Lúa mỳ
Lúa mỳ đang là vấn đề nổi bật trên thị trường nông sản thế giới thời gian qua. Hiện Việt Nam cũng phải nhập lúa mỳ để làm thức ăn chăn nuôi cho nên nắm được thông tin tình hình biến động của giá lúa mỳ cũng giúp nông dân và các doanh nghiệp trong nước phần nào tính toán được chi phí đầu vào cho việc sản xuất. Giá lúa mỳ tăng nhanh trong suốt tháng 7 và đầu tháng 8 thậm chí đã đạt tới mức 8,41USD/bushel cho hợp đồng lúa mỳ giao tháng 9; 8,68USD/bushel đối với hợp đồng giao tháng 12 bắt đầu từ việc hạn hán nghiêm trọng ở khu vực biển đen. Thế giới mất đi nguồn cung khoảng 10 triệu tấn từ các quốc gia như Nga, Kazakhstan, Ukraine, Canada, Đức, Pháp, Hungary, Bulgaria hay Moroco. Sau đó là việc Nga cấm xuất khẩu lúa mỳ, ngô, lúa mạch và lúa mạch đen từ ngày 15/08/2010 đến 31/12/2010; tiếp theo ngày 18/08, Ukraine nước xuất khẩu lúa mạch lớn nhất thế giới và đứng thứ 6 về lúa mỳ cũng dự định sẽ giảm ½ lượng ngũ cốc xuất khẩu tức là sẽ chỉ xuất 2,5 triệu tấn ngũ cốc các loại cho đến cuối năm 2010. Trong khi các nhà nhập khẩu lại tăng cường gom hàng do lo ngại giá lúa mỳ còn tiếp tục lên cao chẳng hạn Ai Cập quốc gia nhập khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới vẫn đặt mức nhập khẩu là 6 triệu tấn.Tình hình tiếp tục diễn biến xấu đẩy giá lúa mỳ lên cao do thời tiết quá khắc nghiệt làm giảm 1 nửa sản lượng ngũ cốc thu hoạch được ở Tunisia từ 2,5 triệu tấn năm ngoái xuống còn 1,1 triệu tấn cho năm nay. Sau khi tăng mạnh thì giá lúa mỳ trên sàn giao dịch cũng đã hạ nhiệt được thể hiện trên biểu đồ sau.
|
|
Nguồn: CME Group
Đầu tuần 16/08 giá lúa mỳ giao tháng 9 trên sàn giao dịch Chicago đóng ở mức 6,63USD/bushel giảm 5,52% do các nhà đầu tư tiếp tục bán ra để thu lợi nhuận sau khi giá đã lên cao đỉnh điểm bởi tin cấm xuất khẩu lúa mỳ của chính phủ Nga. Đồng thời USDA cũng cho biết tình hình thu hoạch lúa mỳ tại Mỹ diễn ra bình thường: với lúa mỳ vụ xuân tình trạng tốt ở mức 82%, không thay đổi so với tuần trước còn lúa mỳ vụ đông là 91% tăng 4 điểm so với tuần trước. Ngày 17/08 giá tiếp tục giảm 1,92% so với ngày hôm trước với giá đóng cửa 6,51USD/bushel. Giá lúa mỳ không tiếp tục giảm mạnh như ngày hôm trước do thông tin lượng mưa dự báo tại Nga tăng lên. Tuy nhiên việc Nga không đảm bảo việc cung cấp các hợp đồng xuất khẩu ngũ cốc đã ký và Ai Cập thay thế những hợp đồng nhập khẩu của Nga từ nhiều nguồn khác nhau khiến giá lúa mỳ vẫn giữ đà giảm. Tuy nhiên sau đó giá lại tăng lên 6,56USD/bushel tăng 0,77% so với hôm trước trong ngày 18/08 và lên mức 6,81USD/bushel ngày 19/08 tăng 2,5% so với 18/08 cụ thể như sau
Đơn vị: cents/bushel
Ngày | Giá | % thay đổi | Khối lượng giao dịch |
19/08 | 681 | +2,52% | 24.935 |
18/08 | 656 | +0,77% | 22.493 |
17/08 | 651 | -1,92% | 41.916 |
16/08 | 663 | -5,51% | 53.329 |
13/08 | 702 | -1,47% | 40.717 |
Nguồn: CME Group.
Nhìn chung nếu không có những tin quan trọng khiến giá lúa mỳ lên cao hơn nữa thì nhiều khả năng giá lúa mỳ sẽ rơi nhanh do nông dân và các doanh nghiệp sẽ tìm nguồn thức ăn chăn nuôi khác thay thế cho lúa mỳ. Các nước sản xuất lúa mỳ cũng sẽ tăng cường trồng thêm lúa mỳ để tăng sản lượng trong thời gian tới.
Đậu tương
Đậu tương là mặt hàng thức ăn chăn nuôi quan trọng trên thế giới cũng như tại Việt Nam và mặc dù có trồng đậu tương nhưng Việt Nam vẫn phải nhập khẩu sản phẩm khô đậu tương và đậu tương để đáp ứng nhu cầu thức ăn chăn nuôi trong nước. Giá của đậu tương thế giới bị ảnh hưởng mạnh bới Hoa Kỳ là nước xuất khẩu đậu tương lớn nhất thế giới. Bảng giá hợp đồng tương lai cho đậu tương giao tháng 9 được niêm yết trên sàn giao dịch Chicago cho thấy tuần giao dịch này hết sức sôi động bắt đầu bằng phiên giảm giá ngày 16/07, tăng trong phiên ngày 17/08 và đến ngày 18/08 thì giá đậu tương giao dịch lại tiếp tục giảm. Giá đậu tương tiếp tục giảm ở đầu phiên giao dịch ngày 19/08 nhưng sau đó thì tăng lên nhưng việc bán ra hàng loạt đã làm giá đậu tương giao tháng 9 tiếp tục giảm. Tóm lại đến hết ngày 19/08 giá đậu tương giao tháng 9 trên sàn giao dịch Chicago đã giảm so với tuần trước với bảng diễn biến như sau.
Đơn vị: cents/bushel
Ngày | Giá | % thay đổi | Khối lượng giao dịch |
19/08/2010 | 1.016 | -1,79% | 7.807 |
18/08/2010 | 1.035 | -0,96% | 6.446 |
17/08/2010 | 1.045 | +1,09% | 8.048 |
16/08/2010 | 1.034 | -0.91% | 5.877 |
13/08/2010 | 1.043 | +1.71% | 6.509 |
Nguồn: CME group
Thị trường đậu tương biến động trong tuần như đã nêu là do một số nguyên nhân chính sau. Ngày 16/08 thông tin cho thấy lượng đậu tương để xuất khẩu của Mỹ là 13,481 triệu bushels, hơn 6,2 triệu bushels so với tuần trước đồng thời dự báo của USDA chỉ ra tình hình mùa vụ đậu tương của Mỹ ở mức khả quan khi 97% đã ra hoa. Như vậy nguồn cung đậu tương là khá dồi dào nên đã đẩy giá đậu tương giao tháng 9 đi xuống còn 10,34USD/bushel. Đến ngày 17/08 thì giá đậu tương lại gia tăng do thông tin về thời tiết nóng và khô hạn hơn điều kiện bình thường tại đông và đông bắc vành đai trồng ngũ cốc. Thêm vào đó các nhà xuất khẩu tiếp tục công bố việc xuất khẩu lên đến 110.000 triệu tấn cho mùa vụ 2010/11 vào sáng 17/08 đã đẩy giá giao dịch hợp đồng tương lai giao tháng 9 đậu tương lên khỏi đà giảm ngày hôm trước và đạt mức 10,45USD/bushel cao hơn cả mức giá kết thúc cuối tuần trước. Đến ngày 18/09 thì giá đậu tương lại quay đầu và giảm về sát mức giá của ngày đầu tuần là 10,35USD/bushel do những khảo sát mùa vụ tại khu vực Midwest với Indiana và Nebraska cho thấy năng suất thu hoạch đậu tương trong vụ mùa năm nay hết sức khả quan, mật độ hạt đậu đếm được cao hơn 3,6% so với năm ngoái. Ngày 19/08 thị trường diễn biến rất sôi động giảm ở đầu phiên sau đó tăng đến 10,43USD/bushel và đến giữa ngày giao dịch thì lại giảm xuống do nhiều thông tin trái chiều nhau diễn ra. Đó là hội chứng “SDS” (tên tiếng Anh Sudden Death Syndrome) đối với cây đậu tương diễn ra phổ biến trong vùng Iowa mà nguyên nhân là do những cơn mưa lớn và lụt cuối hè diễn ra trong năm nay tại Mỹ kết hợp với tin Trung Quốc tăng cường việc mua đậu tương lên tới 8.768.300 tấn hay khảo sát vụ mùa trong khu vực Midwest cho thấy năm nay thu hoạch sẽ cải thiện so với năm ngoái tại Iowa, Indiana và South Dakota.
Dựa trên những diễn biến trên thị trường cho thấy, giá đậu tương đã tăng liên tục từ tháng 7 đến nay và đạt mức cao nên nếu không có tin tức gì đặc biệt xấu trên thị trường thì khó có khả năng giá tăng đột biến và liên tục cho những tuần cuối tháng 8. Hơn nữa các nước Nam Mỹ khu vực có điều kiện thuận lợi để trồng trọt đậu tương do thấy được tiềm năng kinh doanh của ngành này cũng đã tích cực đầu tư và đẩy mạnh bán hàng để cạnh tranh với đậu tương Hoa Kỳ. Theo ước tính của Celeres thì người trồng đậu tương ở Brazil mới bán khoảng 57% sản lượng thu hoạch so với mức 65% cùng thời điểm năm ngoái. Paraguay cũng tiếp nối 2 đại gia trên thị trường đậu tương ở Nam Mỹ là Brazil và Argentina bằng việc trở thành nước có tốc độ phát triển trồng trọt đậu tương nhanh nhất thế giới. Với một số lượng hàng dự trữ dồi dào trong tay các nông dân Nam Mỹ cũng như triển vọng thu hoạch tốt ở Hoa Kỳ, cung về đậu tương là rất lớn nên có khả năng kéo giá đậu tương đi xuống trong tháng 9. Sản phẩm khô đậu tương được sản xuất từ đậu tương nên giá hợp đồng khô đậu tương giao tháng 9 trên sàn Chicago cũng biến động cùng hướng với sản phẩm đậu tương và dừng ở mức 302,5 USD/short ton (1 short ton = 907,18kg) vào cuối phiên giao dịch 19/08 theo giờ Mỹ giảm 1,59% so với ngày giao dịch trước.
|
|
Nguồn: CME Group.
Trích nội dung bản tin Thị trường Nông sản & Hội nhập