* Thị trường thịt gia súc
- Thịt bò
Theo USDA, nguồn cung thịt bò thế giới năm 2007 sẽ tiếp tục bị thắt chặt bởi ảnh hưởng tiêu cực từ những hạn chế mậu dịch liên quan tới bệnh bò điên (BSE) và lở mồm long móng (FMD). Mặc dù vậy, tổng xuất khẩu thịt bò của các thị trường chính năm 2007 dự đoán vẫn tăng trên 6% do ngành chăn nuôi bò không chịu tác động mạnh từ các dịch bệnh này (Argentina, Australia, Ấn Độ, New Zealand) và sản xuất đang dần hồi phục trở lại sau thời gian bị hạn chế về mậu dịch liên quan đến dịch bệnh (Brazil, Mỹ). Hiện nay, ngành thịt bò Canada và Mỹ vẫn chưa giành lại được hết thị phần đã mất tại các thị trường do ảnh hưởng của bệnh BSE. Năm 2007, xuất khẩu thịt bò của Canada và Mỹ dự đoán giảm lần lượt 28% và 39% so với năm 2002. Tuy nhiên, xuất khẩu thịt bò của Mỹ đang trên đà hồi phục và năm 2007 có thể tăng 30% so với năm 2006, đạt 680.000 tấn.
Sản xuất và tiêu thụ thịt bò tại các thị trường chính trên thế giới năm 2007 dự đoán tăng trên 2%, trong đó tăng trưởng mạnh nhất phải kể đến Trung Quốc, Brazil và Mỹ. Kể từ năm 2002, sản lượng thịt bò của Trung Quốc luôn đạt mức tăng trưởng bình quân hàng năm 5-7% và dự báo trong năm 2007 sẽ tiếp tục tăng trên 5% nhờ số lượng đàn gia súc và nhu cầu tiêu thụ nội địa mặt hàng này đều gia tăng. Cũng nhờ nhu cầu tiêu thụ tại thị trường nội địa gia tăng và việc nhiều nước nhập khẩu dỡ bỏ từng phần hoặc toàn bộ lệnh cấm nhập khẩu, sản lượng thịt bò của Brazil năm 2007 dự đoán tăng 3%. Cho dù đang phải nỗ lực chống lại dịch bệnh FMD, số lượng đàn bò của Brazil năm 2007 dự đoán vẫn tăng 4% nhờ sự gia tăng đầu tư vốn và cải thiện phương pháp chăn nuôi.
+ Brazil
Năm 2007, xuất khẩu thịt bò của Brazil dự đoán tăng 2% do nhiều thị trường đã dỡ bỏ từng phần hoặc toàn bộ lệnh cấm nhập khẩu mặt hàng này từ Brazil bởi dịch bệnh FMD. Trong nửa đầu năm 2006, xuất khẩu thịt bò của Brazil sang các thị trường chính như Nga, Chilê và Liên minh Châu Âu (EU) đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, tổng xuất khẩu thịt bò của Brazil trong thời gian trên nhìn chung vẫn ổn định nhờ sự gia tăng xuất khẩu mặt hàng này sang các thị trường khác như Ai Cập, Arập Xêút và Israel. Theo nhận định của USDA, trong nửa cuối năm 2006 và cả năm 2007, ngành thịt bò Brazil sẽ hướng tập trung vào các thị trường mới và nhỏ hơn.
+ Nhật Bản
Nhập khẩu thịt bò của Nhật Bản năm 2007 dự đoán tăng trên 10%. Năm 2006, nhập khẩu thịt bò của Nhật Bản có thể giảm 1% do giá cả tăng cao đã ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu tiêu thụ nội địa. Tuy nhiên, việc nối lại nhập khẩu thịt bò Mỹ đã kìm hãm phần nào sự gia tăng của giá thịt bò tại Nhật Bản và được coi là yếu tố kích thích nhu cầu tiêu thụ nội địa tăng lên trong năm tới.
- Thịt lợn
Sản lượng thịt lợn của các thị trường chính trên thế giới năm 2007 dự đoán tăng gần 4%, đạt trên 103 triệu tấn, trong đó Trung Quốc- nước chiếm hơn một nửa sản lượng trên - đóng góp 77% vào sự gia tăng này. Nhờ xuất khẩu của Mỹ và Brazil gia tăng, xuất khẩu thịt lợn tại các thị trường chủ chốt năm 2007 có thể tăng gần 3%, đạt 5,3 triệu tấn.
+ Trung Quốc
Sản lượng và tiêu thụ thịt lợn của Trung Quốc dự đoán tăng đều tăng trên 5% trong năm 2007, lần lượt đạt mức kỷ lục gần 55,8 triệu tấn và 55,3 triệu tấn. Tốc độ tăng trưởng sản lượng thịt lợn năm 2006 và 2007 của Trung Quốc có thể thấp hơn so với các năm gần đây do giá cả mặt hàng này suy giảm. Tuy nhiên, tiêu thụ thịt lợn tại thị trường nội địa nước này được dự báo sẽ tiếp tục tăng lên khi dịch cúm gia cầm khiến cho nhu cầu sử dụng mặt hàng thay thế cho thịt gia cầm của người dân ngày càng cao.
+ Nhật Bản
Nhập khẩu thịt lợn của Nhật Bản năm 2007 dự đoán giảm gần 2 %, xuống còn 1,2 triệu tấn. Tồn kho thịt lợn đạt mức cao kỷ lục và việc kiểm soát chặt chẽ các hoạt động nhập lậu của chính phủ là nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm nhập khẩu mặt hàng này.
+Brazil
Nhờ nhu cầu tiêu thụ nội địa gia tăng và hoạt động xuất khẩu hồi phục sau dịch bệnh FMD cuối năm 2005, sản lượng thịt lợn của Brazil dự đoán tăng gần 5% trong năm 2007, đạt 2,9 triệu tấn. Được biết, Nga là thị trường tiêu thụ thịt lợn chính của Brazil năm 2005, chiếm 67% xuất khẩu của nước này. Tuy nhiên, trong 7 tháng đầu năm 2006, xuất khẩu thịt lợn của Brazil sang Nga đã giảm 44% so với cùng kỳ năm 2005, trong khi tăng lên tại một số thị trường mới như Hồng Kông, Singapore và Ukraina. Năm 2007, xuất khẩu thịt lợn của Brazil dự đoán tăng 6%, đạt 570.000 tấn.
+ Mỹ
Xuất khẩu thịt lợn của Mỹ dự đoán đạt mức kỷ lục trên 1,4 triệu tấn trong năm 2007, chiếm 14,3% sản lượng. Do xuất khẩu của Brazil sang thị trường Nga sụt giảm, năm 2007, xuất khẩu thịt lợn của Mỹ sang thị trường này có khả năng sẽ tăng lên.
* Thị trường thịt gia Cầm
- Thịt gà giò
Năm 2007, xuất khẩu thịt gà giò của các thị trường chính dự đoán tăng 4%, đạt 6,7 triệu tấn, trong đó Mỹ chiếm 37% thị phần, Brazil và EU chiếm lần lượt 38% (giảm 1%) và 10%. Theo dự báo, năm 2007, xuất khẩu thịt gà giò của EU sẽ hồi phục trở lại khi lệnh cấm nhập khẩu tạm thời đối với mặt hàng này của Pháp được dỡ bỏ.
Mặc dù nhập khẩu thịt gà giò của Nga và Nhật Bản có khả năng giảm trong năm 2007, nhưng tổng nhập khẩu mặt hàng này của các thị trường chính dự đoán vẫn tăng 3%, đạt trên 5,3 triệu tấn. Nhập khẩu thịt gà giò của Trung Quốc năm 2007 có thể duy trì ở mức không đổi so với trước năm 2004 khi dịch cúm gia cầm chưa bùng phát. Mặc dù sản lượng có khả năng tăng nhưng nhập khẩu thịt gà giò của Mexico năm 2007 dự đoán vẫn tăng 6% do nhu cầu tiêu thụ nội địa tăng mạnh.
+ Brazil
Cùng với sự tăng giá của đồng Real so với các ngoại tệ mạnh khác, những lo ngại về dịch cúm gia cầm có thể khiến nhu cầu tiêu thụ thịt gà giò tại các nước nhập khẩu suy giảm. Điều này có thể đẩy ngành chăn nuôi gà giò Brazil vào tình trạng dư cung. Xuất khẩu thịt gà giò của Brazil năm 2007 dự đoán tăng 2%, đạt gần 2,6 triệu tấn
+ EU và Nga
Nhập khẩu thịt gà giò của EU có khả năng tăng mạnh trong năm 2006 (15%) và dự đoán tăng gần 8% năm 2007, đạt 645.000 tấn.
Trong khi đó, nhập khẩu thịt gà giò của Nga-nước nhập khẩu thịt gà giò lớn nhất thế giới- năm 2007 dự đoán giảm trên 7%, xuống còn khoảng 1,2 triệu tấn. Sản lượng thịt gà giò của Nga đều tăng lên trong những năm gần đây và có thể sẽ đạt mức kỷ lục mới trong năm 2007.
- Thịt gà tây
Năm 2007, nhập khẩu thịt gà tây của các thị trường chính có thể đạt 459.000 tấn, trong đó Mexico và EU được dự đoán đều tăng 5%.
Năm 2007, xuất khẩu thịt gà tây của các thị trường chính có thể tăng trên 5%, sau khi dự đoán giảm gần 10% năm 2006 do nhu cầu tiêu thụ giảm trước những lo ngại về dịch cúm gia cầm và lệnh cấm nhập khẩu đối với mặt hàng này của EU. Xuất khẩu thịt gà tây của Mỹ có thể tăng gần 8% năm 2007, đạt 261.000 tấn. Thị phần thịt gà tây của các thị trường chính trên thế giới dự đoán vẫn được duy trì không thay đổi trong năm 2007.