Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Sẽ xuất khẩu 6 triệu tấn gạo
07 | 07 | 2009
Với trên 4,7 triệu tấn gạo đã được ký hợp đồng xuất khẩu trong sáu tháng đầu năm, 1,3 triệu tấn đang ở kho dự trữ của các doanh nghiệp, nhiều khả năng lượng gạo xuất khẩu của VN năm 2009 sẽ lên đến 6 triệu tấn - mức cao nhất trong hơn 20 năm qua.

(*) Dự kiến cả năm 2009 xuất khẩu gạo đạt 6 triệu tấn, tính theo giá xuất khẩu bình quân sáu tháng đầu năm, kim ngạch cả năm ước đạt 2,46 tỉ USD - Đồ họa: V.Cường - Nguồn: Trung tâm Thông tin phát triển nông nghiệp nông thôn

Theo Hiệp hội Lương thực VN, đến cuối tháng 6-2009 cả nước đã xuất được hơn 3,6 triệu tấn gạo. Nếu căn cứ vào kế hoạch xuất khẩu 5 triệu tấn thì sáu tháng cuối năm 2009 chỉ phải xuất 1,4 triệu tấn. Trong khi đó chỉ riêng vùng ĐBSCL từ nay đến cuối năm sẽ thu hoạch được khoảng 6 triệu tấn gạo. Do đó, nhiều tỉnh trọng điểm sản xuất lúa ở ĐBSCL đã kiến nghị Chính phủ điều chỉnh kế hoạch xuất khẩu gạo lên 6 triệu tấn để tiêu thụ hết lúa, đảm bảo nông dân có lãi trên 30%.

Nguy cơ tồn đọng

Nên tăng chỉ tiêu xuất khẩu

Theo ông Cao Văn Hóa - phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, riêng tỉnh này dự báo tồn 150.000 tấn gạo trong vụ hè thu và hè thu muộn. Nếu tăng chỉ tiêu xuất khẩu thì mới hi vọng giải quyết được hết lúa gạo tồn đọng trong dân.

Tương tự, ông Trần Minh Tùng, phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An, cho rằng việc điều chỉnh kế hoạch xuất khẩu gạo vào lúc này là hợp lý. Từ nay đến cuối năm riêng tỉnh Long An cần tiêu thụ ít nhất 200.000 tấn gạo sau khi đã trừ sản lượng dự trữ an ninh lương thực.

Ngày 6-7, ông Trần Minh Tùng - phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An - cho biết vụ hè thu này toàn tỉnh xuống giống hơn 200.000ha nhưng mới thu hoạch hơn 8.000ha, năng suất trung bình khoảng 4 tấn/ha. “Tuần qua khi đi tiếp xúc cử tri, người dân ở một số huyện đã kêu lúa tồn đọng từ vụ đông xuân đến giờ vẫn chưa bán được. Tôi rất lo ngại tình trạng tồn đọng lúa như năm 2008 lại diễn ra khi thu hoạch rộ” - ông Tùng băn khoăn.

Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang Cao Văn Hóa cũng lo ngại lúa sản xuất trong sáu tháng cuối năm không tiêu thụ hết: “Chúng tôi còn khoảng 120.000ha lúa chưa thu hoạch. Với năng suất bình quân 5 tấn/ha thì sẽ có tới 600.000 tấn lúa. Trừ số lúa để lại làm giống và dự trữ làm lương thực tối thiểu còn 300.000 tấn cần phải tiêu thụ. Căn cứ vào chỉ tiêu xuất khẩu 5 triệu tấn gạo, tôi rất lo lúa tồn đọng nhiều”.

TS Phạm Văn Dư, phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), cho biết trong sáu tháng cuối năm ĐBSCL sẽ có ba vụ lúa. Trong đó, vụ hè thu đang bắt đầu thu hoạch tổng sản lượng dự kiến khoảng 7,7 triệu tấn lúa. Những tháng cuối năm, một số vùng sẽ canh tác vụ thu đông và vụ mùa, sản lượng thêm khoảng 3,5 triệu tấn nữa.

Đặc biệt, diện tích vụ hè thu năm 2009 tăng gần 6.400ha. “Nếu không có thiên tai, dịch hại lớn thì riêng sáu tháng cuối năm ĐBSCL sẽ sản xuất ra 11 triệu tấn lúa, tương đương khoảng 6 triệu tấn gạo” - ông Dư cho hay. Đối chiếu với kế hoạch xuất khẩu 5 triệu tấn gạo trong năm 2009, ông Dư thừa nhận: “Nếu không điều chỉnh kế hoạch xuất khẩu hoặc không đẩy mạnh thu mua tạm trữ thì sẽ khó cho nông dân”.

6 triệu tấn xuất khẩu là hiện thực

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Đăng Chi - vụ phó Vụ Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương - thừa nhận sản lượng gạo hàng hóa năm 2009 tăng mạnh. Phân tích thêm, ông Chi cho biết sản lượng lúa hàng hóa năm 2009 tăng không chỉ do sản lượng năm nay tăng mà do lượng lúa gạo từ năm 2008 dồn sang tới gần 1 triệu tấn. Về khả năng các cơ quan chức năng chấp nhận mức xuất khẩu 6 triệu tấn năm 2009 - phá kỷ lục lượng gạo xuất khẩu trong hơn 20 năm qua, ông Chi cho biết còn phải được Bộ NN&PTNT đồng ý.

Căn cứ vào ba yếu tố: sản lượng lúa gạo trong nước, thị trường xuất khẩu và lượng gạo cần thiết để lại trong nước nhằm đảm bảo an ninh lương thực, lượng gạo xuất khẩu sẽ được tổ điều hành xuất khẩu gạo kiến nghị Thủ tướng phê duyệt. Thông thường vào giữa quý 3 hằng năm, dựa trên đề nghị của Hiệp hội Lương thực, các cơ quan chức năng sẽ xem xét lượng gạo xuất khẩu. Năm 2009, nếu việc xuất khẩu gạo đảm bảo ba yếu tố kể trên, theo ông Nguyễn Đăng Chi, việc cho phép xuất khẩu 6 triệu tấn gạo sẽ không có gì khó khăn.

Thời điểm quyết định có thể vẫn là giữa quý 3 theo thông lệ vì theo ông Chi, từ nay đến đó các doanh nghiệp khó lòng thực hiện xuất khẩu được 5 triệu tấn gạo nên chưa cần thiết phải đẩy nhanh quá trình phê duyệt lượng gạo xuất khẩu 2009.

Về giá xuất khẩu có đảm bảo lợi ích cho VN khi có thông tin Thái Lan dù đang tồn khoảng 4 triệu tấn gạo nhưng vẫn chưa quyết định xuất khẩu vào dịp này, ông Nguyễn Đăng Chi cho biết các quyết định về xuất khẩu gạo của Thái Lan gần đây bị nhiều doanh nghiệp nước này phản ứng. Với giá xuất khẩu như hiện tại, theo ông Chi, sẽ đảm bảo cho người dân lãi tới 30% như chỉ đạo của Chính phủ. Tuy nhiên, mức lãi đó là tính chung cho cả năm và vụ đông xuân lãi lớn hơn vụ hè thu chứ không thể hạch toán theo từng vụ.

Trong khi đó, ông Trang Hiếu Dũng - vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ NN&PTNT - cho biết khả năng xuất khẩu 6 triệu tấn gạo năm 2009 là hiện thực. Theo ông Dũng, ngoài sản lượng năm nay đạt cao, VN còn lượng gạo gối đầu từ năm 2008 và đặc biệt là cả nguồn gạo tạm nhập, tái xuất. Tuy nhiên, việc chọn thời điểm nào để đảm bảo lợi ích khi xuất khẩu, các doanh nghiệp cần tính toán kỹ trước khi đề xuất. Còn việc xuất khẩu 6 triệu tấn gạo năm nay, theo tính toán sơ bộ, không ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia và nhiều khả năng sẽ được chấp nhận.



Nguồn: Tuổi Trẻ Online
Báo cáo phân tích thị trường