Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đại gia và thanh long
05 | 03 | 2009
Sau chưa đầy hai chục container được xuất đi, trái thanh long lại đang phải ngậm ngùi đứng bên này đại dương nhìn vào nước Mỹ. Ông Trầm Trọng Ngân, tổng giám đốc công ty Sơn Sơn, nhanh chóng lên báo định hướng: “Trong khi Sơn Sơn bán thanh long với giá 4,5 USD/kg thì một doanh nghiệp đã bất ngờ hạ giá còn 2 – 3 USD/kg”. Giọng của ông Ngân được mô tả là “bức xúc”, tuy nhiên, ông không nói rõ bằng cách nào một đối thủ xuất hàng với quy mô chỉ bằng 1/8 quy mô của Sơn Sơn lại có thể “phá giá” thị trường khiến ông “nản lòng” đến thế.

Theo chính quyền địa phương thì hiện có khá nhiều đơn đặt hàng đưa thanh long qua Mỹ, nhưng các doanh nghiệp đành phải bó tay vì Sơn Sơn không chiếu xạ thanh long cho họ. Ông Nguyễn Ngọc Hai, giám đốc sở Nông nghiệp Bình Thuận, nói: “Chúng tôi nhiều lần liên lạc với Sơn Sơn nhưng họ nói là máy móc của họ đang bị trục trặc”. Cho đến nay, cơ quan Kiểm dịch động thực vật Mỹ (APHIS) đã cấp chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu thanh long qua Mỹ cho bảy vùng trồng thanh long, bốn nhà đóng gói, nhưng chỉ mới cấp giấy phép chiếu xạ cho chỉ một nhà máy của Sơn Sơn. Trong khi tất cả thanh long xuất khẩu vào Mỹ đều phải qua chiếu xạ.

Nhớ, cách đây bốn tháng, trong buổi họp báo nhân sự kiện lô thanh long đầu tiên được đưa vào Mỹ, chủ tịch HĐQT Sơn Sơn, ông Trầm Bê, cha của ông Ngân, nói với giọng được báo chí mô tả là “nghẹn lại”: “Tôi mua được một cái (máy chiếu xạ), mất gần 20 triệu USD; về, phải thuê sáu kỹ sư người Mỹ, lương 50.000 USD/tháng để lắp ráp” (Lao Động số 259 ngày 8.11.2008). Khi ấy, con đường thanh long vào Mỹ đang được mô tả như là “ra biển lớn” nên không những không ai thẩm định lại các con số “PR”, mà cái nhà máy chiếu xạ ấy còn khiến dư luận không còn nhìn ông Trầm Bê chỉ như là một “đại gia” địa ốc.

Nhưng, ngay sau đó, cơ sở chiếu xạ của ông Trầm Bê không độc lập làm dịch vụ mà hợp tác với một trang trại ở Bình Thuận và gần như chỉ chiếu xạ thanh long cho cơ sở này. Trao đổi với đồng nghiệp của chúng tôi ở Phan Thiết, ông Nguyễn Thuận, phó chủ tịch hiệp hội Thanh long Bình Thuận, nói: “Trước đây, mọi thủ tục trước khi phía Mỹ cấp chứng chỉ đều có đại diện của Mỹ, cục Bảo vệ thực vật và đích thân ông Trầm Trọng Ngân đi cùng để kiểm tra. Nhưng khi đã đăng ký để được chiếu xạ thanh long thì Sơn Sơn liên tục từ chối với nhiều lý do. Nếu cố tình không chiếu xạ cho chúng tôi thì sao không nói trước, để chúng tôi khỏi phải đầu tư kho bãi, nhà xưởng biết bao nhiêu tiền của cho đúng chất lượng như phía Mỹ quy định. Chúng tôi cảm giác như bị ai đó lừa bịp và đành ngậm đắng nuốt cay. Thanh long đạt chất lượng nhưng không được chiếu xạ nên không thể bán qua Mỹ được”.

Không phủ nhận thói quen xấu bán phá giá của không ít doanh nghiệp Việt Nam và về lâu dài, phải có thêm nhà máy thì mới thoát ra khỏi tình trạng “bế tắc thanh long” như hiện nay. Nhưng, thanh long không thể qua Mỹ chỉ vì không được chiếu xạ ở Sơn Sơn là một câu chuyện rất đáng buồn của doanh nhân Việt. Tất nhiên, vì đây chỉ là một vấn đề thuộc về văn hoá nên chính quyền Bình Thuận không thể can thiệp. Nhưng, sự lựa chọn của những người có thế lực và tiền bạc là rất cần được bàn thêm. Ông Trầm Bê có thể đã được coi như một người tiên phong; trên nhiều khía cạnh, ông cũng có thể được các nhà nông và nhà doanh nghiệp ở Bình Thuận coi như là một ân nhân. Về mặt kinh doanh, cũng có thể rất thành công chỉ cần ông đối xử với các nhà xuất khẩu thanh long ở đây như là những khách hàng mà ông có thể độc quyền ra giá. Hy vọng, ông sẽ có quyết định mới. Hy vọng, những “trục trặc” bên trong nhà máy sẽ được “sửa chữa”. Vì, nếu cư xử theo văn hoá đại gia, nhà máy chiếu xạ Sơn Sơn chỉ có thể mang lại cho ông Trầm Bê thứ mà ông đã dư thừa là tiền bạc.



Nguồn: SGTT
Báo cáo phân tích thị trường