Dự báo xuất khẩu gạo năm 2011 sẽ đạt mức 7,5 triệu tấn
Báo cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) trong giai đoạn 2006 – 2010 cho thấy, xuất khẩu gạo luôn tăng cao qua từng năm. Đặc biệt, trong năm 2009, số lượng xuất khẩu gạo đã tăng vọt đat mức kỷ lục hơn 6 triệu tấn, tăng 29,35% so với năm 2008. Đến năm 2010, xuất khẩu gạo tiếp tục đạt mức kỷ lục mới về cả số lượng và trị giá với 6,75 triệu tấn (gần 3 tỉ USD).
Như vậy, trong vòng 3 năm trở lại đây, xuất khẩu gạo đã đạt mức kỷ lục liên tiếp về số lượng và trị giá.
Mới đây, Trung tâm Tin học và Thống kê (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã đưa ra dự báo khối lượng gạo xuất khẩu của năm 2011 ước đạt mức 7,5 triệu tấn với kim ngạch hơn 3,7 tỉ đô la.
Cũng theo Trung tâm Tin học và Thống kê, nguyên nhân là do khối lượng xuất khẩu các tháng đầu năm tăng mạnh cũng như giá gạo xuất khẩu cao hơn nhiều so với năm trước đã tác động mạnh lên xu hướng của mô hình dự báo.
Thực tế, nhìn vào bức tranh xuất khẩu gạo từ đầu năm đến nay có thể thấy, dự báo về khối lượng xuất khẩu gạo như trên là có thể đạt được. Bởi lẽ, xuất khẩu gạo năm 2011 có sự biến động mạnh giữa các tháng. Nếu như trong các tháng đầu năm (tháng 2-3) có sự tăng trưởng mạnh thì đến giữa năm xu hướng này chậm lại và giảm đi (tháng 5-6) nhưng lại đang có chiều tăng mạnh trở lại kể từ quí 3 (tháng 7-9).
Cùng với đó, thị trường xuất khẩu gạo của nước ta trong năm nay cũng có những thay đổi nhất định. Nếu như năm ngoái Phillipines là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam thì vị trí này của năm nay là Indonesia. Ngoài ra cũng xuất hiện một số thị trường mới như Bờ biển Ngà và Gana. Mặc dù là các thị trường mới nhưng Bờ biển Ngà và Gana cũng nhập khẩu tới con số 5% và 2% tổng lượng xuất khẩu của Việt Nam từ đầu năm đến nay.
Đặc biệt về giá xuất khẩu, hiện giá xuất khẩu gạo đang có xu hướng tăng cao, trong tuần đầu tháng 9, giá gạo 5% tấm ở mức 575 đô la/tấn, tăng 20 đô la/tấn so với cuối tháng 8. Hiện giá gạo được dự báo đang tiếp tục tăng do nhu cầu từ Indonesia tăng cao và ảnh hưởng lũ lụt của vùng châu thổ sông Mekong. Như vậy khác với năm ngoái giá gạo đi xuống vào những tháng cuối năm thì năm nay giá gạo đang có xu hướng tăng mạnh vào cuối năm.
Giá gạo xuất khẩu tăng, kéo theo giá gạo trong nước cũng tăng đáng kể, cụ thể, ngày 12.10, giá bán lúa tại một số tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang, Kiên Giang, dao động từ 7.300-7.500 đồng/kg (tăng hơn 500 đồng/kg so với tháng trước). Trong khi gạo trắng 20% tấm bán ra với giá 13.500 đồng/kg (tăng 1.000-1.200 đồng/kg).
Về sản lượng lúa gạo trong nước, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính ngày 15/9, trên địa bàn các tỉnh miền Nam đã cơ bản thu hoạch xong lúa hè thu, đạt 1.861 ngàn héc ta, bằng 96,5% tổng diện tích xuống giống, tốc độ thu hoạch nhanh hơn cùng kỳ năm trước 5,9% Tốc độ thu hoạch lúa hè thu ở vùng ĐBSCL nhanh chủ yếu do lũ năm nay về sớm và do nhu cầu mở rộng diện tích lúa vụ thu đông.
Cùng thời gian này, cả nước đã gieo cấy đạt 1.662,6 ngàn héc ta, tăng 1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó các tỉnh miền Bắc kết thúc gieo cấy, đạt diện tích 1.137,2 ngàn héc ta, bằng 95,4% cùng kỳ, riêng các tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Hồng gieo cấy đạt 573,1 ngàn héc ta, xấp xỉ cùng kỳ. Lúa mùa miền Bắc năm nay gieo cấy chậm hơn mọi năm khoảng 2 tuần, song nhờ thời tiết tương đối thuận lợi, có mưa đều nên nhìn chung lúa phát triển tương đối tốt.
Với những yếu tố thuận lợi về giá, thị trường và sản lượng gieo cấy và thu hoạch lúa từ đầu năm đến nay… là căn cứ để chúng ta tin tưởng rằng xuất khẩu gạo trong năm 2011 sẽ đạt được mức kỷ lục mới là 7,5 triệu tấn, mức cao nhất trong vòng 20 năm qua.
Tăng cường các giải pháp để đẩy mạnh xuất khẩu
Mặc dù có nhiều yếu tố thuận lợi để xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2011 tiếp tục lập kỷ lục mới về sản lượng và giá trị, song theo Trung tâm tin học và Thống kê (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) con số này còn phụ thuộc nhiều vào biến động của thị trường trong những tháng còn lại cũng như những chính sách của các nước sản xuất và nhập khẩu chính trên thế giới.
Do đó, để đạt được con số 7,5 triệu tấn gạo trong năm 2011, đòi hỏi chúng ta cần phải tập trung nỗ lực hơn nữa, không nên chủ quan bởi thị trường còn có sự biến động khó lường. Trước mắt, cần tập trung sản xuất tốt để có lúa chất lượng tốt, bán với giá cao. Cùng với đó, là các doanh nghiệp thu mua lúa gạo sao cho hợp lý, đảm bảo cân đối hài hòa giữa hiệu quả kinh doanh và lợi ích của bà con nông dân.
Ngoài ra, về lâu dài để giữ vững vị trí là quốc gia xuất khẩu gạo lớn trên thế giới, Việt Nam cần tăng cường hệ thống dự trữ, tránh tình trạng doanh nghiệp phải vội vàng xuất khẩu vì thiếu kho chứa. Được biết, hiện Chính phủ ban hành Nghị định 109/2010/ NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo. Theo đó, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phải đáp ứng đủ 3 điều kiện, đó là được thành lập, đăng kí kinh doanh theo quy định của pháp luật; có ít nhất một kho chứa chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc, phù hợp với quy chuẩn chung do Bộ NN&PTNT ban hành, có một cơ sở xay xát với công suất 10 tấn/ giờ. Thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phải thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu tương đương 10% số lượng gạo đã xuất khẩu trong 6 tháng trước đó...
Mong rằng với những quy định này sẽ là cơ sở để các doanh nghiệp xuất khẩu gạo có thể tiếp tục đầu tư nâng cấp để góp phần đảm bảo tính chuyên nghiệp trong việc thu mua xuất khẩu gạo, từ đó, nâng cao khả năng cạnh tranh với giới thương nhân thế giới để thương hiệu gạo Việt Nam ngày càng đứng vững trên trường quốc tế.
Tổng hợp