Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Làm gì để kiểm soát giá thức ăn chăn nuôi?
29 | 06 | 2011
AGROINFO - Chưa bao giờ vấn đề ổn định giá TACN giúp bình ổn giá gia súc, gia cầm trên thị trường và giúp nhà nông bớt khó khăn lại được đặt ra bức xúc như hiện nay.
5 tháng, 7 lần tăng giá
Những ngày cuối tháng 5, người chăn nuôi lại tiếp tục choáng váng với đợt tăng giá TACN mới. Thông báo mới nhất từ các đại gia trong ngành sản xuất TACN như: Proconco, Cargill, CP… giá các loại sản phẩm sẽ tăng thêm, với mức dao động từ 150 – 250 đồng/kg và đây là lần tăng giá thứ 7 kể từ đầu năm đến nay. Như vậy, với đợt tăng mới nhất này, giá TACN đã được đẩy lên mức cao ngất ngưỡng, khoảng 10.000 – 12.000 đồng/kg tùy loại, tăng hơn 30% so với cùng kỳ. Riêng các thương hiệu Dr Dupak, Dachai... giành cho cút, gà, heo… đang được người chăn nuôi ưa chuộng trên thị trường hiện nay, sau một thời gian kiềm giá cũng đã bắt đầu tăng.
Anh Lê Văn Hải, một nông dân nuôi cá tra ở huyện Cai Lậy (Tiền Giang) than thở: “Chưa bao giờ giá TACN tăng cao như hiện nay. Tuy có chút lợi thế hơn so với gia súc, gia cầm khi giá thủy sản, đặc biệt là cá tra đang cao, nhưng với tình hình giá thức ăn cứ tăng vùn vụt thì nhà nông chúng tôi cũng chẳng có lời là bao. Giá cá đang cao nhưng rất bấp bênh, trong khi giá TACN thì tăng và ít bao giờ giảm đang làm cho chúng tôi ngại ngần trong việc phát triển ao nuôi, chuồng trại”. Chiếm tới 75% giá thành của nguồn thực phẩm, theo các chuyên gia trong ngành, giá TACN quyết định đầu ra của vật nuôi cũng như lợi nhuận của nhà nông. Qua khảo sát cho thấy, hiện giá thịt lợn dao động từ 4.500.000 - 4.800.000 đồng/ tạ, đây là mức kỷ lục, nhưng thực tế số lượng đàn lợn không tăng mà còn giảm nhiều vì thực tế không ít hộ dân vẫn đang e ngại không dám nuôi do giá TACN quá cao.
Là địa phương trọng điểm về chăn nuôi cút của tỉnh Phú Yên, xã Hòa Hiệp Bắc thuộc huyện Đông Hòa có gần 200 hộ chuyên nuôi chim cút gia công. Hiện nhiều hộ đang lo ngay ngáy vì giá TACN vẫn chưa có dấu hiệu ngừng “nhảy múa”. Anh Đặng Ngọc Hoàng cho hay: “Đã quen với việc nuôi chim cút nên bây giờ tôi rất khó chuyển sang mô hình làm ăn khác. Mặc dù tôi và các hộ dân khác đã quan tâm nhiều hơn đến chất lượng con giống, an toàn vệ sinh chuồng trại… nhưng nếu giá TACN cứ tăng liên tục như thế này chắc tôi phải đóng trại chuyển sang ngành nghề khác”.
Khó kiểm soát giá
Theo Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi, Việt Nam đang phải nhập khẩu từ 20 - 25% nguyên liệu giàu năng lượng, 65 - 70% nguyên liệu giàu đạm và 85 - 90% thức ăn bổ sung để sản xuất các loại TACN.
Cụ thể, hiện các doanh nghiệp đang phải nhập khẩu tới 80% nguyên liệu, trong đó đậu tương, khô dầu nhập 90 - 95%; chất khoáng, vitamin, tạo mùi nhập 100%; ngô hơn 50%... Ngay đầu năm 2011, nguồn cung nguyên liệu khan hiếm trong khi nhu cầu tăng vọt đã đẩy giá nhập khẩu tăng chóng mặt. “Dự kiến năm 2011, Việt Nam phải nhập khẩu 8,5 - 9 triệu tấn nguyên liệu, mất 3,2 - 3,4 tỷ USD cho 241 nhà máy thức ăn chăn nuôi trên cả nước, trong đó vẫn tập trung ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”, ông Lê Bá Lịch – Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi cho biết. Theo khảo sát của ngành nông nghiệp, hiện thị trường TACN với gần 95% tập trung vào các doanh nghiệp tư nhân hoặc 100% vốn đầu tư nước ngoài. Do lợi nhuận trong kinh doanh, các doanh nghiệp phải cân đối giữa giá nguyên liệu đầu vào và đầu ra thành phẩm nên việc can thiệp bắt buộc họ giảm giá bán là điều khó. Quy luật trong sản xuất kinh doanh, khi giá thành tăng thì buộc phải tăng giá bán ra thị trường. Tuy nhiên theo ông Lịch, nếu giá TACN cứ tăng mãi thì người chăn nuôi sẽ không thể nuôi nữa, từ đó ảnh hưởng dây chuyền đến sản xuất của các doanh nghiệp và thị trường thịt gia súc, gia cầm.
Cấp bách bình ổn giá
Tuy nhiên thị phần TACN hầu hết nằm trong tay các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó tập trung ở các doanh nghiệp như: Cargill, CP, ANT… Các doanh nghiệp trên đã bỏ vốn đầu tư xây dựng nhà máy, chủ động nhập khẩu hầu hết các nguyên liệu đầu vào để sản xuất và cung cấp TACN. “Chính sự độc tôn sản phẩm của các doanh nghiệp nước ngoài hoặc liên doanh, cộng với sự thiếu vắng sản phẩm của những đơn vị trong nước đã khiến thị trường ít có tính cạnh tranh và giá cả do một nhóm nhỏ doanh nghiệp quyết định”, ông Trần Nguyễn Hồ - chủ một trang trại nuôi gia cầm tại huyện Châu Thành, Tiền Giang, nhận xét.
Chưa bao giờ việc hạn chế tác động quay vòng giá đẩy giá, kiểm soát chi phí đầu vào, hạn chế sự tăng giá bất hợp lý lại được đặt ra bức thiết như hiện nay. Tại thời điểm này, giá nhiều mặt hàng nguyên liệu TACN đã giảm, nhưng giá thành phẩm vẫn chưa hạ nhiệt tương ứng, mà vẫn tăng giá. Theo ông Lịch, trong trường hợp này, các ngành như tài chính, nông nghiệp… cần vào cuộc để kiểm tra các yếu tố cấu thành giá, có biện pháp điều chỉnh, xử lý kịp thời. “Trong lúc chờ đợi chính bản thân doanh nghiệp chế biến TACN tự giác thực hiện bình ổn giá, thì các ngành chức năng cần có những biện pháp căn cơ, chiến lược thực hiện bằng được việc bình ổn giá. Vì đây là việc làm đúng đắn, không chỉ bảo vệ quyền lợi cho nông dân mà còn giúp môi trường kinh doanh TACN của Việt Nam phát triển bền vững”- ông Lịch cho biết.

Theo Báo Tin tức



Báo cáo phân tích thị trường