Liên tục trong những năm gần đây, nhiều đoàn doanh nghiệp (DN) Ấn Độ đã đến VN tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư. Tăng trưởng xuất khẩu của VN và Ấn Độ đã đạt mức khá cao. Các DN Ấn Độ xem VN là trung tâm để đi đến tất cả các nước trong ASEAN.
50 doanh nhân từ 30 DN Ấn Độ thuộc các lĩnh vực tài chính ngân hàng, sản xuất chế biến thực phẩm, thiết bị viễn thông, máy móc công nghiệp, bất động sản, y tế, hạ tầng… đã đến VN tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư thương mại trong diễn đàn “Tiếng gọi Ấn Độ - India Calling” vừa diễn ra tại Hà Nội và TPHCM là minh chứng sống động nhất cho một làn sóng đầu tư mới của Ấn Độ vào VN.
Với chính sách hướng Đông và nâng tầm quan hệ hợp tác chiến lược với VN, liên tục có nhiều đoàn DN Ấn Độ vào VN. Kết quả của nỗ lực này là những con số vượt ngoài mong đợi của chính phủ 2 nước. Tốc độ tăng trưởng thương mại song phương đã đạt được ở mức khá cao. Năm 1995, kim ngạch thương mại 2 chiều chỉ đạt mức khá khiêm tốn, khoảng 75 triệu USD nhưng đến năm 2006 đã vượt lên 1 tỷ USD. Đây cũng là mốc đánh dấu mối quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam-Ấn Độ lên một tầm cao mới, trở thành đối tác chiến lược. Và liên tục trong 5 năm qua, chính phủ 2 nước đã có nhiều bước đẩy mạnh quan hệ thương mại.
Đến năm 2010, thương mại 2 chiều đã đạt hơn 2,75 tỷ USD, tăng gần 35% so với năm 2009. Ấn Độ nằm trong top 20 nước xuất khẩu chính của hàng hóa VN, với mặt hàng xuất khẩu chủ yếu gồm than đá, hạt tiêu đen, linh kiện điện tử, cao su, giày dép... Trong thời gian qua, VN ở trong thế xuất siêu vào Ấn Độ và DN Ấn Độ cũng đang hướng đến việc cân bằng cán cân thương mại giữa 2 nước.
Trong 9 tháng đầu năm 2011, quan hệ thương mại 2 nước đã tăng gần 33% và có thể đạt 3,65 tỷ USD trong năm nay. Mục tiêu tăng trưởng thương mại song phương 2 nước đặt ra trước đây cho năm 2015 ở khoảng 5 tỷ USD. Nhưng với tiềm năng và quan hệ thương mại đang tiến triển thuận lợi, lãnh đạo 2 nước đã quyết định nâng mục tiêu thương mại song phương lên 7 tỷ USD vào năm 2015.
Ông Nayan Patel, Trưởng ban tổ chức Diễn đàn “Tiếng gọi Ấn Độ”, nguyên Chủ tịch Phòng Thương mại Ấn Độ đánh giá, cũng giống nền kinh tế Ấn Độ, kinh tế VN cũng có nhiều tiềm năng sẵn có. VN đang ở thời kỳ tăng trưởng, nhanh chóng xây dựng hạ tầng xã hội, việc này sẽ tạo nhiều cơ hội cho DN Ấn Độ thiết lập các dự án, cung cấp sản phẩm, dịch vụ tại VN. Hoạt động thương mại giữa VN - Ấn Độ sẽ nhộn nhịp hơn trong thời gian tới. Các công ty Ấn Độ xem VN là một trung tâm để đi đến toàn bộ các nước trong khối ASEAN.
Do kinh tế Ấn Độ phát triển mạnh, các công ty Ấn Độ đã đầu tư ra nước ngoài nhiều hơn. Trong năm tài chánh 2010-2011 vừa qua, đầu tư ở nước ngoài nhảy vọt 144%, lên tới 43,9 tỷ USD, so với 18 tỷ USD của năm 2009-2010. Lĩnh vực đầu tư nhiều là công nghệ cao, chế biến nông sản, sức khỏe…
Nhiều DN Ấn Độ đã chọn hình thức liên doanh hoặc mua lại các cơ sở hiện có tại VN, thay vì thực hiện các dự án ngay từ lúc ban đầu. Tại VN, trong năm 2011, Công ty Fortis Healthcare chuyên về chăm sóc sức khỏe của Ấn Độ đã mua 65% phần hùn của Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ; Công ty Marico cũng có được 85% phần hùn trong ICP VN. Cùng với đó, nhà máy sản xuất carbon đen Philips Carbon Black được xây dựng tại Bà Rịa - Vũng Tàu; nhà máy thức ăn gia cầm Venky (Tây Ninh) do DN Ấn Độ hợp tác, đầu tư đã chính thức đưa vào hoạt động…
Ngoài ra, 2 ngân hàng của Ấn Độ sẽ chính thức mở chi nhánh tại TPHCM. Hiện Tập đoàn sản xuất thép Tata Steel của Ấn Độ đang chờ giấy phép đầu tư xây dựng nhà máy thép trị giá 5 tỷ USD tại Hà Tĩnh. Các công ty dầu khí Ấn Độ Ongc và Essar đang có mặt tại VN tìm cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực thăm dò, khai thác, vận chuyển và buôn bán dầu khí.
Để đạt được mục tiêu thương mại song phương lên 7 tỷ USD vào năm 2015, các DN Ấn Độ đang chờ đợi cơ hội hợp tác thương mại và đầu tư nhiều hơn nữa trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ thông tin, phụ kiện xe hơi, dịch vụ ngân hàng và tài chánh, y tế, cơ sở hạ tầng, sắt thép, điện, dệt, hóa chất, khoáng sản…
Tổng hợp