Cá tra: Sau một thời gian rớt giá, hiện nay các doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu thu mua cá nguyên liệu tại các tỉnh ĐBSCL với mức 23.500-24.000 đồng/kg, tăng khoảng 500 đồng/kg so với tuần trước.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp chỉ chấp nhận thu mua cá nguyên liệu có kích cỡ từ 800 gr/con đến 1 kg/con, cá có trọng lượng hơn 1 kg không ai mua dù người nuôi hạ giá bán chỉ còn 20.000 đồng/kg.
Tôm: Bộ Tài Nguyên và Môi trường đưa tôm thẻ chân trắng và hàu Thái Bình Dương vào danh mục loài có nguy cơ xâm hại. Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phản đối hành động này bởi lý do đây là 2 giống thủy sản nằm trong chiến lược phát triển của ngành thủy sản được Thủ tướng phê duyệt.
Bên cạnh đó, hoạt động nuôi trồng 2 loại thủy sản này diễn ra diện rông, cảnh báo của Bộ Tài Nguyên và Môi trường sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của ngành.
Theo Vasep, từ đầu năm đến ngày 10/8, có 68 lô hàng thủy sản của Việt Nam sang Nhật Bản bị cảnh báo dư lượng kháng sinh vượt quá mức cho phép. Trong đó, có 26 lô hàng bị phát hiện nhiễm chất Trifluralin.
Tuy nhiên nhìn chung số lô hàng bị cảnh báo đang có xu hướng giảm dần trong vài tháng gần đây và đặc biệt là trong tháng 7/2011, không có lô hàng nào bị phát hiện chứa Trifluralin.
Lúa gạo: Hiện nay, giá lúa gạo đã lên mức kỉ lục kể từ đầu năm. Trong 2 tuần đầu tháng, giá lúa tăng khoảng 400-550 đồng/kg, giá gạo nguyên liệu tăng 600-650 đồng/kg, giá gạo thành phẩm tăng 550-950 đồng/kg. Nhu cầu gạo Việt Nam từ các thương nhân nước ngoài đang rất mạnh mẽ.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt khẳng định khó có thể xảy ra một đợt sốt giá gạo do nguồn cung hiện nay vẫn rất đầy đủ. Sản lượng thóc các tỉnh phía Bắc cả năm 2011 khá cao nên không cần điều chuyển từ phía Nam ra. Ông cho biết thêm lượng dự trữ của 2 tổng công ty lương thực nhà nước là Vinafood 1 và Vinafood 2 đủ mạnh để can thiệp thị trường khi cần thiết.
Theo Gafin