Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Việt Nam ký các hợp đồng xuất khẩu 1.6 triệu tấn gạo
15 | 08 | 2007
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, các doanh nghiệp trong nước đã ký được các hợp đồng xuất khẩu 1,6 triệu tấn gạo trong kế hoạch xuất khẩu 4 triệu tấn gạo năm 2007. Các quan chức của Hiệp hội này cho rằng vấn đề quan trọng nhất hiện nay là tổ chức sản xuất tốt để đảm bảo nguồn cung cho xuất khẩu. Tình hình thiên tai và dịch bệnh đang là những áp lực lên nguồn cung gạo trong nước khiến giá lúa tiếp tục tăng nhẹ, mặc dù hiện nay chưa phải là thời điểm thu mua để xuất khẩu.

Bộ Thương mại dự báo giá gạo trong nước sẽ còn tăng trong quý 1/2007 do nhu cầu gạo trên thế giới đang tiếp tục tăng, dự kiến khoảng 29-30 triệu tấn trong năm nay, trong khi nguồn cung nói chung bị hạn chế do một số nước bị mất mùa.

Nhằm đảm bảo an ninh lương thực và nâng cao hiệu quả xuất khẩu gạo, thời gian qua, Chính phủ đã thực hiện một số biện pháp điều tiết xuất khẩu gạo hợp lý như cấm xuất trong thời gian nhất định, chỉ cho phép xuất khẩu đối với những hợp đồng đã ký, điều chỉnh giảm mục tiêu xuất khẩu trong năm 2007.

Năm 2007, Việt Nam xuất khẩu khoảng 4 - 4,5 triệu tấn gạo

Tại Công văn 59/TTg-KTTH, ngày 11/1/2007, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến về một số biện pháp các Bộ, ngành kiến nghị trong điều hành xuất khẩu gạo năm 2007.

Theo đó, lượng gạo xuất khẩu trong năm 2007 được điều hành ở mức dự kiến khoảng 4,0 - 4,5 triệu tấn. Căn cứ kết quả các mùa vụ sản xuất chính trong năm, mức gạo xuất khẩu này sẽ được điều chỉnh vào quý III.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Thương mại và Tổ công tác điều hành xuất khẩu gạo trực tiếp điều hành lượng gạo xuất khẩu theo từng quý trong năm, trong đó cần chú trọng chỉ đạo việc tập trung giao dịch, ký hợp đồng và thực hiện giao hàng theo tiến độ thỏa thuận đối với các hợp đồng xuất khẩu có giá cả tốt và khối lượng lớn ở các thị trường truyền thống: Philipines, Indonesia, Cuba, Malaysia, Nhật Bản... Ở một số thị trường khác, đáp ứng nhu cầu đa dạng về phẩm cấp gạo với phương thức giao hàng thích hợp; lưu ý giá bán phải phù hợp khung giá chỉ đạo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam. Việc phân công giao hàng theo các hợp đồng ở các thị trường truyền thống do các thành viên Hiệp hội Lương thực Việt Nam cùng thỏa thuận thống nhất thực hiện; trường hợp cần thiết, Hiệp hội Lương thực Việt Nam tham khảo ý kiến Bộ Thương mại, Tổ công tác điều hành xuất khẩu gạo để quyết định cụ thể.

Trong quá trình điều hành, nếu giá gạo trên thị trường trong nước biến động, ảnh hưởng đến mặt bằng giá chung, Bộ Thương mại và Tổ công tác điều hành xuất khẩu gạo cần chủ động xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh hoặc kiến nghị Thủ tướng Chính phủ các biện pháp xử lý nếu vượt thẩm quyền các cơ quan./.

 



Nguồn tin: TTXVN
Báo cáo phân tích thị trường