận lụt vừa qua, kiếm tý tiền Tết. Ai dè, giá cả tệ hại đến thế, có 3.000đồng/yến mà bán cũng khó".

Sang đến cánh đồng thôn Trung Đoài, tôi gặp bà Nguyễn Thị Hà đang dùng dao quắm, phạt cải xanh rồi vơ lại thành đống, vứt lên bờ. Thấy tôi có vẻ tò mò về kiểu thu hoạch độc đáo này, bà giải thích: "Tôi phải chuẩn bị đất gieo mạ. Rau xấu không bán được, lấy về cho lợn, cho cá ăn thôi". Buông tiếng thở dài, bà kể tiếp: "Hôm qua, hai vợ chồng tôi cắt gần tạ rau; sáng sớm lọ mọ kéo xe cải tiến ra chợ Yên bán, được có mười bảy ngàn, lại mất ba ngàn tiền vé. Bực mình, ông ấy (chồng bà Hà) bỏ xuống Hà Nội làm thuê. Thế cũng được, ở nhà nhìn nhau mà chết đói à!".

Lý giải về hiện tượng trên, ông Vũ Văn Dương, phó chủ tịch xã Tiền Phong (Mê Linh) cho biết: "Sau khi nước rút, bà con nông dân thi nhau trồng rau, đặc biệt là rau ngắn ngày như: cải xanh, cải chíp, cải cúc để tạo nguồn thu trước mắt và nhanh chóng giải phóng đất làm vụ xuân. Ồ ạt trồng, ồ ạt thu hái khiến thị trường "bội thực" là điều tất nhiên. Hơn nữa, nước lụt làm sâu bọ chết hết, thời tiết lại thuận lợi tạo điều kiện cho cây rau phát triển nhanh, tốt; cộng thêm sự xuất hiện của những "vùng rau bất đắc dĩ" thay thế cho cây đậu tương và ngô cũng ảnh hưởng đáng kể đến đầu ra của vùng rau truyền thống". Xã Tiền Phong có tổng dân số là 150.700 người, được chia thành 3.400 hộ, trong đó thu nhập của 94% số hộ trông vào cây rau. Với 430ha rau vụ đông, con số thiệt hại người dân phải gánh chịu trong mùa rớt giá cũng lên đến vài tỷ - ông Dương chua xót thống kê.

RAT: “Ai xin cũng được”

Với diện tích trồng rau lên tới 92,9/120ha đất nông nghiệp, tình hìnhgiá cả ở vùng sản xuất rau an toàn (RAT) xã Nam Hồng (huyện Đông Anh) cũng không sáng sủa hơn là mấy. "Quy trình sản xuất RAT đòi hỏi đầu tư khá nhiều công sức và tiền của, nhưng hiện tại, giá rau giảm tới 80% nên mặc dù có cao hơn rau thường chút ít,song thu nhập của người dân cũng chẳng đáng kể, may ra đủ tiền phân gio. Hiện tại,su hào, cải bắp, súp lơ vẫn còn được giá nhưng giáp Tết mới được thu, tới lúc đó lại rộ, lại bán rẻ như cho. Cứ tình trạng này ít nhất vùng RAT cũng thua thiệtxuýt xoát tỷ rưỡi" - ông Nguyễn Văn Trúc, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Nam Hồng cho biết.

"Ngoài 5% nhập cho khu công nghiệp Thăng Long và một số trường học, còn lại sản phẩm RAT của chúng tôi tập kết ở chợ RAT Vân Nội, rồi đến các siêu thị, cửa hàng lớn. Nhà tôi gieo cả thảy 6 sào rau, chắc mẩm thể nào cũng có hơn chục triệu, ai ngờ! Hai sào cải cúc, cải chíp coi như làm không công, bốn sào su hào, súp lơ còn lại cũng chẳng hi vọng gì!" - chị Bùi Thị An, đội 2, thôn Tằng My, xã Nam Hồng (Đông Anh) kết thúc câu nói bằng tiếng thở dài. Chỉ địa điểm cho mấy người đang hồ hởi cắp rổ, sảo đến xin rau, chị bảo: "Chẳng mấy khi bà con lại được dùng rau sạch thoải mái như vậy. Ai thích rau gì (rau ăn lá), chỉ cần hỏi một câu là được cắt vô tư, ăn đến hai ngày không hết".

Không phải ai cũng "khóc"

Nguồn cung và thị trường rau Hà Nội trong thời điểm này vừa thừa lại vừa thiếu: Quá thừarau ăn lá họ cải; còn hầu hết các loại khác vẫn trong tình trạng thiếu hoặc khan hiếm. "Nắm bắt được xu thế thị trường, ngay từ khi nước còn đang ngập, một số người dân đã chủ động gieo cây con trong nhà, hoặc sang các tỉnh lân cận như Bắc Giang, Hải Dương đặt giống su hào, cải bắp, chờ nước rút tiến hành trồng luôn. Nhờ đó, họ thu hoạch sớm, tránh thời điểm rộ, lời lãi khá nhiều" - ông Nguyễn Công Kiên, chủ nhiệm Hợp tác xã Phương Viên (xã Song Phương, Hoài Đức) cho biết. Thoăn thoắt xếp su hào vào đôi sọt sắt, anh Trần Văn Nam (xóm Thượng) hào hứng: "Đừng tưởng làm nông dân là không phải tính toán. Chỉ cần đúng, sai một nước cũng có thể đem lại hoặc lấy đi cả vài chục triệu của mình. Đấy cậu xem, 6 sào su hào hiện tại đem về cho tôi gần 20 triệu, nhưng để nửa tháng nữa may ra chỉ còn vài triệu thôi".

Cũng hỉ hả không kém, ông Phạm Văn Tuấn (xóm 4, thôn Tằng My, xã Nam Hồng, Đông Anh) quảng cáo: "Tôi may mắn trồng được 5 sào rau bí trên khu đất khá cao, loại "đặc sản" này dễ bán, mỗi ngày thu hơn 100 mớ ngọn rau. Cũng được vài trăm ngàn đấy".





Nguồn: vnmedia.vn
Báo cáo phân tích thị trường