Vùng rau màu mỡ xứ Đoài
Phương Đình có đồng đất rộng lớn ven sông Đáy, sông Hồng với diện tích đất nông nghiệp trên 300ha. Ông Phạm Văn Tuấn, Phó chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Phương Đình cho biết: Nông nghiệp chiếm 80% tỷ trọng kinh tế toàn xã, trong đó nguồn thu từ rau màu chiếm chủ yếu. Năm 2009, tổng thu cây rau màu đạt 13,2 tỷ đồng, cao gấp 3 lần giá trị nguồn thu từ cây lúa. Riêng vụ Đông năm 2009, tổng diện tích gieo trồng rau màu của Phương Đình đạt 281ha, trong đó cây rau, củ quả chiếm trên 70ha, còn lại là ngô, đậu tương.
Ông Tuấn cho biết thêm, cây rau đã được phát triển ở Phương Đình từ khá lâu, lại hợp với đồng đất màu mỡ nên đem lại thu nhập cao hơn lúa từ 1,5 – 3 lần. Do đó, xã cũng có chủ trương chuyển hướng sang trồng rau hàng hóa. Bước đệm cho chủ trương trên là năm 2007, Phương Đình được quy hoạch xây dựng vùng sản xuất RAT với mô hình thí điểm 35ha tập trung ở thôn La Thạch. Ngay sau khi có chủ trương, xã đã tiến hành công tác tuyên truyền, vận động bà con tham gia mô hình để đảm bảo chất lượng cho sản phẩm. HTX còn kết hợp với Trạm khuyến nông huyện Đan Phượng, các phòng ban để chuyển giao khoa học kỹ thuật và tổ chức hội nghị đầu bờ. Để khuyến khích bà con, Trạm khuyến nông Đan Phượng cũng tiến hành trồng thử nghiệm RAT trước, cho năng suất cao hơn so với trồng tự phát của bà con và so với cấy lúa. Bên cạnh đó, huyện Đan Phượng cũng cấp kinh phí đổ cột bê tông, xây dựng nhà lưới cho toàn bộ khu RAT. Đồng thời, bó vỉa đường ra vào khu trồng rau để phục vụ cho các loại xe vận chuyển dễ dàng.
Trung bình năng suất rau màu ở Phương Đình đạt 250 tạ/ha, cho thu nhập đạt 75 – 80 triệu đồng/ha. Sau khi chuyển đổi sang mô hình trồng RAT, thu nhập này còn cao hơn, đạt từ 90 – 100 triệu đồng/ha, trong đó một số loại rau cho giá trị kinh tế cao như: dưa chuột, đậu trạch, hành, tỏi… Cây dưa chuột tỏ ra đặc biệt thích hợp với đồng đất của Phương Đình, cho năng suất đạt 220 tạ/ha. Với giá bán hiện nay (5.000 đồng/kg) thì thu nhập từ dưa chuột là 10 triệu đồng/sào. Vụ Đông 2009, diện tích dưa chuột của xã đạt 12,58ha, cao nhất trong số các loại rau củ, tập trung chủ yếu ở 3 thôn: Cổ Thượng, Cổ Hạ, Trại Thón. Chị Nguyễn Thị Phúc, một người trồng dưa cho biết: “Trồng dưa chuột rất nhanh, chỉ trong vòng một tháng là cho thu hoạch. Hơn nữa thời gian thu hoạch kéo dài trong một tháng nữa. Nếu ruộng đủ ẩm, chăm sóc tốt thì năng suất rất cao”. Chị Phúc khoe, nhà chị trồng 2,5 sào dưa chuột, mỗi vụ cũng thu về trên 10 triệu đồng. Còn chị Nguyễn Thị Vững (thôn La Thạch) cho hay chị trồng2 sào đậu trạch, năng suất đạt 5 tạ/ha, giá bán hiện nay là khoảng 8.000 - 10.000 đồng/kg, có thể cho thu hoạch 4 – 5 triệu đồng/sào/vụ. Trừ tiền vốn đầu tư hết 1 triệu đồng/sào (tiền giống, cây que, phân bón) thì vẫn cao gấp 3 lần cấy lúa.
Cần bước đi chuyên nghiệp
Ông Phạm Văn Tuấn cho biết dự kiến sang năm tới Phương Đình sẽ mở rộng vùng sản xuất RAT lên tới trên 60ha, hình thành thêm các vùng chuyên canh rau. Mới đây, khu trồng RAT đã được đầu tư 35 giếng khoan để bà con chủ động tưới tiêu. Anh Nguyễn Văn Thạch, Tổ trưởng tổ điện của HTX cho biết, hiện tổ điện đang tiến hành kéo đường dây điện phục vụ cho khu RAT với đường trục chính gồm 10 cột, tổng kinh phí trên 30 triệu đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, theo nhận định của ông Tuấn, RAT Phương Đình vẫn sản xuất theo cách tự phát, tự túc là chủ yếu. Mặc dù bà con đã áp dụng các quy trình để sản xuất RAT, đảm bảo chất lượng cho sản phẩm rau. Nhưng do chưa có cơ chế đánh giá, kiểm định chất lượng sản phẩm để chứng nhận sản phẩm an toàn nên sản phẩm chủ yếu vẫn được nông dân tự túc mang ra bán tại các chợ, hoặc tư thương đến thu mua tại ruộng.
Trong khi diện tích trồng rau ngày càng nhiều, sản lượng rau ngày càng tăng nhưng lại chưa có một đầu mối chuyên thu mua sản phẩm cho bà con. Ông Tuấn nói: “Phải thừa nhận rằng công tác xây dựng thương hiệu cho sản phẩm RAT vẫn còn rất hạn chế. Nhất là với người nông dân, họ chưa thực sự hiểu hết về tầm quan trọng của thương hiệu hàng hóa trong sản xuất. Hơn nữa, HTX vẫn chủ yếu thiên về nông nghiệp chưa có dịch vụ gì nên càng gặp khó trong việc giúp bà con tiêu thụ sản phẩm”. HTX RAT Phương Đình đã tiến hành giới thiệu sản phẩm tới các cơ quan như: trường học, bệnh viện… nhưng còn yếu, do đó chưa có đầu ra ổn định cho sản phẩm. Ông Tuấn cho rằng, cần phải có bước đi chuyên nghiệp hơn để tạo đột phá cho cây rau Phương Đình. Bên cạnh đó, hệ thống thủy lợi chưa được đầu tư đúng mức, tình trạng ruộng đất manh mún cũng không tạo được thuận lợi cho công việc trồng trọt của bà con.