Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
“Vua nuôi heo” Phạm Đức Bình: “Phải đóng tàu lớn để ra biển!”
11 | 07 | 2007
VN trở thành thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), với người chăn nuôi ở VN, vui lắm nhưng cũng lo lắm. Mời bạn hãy lắng nghe những tâm sự của ông Phạm Đức Bình ở Đồng Nai, người được gọi là “vua nuôi heo” ở VN.

* Là một người chăn nuôi, ông có suy nghĩ gì trước sự kiện VN gia nhập WTO?

- Ông Phạm Đức Bình: Cũng như bất cứ người dân VN nào, tôi rất vui mừng trước sự kiện trọng đại này. Thời cơ hay vận hội thì tôi không dám lạm bàn, hãy để các chuyên gia kinh tế nói. Là một người chăn nuôi, tôi đã suy nghĩ rất nhiều và cảm thấy rất lo cho tương lai của người chăn nuôi, trong đó có bản thân tôi.

Trong ba năm gần đây, ngành chăn nuôi gà và heo liên tục đối phó với dịch bệnh, hết cúm gà đến lở mồm long móng, nhưng đến nay chúng ta vẫn chưa có cách gì để “sống chung” với nó. Hậu quả là người tiêu dùng VN hiện nay phải ăn gà với giá “trên trời”, thậm chí ăn gà nhập.

Còn người chăn nuôi heo đang có nguy cơ phá sản hàng loạt do giá heo bán ra luôn thấp hơn giá thành 25-30%. Chỉ cần 3-4 đợt chăn nuôi, mỗi đợt lỗ 25-30% là trắng tay. Giới chăn nuôi heo hiện thường nói với nhau rằng: con heo không ăn cám nữa mà đang ăn... đất! Bởi nhiều người bán cả đất để trả nợ vì lỡ đầu tư chăn nuôi heo.

Nhưng điều đáng lo hơn: khi đã là thành viên WTO, gà từ Thái Lan và heo từ Trung Quốc chắc chắn sẽ tràn vào VN. Thái Lan cũng bị dịch cúm gia cầm nhưng họ đã biết cách “sống chung” với nó, sản phẩm gà của họ vẫn xuất đi châu Âu và Nhật Bản nên cũng sẽ vào được VN.

Với giá thành sản xuất rất rẻ, chỉ 0,8-1 USD/kg gà, vùng chăn nuôi tập trung tại đông bắc Thái Lan lại chỉ cách TP.HCM 500-600km, gà Thái Lan sẽ dễ dàng vào chiếm lĩnh thị trường này. Còn Trung Quốc, quốc gia chiếm hơn 60% nghề chăn nuôi heo trên thế giới, chắc chắn là mối đe dọa rất lớn đến ngành chăn nuôi heo miền Bắc, đặc biệt là khu vực Hà Nội. Và hậu quả mà giới chăn nuôi chúng tôi dự báo là một khi ngành chăn nuôi VN “chết”, rất nhiều ngành khác trong lĩnh vực nông nghiệp cũng sẽ khó “sống”.

* Nói như vậy thì hóa ra người chăn nuôi như ông không mong mở cửa thị trường?

- Sao lại không? Vấn đề là chúng ta nắm bắt nó như thế nào, có tận dụng được cơ hội hay không mà thôi. Như tôi đã nói, nhiều người chăn nuôi heo đang có nguy cơ phá sản, nhưng hầu hết là những người chăn nuôi nhỏ lẻ. Đây là nỗi đau, nhưng phải chấp nhận để tái cấu trúc ngành chăn nuôi theo hướng tập trung, mở rộng qui mô trang trại và thật sự công nghiệp.

Hiện nay chăn nuôi heo nhỏ lẻ chiếm đến khoảng 90% ở phía Nam, 97% ở phía Bắc. Hạn chế lớn nhất của hình thức chăn nuôi này là làm theo phong trào, không kiểm soát được cung cầu thị trường. Khi giá thị trường xuống, hầu hết người chăn nuôi nhỏ đều có tâm lý chờ với hi vọng giá sẽ tăng lên mà không có biện pháp đối phó, trong khi càng giữ đàn heo thì chi phí càng tăng. Chẳng hạn trong năm nay, hết dịch lở mồm long móng đến nhuận hai tháng bảy (nhiều người ăn chay); rồi lũ lụt miền Trung, giá heo cứ nằm ở mức thấp, ai giữ lại càng lâu thì càng thua lỗ.

Theo ông Phạm Đức Bình, tổng số heo cả nước hiện nay vào khoảng 27 triệu con, nhưng dân trong nghề cho rằng hiện nay chỉ có 30% trong số đó là “heo” được nuôi từ con giống chất lượng cao, 70% còn lại (20 triệu con) chỉ là “lợn” - loại heo từ giống trong nước có chất lượng và giá trị thấp.

Một con “heo” giống 20kg bán với giá thấp nhất 500.000 đồng và cao nhất lên đến 800.000 đồng; trong khi môt ổ “lợn” 10 con cũng chỉ bán được 500.000 đồng!

Vì vậy, 20 triệu con “lợn” chỉ bằng 2 triệu con “heo”! Như vậy tổng đàn heo cả nước xét về mặt giá trị chỉ có khoảng 9 triệu con, trong khi chi phí bỏ ra để nuôi đến 27 triệu con nên hiệu quả thấp là điều không thể tránh khỏi.

Tại các nước có ngành chăn nuôi phát triển như Đan Mạch chẳng hạn, chăn nuôi heo được tổ chức theo hình thức “kinh tế tập thể” bậc cao, hiệp hội sẽ cấp hạn ngạch cho người chăn nuôi. Khi cung vượt cầu, hạn ngạch sẽ được cắt giảm và ngược lại. Nếu tổ chức chăn nuôi theo hướng này, ngành chăn nuôi mới có thể phát triển bền vững, không để xảy ra hiện tượng cùng làm chăn nuôi mà “niềm vui của người này là nỗi buồn của người khác”. Nói nôm na là đi ra biển phải đóng tàu lớn thôi!

* Ông có tin là người chăn nuôi ở VN sẽ làm được điều đó?

- Tin chứ! Sở dĩ thời gian qua hoạt động chăn nuôi chuyên nghiệp không phát triển vì tất cả người chăn nuôi, từ chăn nuôi nhỏ lẻ đến chăn nuôi lớn, đều được đánh giá “cá mè một lứa”, người có tiền không dám đầu tư. Người nuôi 1 triệu con gà cũng bị đối xử như người nuôi 1.000-2.000 con gà; hay như chuyện “đóng cửa” thị trường gia súc Lâm Đồng khi địa phương này xảy ra dịch lở mồm long móng, không phân biệt người nào làm tốt và người nào làm xấu.

Trên thực tế, những người chăn nuôi lớn đều tổ chức tiêm phòng, kiểm soát dịch bệnh rất nghiêm ngặt. Hơn nữa, họ đều có thương hiệu nên phải giữ uy tín. Lẽ ra cơ quan chức năng cần phân loại, thậm chí cấp chứng chỉ (cấp I, II, III...) cho từng loại trại, rồi tùy theo cấp độ đó mà kiểm soát khi xảy ra dịch bệnh. Trại chăn nuôi lớn sẽ được miễn một số thủ tục kiểm tra, nếu bất ngờ phát hiện sai phạm có thể xử lý thật nặng, thậm chí buộc đóng cửa. Giải quyết được khúc mắc này, người có tiền sẵn sàng đầu tư lớn vào chăn nuôi.

Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa các nhà sản xuất thức ăn gia súc với người chăn nuôi cũng cần được thay đổi để hạ giá thành, cạnh tranh giá bán. Thay vì mua từng bao cám về trộn, một trang trại chăn nuôi lớn có thể đem công thức đến nhà máy, với yêu cầu số lượng cụ thể, nhà máy có thể sản xuất theo công thức này, giao cho nhà chăn nuôi chở về. Thay vì ăn “cơm tiệm” giá đắt như hiện nay, con heo có thể ăn “cơm nhà” theo hình thức này để giảm giá thành.

* Theo ông, ngành chăn nuôi VN cần phải làm gì để thật sự phát triển bền vững và lâu dài?

- Ngành chăn nuôi phải đảm bảo được năm yếu tố căn bản, đó là chuồng trại, kỹ thuật, thức ăn, hệ thống giết mổ và thị trường tiêu thụ, tất cả đều phải được tổ chức tốt. Điều này đòi hỏi phải có thời gian, nhưng chậm còn hơn không bao giờ. Điều tôi rất bức xúc là chuyện con giống.

Tại sao chúng ta không lập ra các trung tâm triển lãm, chọn ra những con giống tốt nhất đưa về làm giống gốc, những trại có con giống nào loại tốt thì tập trung phát triển để cung cấp cho người chăn nuôi? Không một nhà sản xuất giống tư nhân nào đòi hỏi sự hỗ trợ, nhưng họ yêu cầu phải có sự công bằng trong cạnh tranh, mỗi người phải tự đi trên đôi chân của mình, không thể duy trì chuyện hỗ trợ các địa phương làm giống như hiện nay.

Năm 1988, kế nghiệp cha - “vua nuôi heo” Phạm Văn Quát - với đàn heo ban đầu 800 con, Phạm Đức Bình bắt đầu mở rộng qui mô, nâng đàn heo lên 20.000 con ở trang trại 12ha tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai.

Hiện nay, “vua nuôi heo” Phạm Đức Bình chuyển hẳn sang sản xuất heo giống, với đàn giống lên đến 1.500 con. 



HẢI ĐĂNG thực hiện
Báo cáo phân tích thị trường