Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hoãn mua tạm trữ để... cắt lỗ?
16 | 07 | 2011
Theo một số chuyên gia, kế hoạch mua tạm trữ 1 triệu tấn gại từ giữa tháng 7 là động thái nhằm “đè” giá lúa gạo nội địa, giúp các doanh nghiệp... bớt lỗ.

Xuất nhiều, lỗ nhiều!

Theo Trung tâm Tin học - Thống kê (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), chỉ tính trong năm tháng đầu năm, khách hàng lớn của Việt Nam là Philippines đã giảm lượng mua đến hai phần ba, tức chỉ mua của Việt Nam gần 461.000 tấn gạo. Tuy nhiên, theo VFA, tính đến ngày 7-7, lũy kế gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn đạt 4,018 triệu tấn, khá khả quan. Theo báo cáo, đó là nhờ các doanh nghiệp Việt Nam tìm được đầu ra mới tại Indonesia, Trung Quốc...

Nhưng theo một số chuyên gia, chính động thái phân tán các hợp đồng như vậy đã “giết” chính các doanh nghiệp Việt Nam. Cụ thể, như Philippines, với chủ trương giao cho tư nhân tham gia đấu thầu mua gạo, nên các nhà nhập khẩu tư nhân ở nước này đã tự sang Việt Nam tìm kiếm mối hàng. “Thậm chí, có trường hợp khách nước ngoài chỉ mua 1.000 tấn, nhưng họ đặt hàng và gom từ... 20 doanh nghiệp Việt Nam. Mục đích là để so đọ, ép giá. Và nhiều doanh nghiệp nhỏ, vì muốn có doanh số, có hợp đồng xuất hàng đã rơi vào bẫy”, một chuyên gia về gạo cho biết. Và những hợp đồng ký không có trật tự như vậy đã hại chính doanh nghiệp. Họ ký giá thấp, sau đó lúa, gạo nguyên liệu trong nước tăng giá. Hậu quả thì không cần phải nói.

Có thể minh chứng một chi tiết nhỏ. Đó là tính đến ngày 7-7, giá gạo xuất khẩu bình quân từ đầu năm đến nay là hơn 471 đô la Mỹ/tấn. Nhưng nếu chỉ tính các hợp đồng đã giao hàng trong tháng 6, giá bình quân chỉ là 467 đô la Mỹ/tấn. Còn từ đầu tháng 7 đến nay, giá chỉ còn 463 đô la Mỹ/tấn... Cứ giảm dần!

Một nguyên nhân quan trọng khác là vừa qua, nhiều doanh nghiệp đã phán đoán sai thị trường. Nhiều doanh nghiệp đổ xô ký hợp đồng xuất khẩu khi lúa vụ đông xuân vẫn chưa thu hoạch. Để hợp đồng xuất được VFA thông qua, một số doanh nghiệp chứng minh bằng chứng từ đã chuyển tiền mua lúa, gạo cho các doanh nghiệp vệ tinh. Đồng thời, từ đó tự quy ra lượng gạo đang tồn kho - dù thực tế mới chuyển tiền chứ chưa mua lúa, gạo từ nông dân. Và gần đến hạn giao hàng, nhiều doanh nghiệp mới nháo nhào mua gom, tạo “cầu” nóng, dẫn đến giá lúa gạo nguyên liệu cứ tăng dần.

Hồi đầu năm, giá lúa khô chỉ khoảng 5.500 đồng/ki lô gam, sau đó cứ tăng dần và hiện đang ở mức 6.200- 6.400 đồng/ki lô gam. Giá xuất khẩu thì ngày một giảm, còn giá nguyên liệu lại đi theo chiều ngược lại, nên doanh nghiệp “chết” là phải. Giám đốc một công ty xuất khẩu gạo ở Đồng Tháp cho biết: “Như ở huyện Lấp Vò (nơi có khá nhiều doanh nghiệp kinh doanh gạo đang hoạt động - PV), từ đầu năm đến nay, chỉ một vài doanh nghiệp tạm khỏe nhờ... hòa vốn, còn lại lỗ... te tua”.

Nông dân cũng đừng rơi vào bẫy?

Nhiều doanh nghiệp dự đoán, khoảng mười ngày nữa, tác dụng của “liều thuốc” hoãn mua tạm trữ mà VFA đưa ra sẽ bắt đầu phát huy tác dụng và giá lúa sẽ giảm mạnh. Nguyên nhân chủ quan còn do vụ hè thu này, nông dân trồng nhiều lúa IR 50404, nên doanh nghiệp cũng có cớ chê bai, hạ giá và ảnh hưởng đến mặt bằng giá chung. Bởi theo quy luật, lúa IR 50404 trong vụ hè thu có chất lượng khá kém. Nhưng nếu giá lúa hạ, xét về khách quan, âu cũng là phù hợp với dự báo thị trường. Bởi vụ lúa mì năm nay (chuẩn bị thu hoạch) của châu Âu dự đoán sẽ được mùa. Và sản lượng lúa mì dồi dào sẽ tạo áp lực giảm giá trong một thời gian ngắn đối với gạo xuất khẩu của Việt Nam, Thái Lan...

Nhưng nếu xét về dài hạn, cụ thể là đến cuối năm 2011, nông dân vẫn nên yên tâm. Bởi theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2011-2012 chỉ đạt 456,4 triệu tấn, giảm 1,5 triệu tấn so với dự báo trước đó, do khô hạn tại Trung Quốc, lũ lụt ở Mỹ... Trong khi cũng niên vụ này, dự báo nhu cầu tiêu thụ toàn cầu vẫn ở mức 458 triệu tấn. Và kể từ đầu tháng 6, một số loại gạo cao cấp xuất khẩu cũng đã có dấu hiệu tăng giá...

Do đó, theo dự báo, nếu giá lúa gạo trong nước có giảm trong những ngày tới, thì nếu có điều kiện nông dân cũng không nên bán lúa vội. Bởi sau hai tháng nữa, có thể thị trường lúa gạo sẽ khởi sắc trở lại. Tất nhiên, nếu giá lúa đứng ở mức 6.000 đồng/ki lô gam (giảm khoảng 400 đồng/ki lô gam so với hiện nay) là phù hợp, đảm bảo doanh nghiệp và nông dân đều có lợi.

Và để chấn chỉnh tình trạng doanh nghiệp tự hại mình, một chuyên gia về gạo đề xuất, cần rà soát lại tính chính xác của các báo cáo về lượng gạo tồn kho. Bởi nếu buông lỏng khâu này, dễ tạo sức ép về cầu trong một số thời điểm, đồng thời cũng để doanh nghiệp “cứng rắn” hơn khi quyết giá các hợp đồng xuất khẩu, một khi lúa gạo đã có sẵn trong kho và định được giá vốn.

Theo TBKTSG



Báo cáo phân tích thị trường