Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ngành thủy sản năm 2011: Tăng trưởng trong gian nan
04 | 01 | 2012
Năm 2011, ngành thủy sản Việt Nam tăng cả về diện tích nuôi trồng và sản lượng, kim ngạch xuất khẩu cũng có mức tăng trưởng khá (19,6%). Nhưng để ngành thủy sản phát triển bền vững, các vấn đề như DN trong nước hoạt động cầm chừng do thiếu nguyên liệu, những lo ngại về nhiễm dư lượng chất kháng sinh trong sản phẩm thủy sản xuất khẩu, quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản (NTTS)… việc giải quyết vẫn gặp nhiều khó khăn. Đây là những vấn đề được các chuyên gia đưa ra trong hội nghị tổng kết công tác năm 2011 và định hướng đến năm 2012 của Tổng cục Thủy sản vừa diễn ra tại Hà Nội.

Nỗ lực vượt khó

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), năm 2011 là năm ngành thủy sản cả nước có được kết quả đáng phấn khởi cả về sản xuất nuôi trồng, khai thác và xuất khẩu. Tổng diện tích NTTS của cả nước đạt 1.099.000ha, tăng 2,5%. Sản lượng thủy sản ước đạt 5,32 triệu tấn, trong đó sản lượng nuôi trồng đạt 3 triệu tấn, tăng 7,8% và sản lượng khai thác đạt 2,35 triệu tấn, tăng 2,32% so với 2010. Giá trị xuất khẩu ước đạt 6 tỷ USD, tăng 19,6% so với năm 2010 chủ yếu do được giá. Các sản phẩm xuất khẩu sang những thị trường lớn, thị trường truyền thống đều tăng mạnh về giá trị như Mỹ tăng 23,5%, Hàn Quốc tăng 32%, Trung Quốc tăng 49%... so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia trong lĩnh vực này đều nhận định, mặc dù đã đạt được kế hoạch đề ra nhưng ngành thủy sản nước ta vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định, chất lượng sản phẩm và giá cả cạnh tranh là yếu tố quan trọng để sản phẩm thủy sản trong nước có uy tín trên thị trường thế giới. Nhưng thực tế hiện nay, nhiều lô hàng xuất khẩu sang các nước vẫn bị cảnh báo về dư lượng tồn dư thuốc kháng sinh. Cụ thể, trong năm qua đã có 43 lô tôm của Việt Nam bị Nhật Bản cảnh báo nhiễm Enrofloxacin. Việc này đã làm giảm uy tín của tôm Việt Nam trên thị trường thế giới. Những tháng cuối năm, nhu cầu nhập khẩu của các nước tăng 10-15% để phục vụ cho thị trường dịp Noel và Tết Dương lịch, các DN trong nước đã đẩy mạnh thu mua nguyên liệu với giá cao như giá tôm loại 20 con/kg lên tới 210.000 đồng/kg, tăng cao nhất trong vòng 10 năm qua nhưng cũng không mua đủ nguyên liệu để phục vụ xuất khẩu. Thậm chí nhiều DN có đơn đặt hàng của các nhà nhập khẩu nhưng cũng không dám nhận bởi các nhà máy luôn ở trong tình cảnh hoạt động cầm chừng với công suất 40-50% vì thiếu nguyên liệu...
 


Chế biến cá tra xuất khẩu ở Công ty CP Chế biến thủy sản xuất nhập khẩu Cà Mau.
Ảnh: Chí Lâm
Ông Nguyễn Huy Điền, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản cho biết, năm 2011 là năm đáng nhớ đối với người nuôi thủy sản Đồng bằng sông Cửu Long vì việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật quá mức trong NTTS đã gây thiệt hại lớn cho người dân. Trong năm, toàn vùng đã bị thiệt hại về tôm nuôi lên đến gần 90.000ha với khoảng 15 tỷ con tôm giống, cao gấp 3 lần so với năm 2010. Dịch bệnh làm tôm, nghêu chết hàng loạt trong thời gian qua cũng là những khó khăn cho việc ổn định và phát triển NTTS trong thời gian tới.

Phát triển bền vững và tăng giá trị

Theo kế hoạch, năm 2012, về diện tích NTTS cả nước sẽ có khoảng 1.110.000ha, sản lượng thủy sản nuôi khoảng 3,15 triệu tấn và kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 6,3-6,5 triệu USD. Để đạt được những kết quả trên, các chuyên gia trong lĩnh vực thủy sản cho rằng, ngành thủy sản cần hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và tăng về giá trị sản phẩm. Theo đó cần chú trọng tới nâng cao chất lượng con giống, tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất và kinh doanh con giống bởi trên thực tế hiện nay chất lượng đàn cá bố mẹ vẫn thấp, tỷ lệ con giống nuôi chết vẫn cao (từ 20% đến 30%).

Theo một số chuyên gia ngành thủy sản, để đẩy mạnh xuất khẩu, các DN phải đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; đa dạng hóa các mặt hàng đáp ứng mọi nhu cầu và đòi hỏi ngày càng khắt khe của thị trường quốc tế; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm; duy trì các thị trường truyền thống và tìm kiếm đối tác mới. Đồng thời, tạo uy tín đối với các nước nhập khẩu bằng chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, Nhà nước cần tăng cường kiểm tra sản phẩm thủy sản xuất khẩu, đặc biệt là việc sử dụng quá dư lượng thuốc kháng sinh, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm không để tình trạng "con sâu làm rầu nồi canh", làm giảm uy tín của thủy sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho rằng, nhiệm vụ trọng tâm của ngành thủy sản trong năm 2012 là khắc phục những khó khăn, vướng mắc của năm 2011 để sản xuất ổn định và phát triển bền vững, tăng giá trị xuất khẩu. Các địa phương cần tổ chức lại sản xuất theo mô hình khép kín, nuôi công nghiệp, thâm canh, có năng suất cao nhưng tập trung vào những đối tượng nuôi có lợi thế và cạnh tranh được về xuất khẩu như cá tra, tôm sú và các loại nhuyễn thể . Khuyến khích người dân mở rộng mô hình nuôi áp dụng theo quy chuẩn quốc tế, quy trình thực hành nuôi theo VietGAP. Thời gian tới, Bộ sẽ ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi nội đồng phục vụ nghề nuôi. Các đơn vị của ngành cần tập trung công tác điều tra nguồn lợi thủy sản, dự báo ngư trường để phục vụ cho việc khai thác có hiệu quả, từng bước giảm tổn thất sau thu hoạch để nâng cao chất lượng thủy sản.


Theo Hànộimới
Báo cáo phân tích thị trường