Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cà phê vào vụ mới, giá vẫn còn cũ
01 | 10 | 2011
Hôm nay, 1/10 là ngày đầu tiên của niên vụ cà phê 2011/2012 của nước ta và toàn thế giới. Theo một vài dự báo uy tín có ảnh hưởng trên thương trường quốc tế, niên vụ mới này sẽ kết thúc vào 30/9/2012, tổng sản lượng cà phê thế giới ước đạt theo Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) là 130 triệu bao (bao 60 kg) và Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) là 135 triệu bao.

Cả 2 đều dự kiến giảm chừng 3 triệu bao so với 2010/2011, chủ yếu do cà phê arabica Brazil vào vụ mất. Riêng với sản lượng cà phê Việt Nam, có rất nhiều ước báo có chênh lệch rất khác nhau, như Hiệp Hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa) chỉ chừng 18 triệu bao, ICO 18,5 triệu, USDA chừng 20,5 triệu, Reuters 21 triệu, ABN Amro 21,5 triệu bao và Bloomberg 23,5 triệu bao…

Như vậy, tất cả các con số ước báo sản lượng về Việt Nam đều bằng hoặc cao hơn vụ cũ. Song, theo phát biểu của ông Nguyễn Nam Hải, Phó chủ tịch Vicofa trong phiên họp ngày 15/9 của 20 nhà xuất khẩu cà phê hàng đầu, lượng cà phê xuất khẩu niên vụ cũ ước đạt 1,25-1,3 triệu tấn, tương đương với chừng 21,5 triệu bao, cao hơn mức dự báo 2010/2011 của Vicofa công bố cho niên vụ vừa qua là 3,5 triệu bao.

Còn về dự báo giá, tại một cuộc thăm dò của Reuters với 33 chuyên gia cà phê trên thế giới vào giữa tháng 7/2011, họ ước giá thị trường kỳ hạn robusta Liffe cuối năm nay ở quanh mức 2.400 đô la/tấn.

Ngày đầu niên vụ, giá robusta Liffe kỳ hạn giao tháng 1/2012 giảm 13 đô la chốt mức 2.014 đô la/tấn, vẫn còn xa đến gần 400 đô la so với mức kỳ vọng của các chuyên gia. Tuy nhiên, mức ấy cũng còn may so với giá đóng cửa cuối tuần trước với chỉ 1.983 đô la.

Như vậy, tuần này giá kỳ hạn cao hơn tuần trước 31 đô la, nhưng tính cả tháng mất hết 331 đô la/tấn. Trong khi đó, giá arabica Ice New York kỳ hạn tháng 12/2011 xuống còn 228,90 cts, giảm 2,25 cts tức 56 đô la/tấn và mất 1.340 đô la/tấn so với ngày đầu tháng 9/2011.

Phải nói rằng, các đợt mưa liên tục tại các tỉnh Tây Nguyên trong cả tuần qua có ảnh hưởng nhất định đến TTKH Liffe. Trước đây chừng nửa tháng, nhiều nơi đưa tin rằng mùa cà phê nước ta sẽ đến sớm, cà phê vụ mới có thể ra thị trường vào giữa tháng 10. Song, mưa liên miên đã kéo trễ ngày thu hoạch, có thể tới tháng 11 mới có hàng ra nếu như trời nắng mạnh trở lại sau các đợt mưa lớn hiện nay.

Khả năng mùa thu hoạch cho sản phẩm chậm đã giúp giá cà phê nhân bán giao hàng vào tháng 12/2011 tăng lên mức 36.000-37.000 đồng/kg, cao hơn so với tuần trước từ 4.000-5.000 đồng. Trong khi đó, thị trường nội địa cho hàng đi ngay rất trầm lắng. Tuy nhiên, do thời tiết, giá chào qua trả lại cho cà phê giao ngay cũng có lúc tăng lên được chừng 43.000 đồng/kg so với 41.000 đồng vào cuối tuần trước.

Sáng nay, giá cà phê nội địa hàng giao ngay đạt mức 42.500 đồng/kg tại các tỉnh Tây Nguyên, giảm so với mức cao trong tuần chỉ 500 đồng/kg. Về phía giá mua bán chênh lệch (trừ lùi) cho các hợp đồng giao sau (forwards), hiện khách hàng vẫn trả mức trừ 100 đô la/ tấn dưới giá Liffe. Tuy nhiên, bên xuất khẩu vẫn chưa chấp thuận giá này một mặt do thời tiết, mặt khác chưa nắm chắc trong tay nguồn tín dụng.

Nhận định tình hình tại sao giá TTKH Liffe trong tháng 9 giảm mạnh, một chuyên gia tại TPHCM giải thích rằng khủng hoảng kinh tế thế giới đang diễn ra hết sức phức tạp. Các ngân hàng châu Âu đang sắp xếp lại cơ cấu tín dụng và giảm sử dụng đồng đô la, nên có thể đầu cơ phải rút đồng đô la bớt từ các thị trường hàng hóa sử dụng đồng đô la để giao dịch.

Rút tiền khỏi thị trường, cũng có nghĩa là giá xuống. Mặt khác, Liffe thuộc Sở Chứng khoán New York (NYSE) quyết định sẽ phát hành hàng tuần một bản quyết toán vị thế kinh doanh của các thành phần tham gia bắt đầu từ 3/10, nên những tay đầu cơ lớn phải thoát bớt vị thế  của mình vì sợ bị phát hiện khuynh đảo thị trường. Thanh lý vị thế, giảm mua bán cũng có nghĩa là giá rớt.

Lực bán và xuất khẩu cà phê của nước ta cho tháng 9 và 10 rất ít nên đáng ra giá phải tăng, song thực tế giá giảm. Chứng tỏ trong mấy tuần qua, ảnh hưởng cà phê của Việt Nam không có mấy trên TTKH.

Mặt khác, giá cà phê các thị trường từ kỳ hạn, xuất khẩu đến nội địa ngóng tin thời tiết Brazil. Nửa đầu tháng 10 này rất quan trọng đối với cây cà phê arabica Brazil. Nếu có mưa, hoa sẽ ra và mùa cà phê  2012/13 là niên vụ lớn. Nếu không mưa, thế giới sẽ có một vụ mất thứ hai liên tiếp.

“Các bạn không để ý đấy thôi, hạn hán nguy hại cho sản lượng cà phê hơn nhiều so với sương giá”, chuyên gia ấy nói với giọng nửa thật nửa đùa.

Theo TBKTSG



Báo cáo phân tích thị trường