Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hái cà phê còn xanh, thiệt hại hơn nửa tỉ USD
11 | 11 | 2010
Với việc có đến 80% doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hiện nay có yếu tố nhà nước nắm giữ vốn, thì giải pháp nâng chất lượng cà phê để ngã giá không phải là quá khó.

Những ngày qua, giá cà phê nhân xô ở một số tỉnh Tây Nguyên đã tăng khá mạnh, lên mức gần 35.000 đồng/kg, cao nhất trong vòng hai năm qua. Giá cà phê robusta xuất khẩu cũng tăng lên mức 1.945 USD/tấn (giá FOB)….

Nếu hái cà phê chín, sẽ giảm thất thoát hàng trăm triệu USD

Tuy nhiên, mối quan tâm xung quanh mặt hàng cà phê lúc này không chỉ có giá cao hay thấp, mà còn liên quan đến chất lượng, giá trị so sánh giữa cà phê Việt Nam với các nước. Từ trước đến nay, giá cà phê Việt Nam luôn thấp hơn của Ấn Độ, Brazil, Colombia… một bậc. Trong tư duy doanh nghiệp, người trồng cà phê luôn chấp nhận thực tế sản xuất ra cà phê chất lượng kém chứ ít ai chịu thay đổi. Tại sao lại xảy ra tình trạng như vậy?

Thu mua đánh đồng tốt - xấu

Hầu hết nông dân trồng cà phê có thói quen hái cà phê từ lúc còn xanh. Tỷ lệ quả chín chỉ đạt tối đa 80%, thậm chí có nhà vườn hái quả xanh tỷ lệ 30%. Bộ NN&PTNT tính toán: Thói quen hái cà phê xanh thay vì đợi đến lúc chín hẳn của nông dân làm thất thoát 30% sản lượng mỗi năm, tương đương trên 300.000 tấn, tức khoảng 540 triệu USD nếu tính giá xuất khẩu trung bình 1.800 USD/tấn như hiện nay. Một cách tính thiệt hại đơn giản hơn, đó là nếu nông dân hái 1.100 quả cà phê xanh thì chế biến ra 1kg cà phê nhân, nhưng để chín thì sẽ cho ra 1,45kg.

Câu hỏi đặt ra là có phải nông dân thích hái cà phê xanh? Xin trả lời ngay là họ không bao giờ thích như vậy. Ở đây, chính cách thức thích mua cà phê xô, giá đánh đồng tốt xấu như hiện nay của doanh nghiệp là nguyên nhân tạo ra thói quen cho nông dân chứ không ai khác. Trong một cuộc họp về xuất khẩu cà phê mới đây, ông Nguyễn Văn Sinh, phó giám đốc sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk lên án việc doanh nghiệp thường mua cà phê xanh chín lẫn lộn với mức giá thấp chứ không trả tiền cao để mua quả chín, có chất lượng. Mua theo cách này, nông dân sẽ phải lựa chọn hoặc là hái hết quả chín lẫn lộn (chi phí nhân công thấp) hoặc chỉ chọn quả chín để hái (chi phí nhân công cao).

“Trong khi tiền nhân công hái cà phê hiện nay quá cao, nếu yêu cầu người làm thuê chọn quả chín hái thì mỗi ngày được 50 kg, còn hái xanh là 200 kg. Tội gì người trồng phải hái trái chín”, ông Sinh đặt vấn đề.

Như vậy, doanh nghiệp mua xô thì nông dân trút hết cả quả xanh. Nếu doanh nghiệp yêu cầu hái chín, trả tiền cao hơn để có sản phẩm cà phê chất lượng thì họ sẵn sàng từ bỏ thói quen hái cà phê xanh.

Thật ra, hơn 150 doanh nghiệp kinh doanh cà phê hiện nay sở dĩ phải dễ dãi trong mua cà phê nguyên liệu là vì đầu ra phụ thuộc hoàn toàn vào các tập đoàn nước ngoài. Tại sao cũng là mặt hàng cà phê, nhưng của Ấn Độ, Brazil, Colombia hay như Indonesia, chất lượng và giá lại cao hơn một bậc so với Việt Nam và được nhà nhập khẩu chấp nhận và đặt ra yêu cầu khắt khe? Còn cà phê Việt Nam họ lại thích mua xô, giá thấp? Giám đốc một doanh nghiệp thừa nhận, do ngay từ đầu cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam dễ dãi quá, cạnh tranh bán bằng mọi giá nên bị khách hàng ép. “Họ mua cà phê chất lượng thấp, giá rẻ của Việt Nam, đưa về trộn với cà phê chất lượng của các nước để chế biến”, vị này phân tích.

Doanh nghiệp có thể quyết định giá thị trường

Với việc có đến 80% doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hiện nay có yếu tố nhà nước nắm giữ vốn, thì giải pháp nâng chất lượng cà phê để ngã giá sòng phẳng với nhà nhập khẩu không phải là quá khó. Thay vì đầu tư ồ ạt vào xây dựng nhà máy chế biến, doanh nghiệp cần rót vốn, cùng nông dân thiết lập ra quy trình sản xuất, chăm sóc, hái cà phê chín và các khâu công nghệ sau thu hoạch (phơi, sấy, sơ chế) đi kèm. Nếu cải thiện được chất lượng thì với thị phần nắm giữ tới 40% chủng loại cà phê robusta của thế giới, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể quyết định giá trên thị trường.

Ông Nguyễn Nam Hải, tổng giám đốc Cafecontrol cũng khẳng định, hạn chế lớn nhất của ngành cà phê hiện nay là hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu không chịu đầu tư vào vùng nguyên liệu, không xây dựng hệ thống thu mua đến tận nông dân, không quan tâm đến công đoạn sau thu hoạch. Trong khi đó, chất lượng cà phê lại phụ thuộc hoàn toàn vào các khâu này, còn chế biến chỉ là công đoạn cuối cùng, không có đóng góp nhiều vào nâng cao chất lượng cũng như giá trị.



Theo SGTT
Báo cáo phân tích thị trường