Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nông dân trồng mía ở Sơn La yên tâm nhờ có “bảo hộ”
28 | 03 | 2018
Nhờ có sự “bảo hộ” của Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La (gọi tắt là Công ty) hàng ngàn hộ dân ở Sơn La yên tâm đầu tư thâm canh, tăng năng suất, chất lượng nương mía của gia đình. Đời sống, thu nhập của nông dân trồng mía cũng nhờ đó mà ngày càng cải thiện, nâng cao. Nhiều hộ đã thoát nghèo, ổn định cuộc sống nhờ mía.

Ông Lò Văn Hào là một trong những người đầu tiên trồng mía ở bản Nậm Te (xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La), từ năm 1997. Từ đó đến nay đã hơn 20 năm, nhưng chưa bao giờ ông “quay lưng” lại với cây mía. Có thời điểm, giá mía chỉ 400 đồng/kg nhưng ông nhất quyết không chặt bỏ, trái lại mỗi năm còn trồng thêm một ít.

Niên vụ mía 2017 -2018, toàn tỉnh Sơn La có hơn 7.800 ha mía

Ông Hào cho biết: Những năm đầu trồng mía, thu nhập tuy không cao nhưng đầu ra ổn định. Vào vụ thu hoạch, Công ty đánh cả xe ô tô đến thu gom. Từ năm 2006 trở đi, giá mía tăng dần qua các năm, kéo theo số hộ dân trong bản đăng ký trồng mía cũng tăng đột biến. Được công ty hỗ trợ giống, phân bón... và bao tiêu sản phẩm, bà con dân bản ai cũng vui mừng, phấn khởi, yên tâm trồng, chăm sóc thâm canh diện tích mía của gia đình. Gần 10 năm trở lại đây, cây mía trở thành cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của bà con dân tộc Thái ở bản Nậm Te.

Người dân đang khẩn trương thu hoạch mía để đảm bảo khung thời vụ cho niên vụ mía 2018 - 2019

“Hiện nhà tôi có hơn 3 ha mía, năng suất đạt từ 90 – 100 tấn/ha. Bán cho công ty với giá 850 đồng/kg như hiện nay cũng thu khoảng 250 triệu đồng, trừ chi phi còn lãi gần 200 triệu đồng. Cây mía đã giúp gia đình tôi có cuộc sống ấm no hơn...” – ông Hào vui vẻ nói.

Nói về hiệu quả kinh tế của cây mía, anh Lò Văn Đanh, dân tộc Thái, bản Nậm Te, cho rằng: Cây mía có giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng ngô. Cây mía chịu hạn tốt, phù hợp với địa hình, thổ nhưỡng nơi đây. Trồng mía chỉ vất vả, tốn kém năm đầu tiên, nếu đầu tư thâm canh thì năng suất có thể đạt hơn 100 tấn/ha. Năm 2002, anh Đanh trồng khoảng 6000 m2 mía, đến nay diện tích mía của gia đình anh đã tăng lên 2,5 ha.

Nếu chăm sóc tốt, năng suất mía có thể đạt hơn 100 tấn/ha

“Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La hỗ trợ nông dân trồng mía từ A – Z. Tất cả từ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...đều được công ty cung ứng, cho vay theo hình thức trả chậm. Người trồng mía chỉ phải bỏ công sức ra trồng, chăm sóc, thu hoạch. Mỗi năm, tôi lãi hơn 100 triệu đồng từ trồng mía. Nhờ có cây mía mà gia đình tôi đã thoát nghèo, có của ăn, của để...” – anh Đanh phấn khởi cho hay.

Niên vụ 2017 – 2018, toàn tỉnh Sơn La có hơn 7.800 ha mía, tập trung ở các huyện: Mai Sơn, Yên Châu... tăng hơn 1.600 ha so với niên vụ 2016 -2017. Vùng nguyên liệu mía của Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La đã và đang được mở rộng ra các huyện: Thuận Châu, Mường La...

Người dân trồng mía ở Sơn La phấn khởi vì năng suất mía vụ này đạt cao

Với công suất ép 5.000 tấn mía cây/ngày, đêm, Công ty tổ chức sản xuất làm 3 ca và luôn đảm bảo bao tiêu toàn bộ mía cây trong vùng nguyên liệu.

Nói như ông Trần Ngọc Hiếu – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La, lợi ích của người trồng mía ở Sơn La luôn được Công ty đặt lên hàng đầu. Để giúp người dân có thể “sống tốt” từ cây mía, hàng năm, Công ty thường xuyên khảo nghiệm, tìm tòi, đưa các giống mía mới, năng suất, chất lượng cao vào thay thế các giống mía cũ năng suất thấp...

Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La cho xe ô tô vào tận nương mía để thu múa mía cho bà con

“Vùng nguyên liệu mía của Công ty đang phát triển ổn đinh, bền vững. Đây là minh chứng cho thấy đời sống người dân trồng mía đang được cải thiện. Ngoài những sách hỗ trợ giá giống, cước vận chuyển, Công ty còn kí kết hợp đồng với các đơn vị cung ứng phân bón có thương hiệu để cấp cho người dân trồng mía. Riêng đối với bã bùn đã qua xử lý bằng men vi sinh, Công ty bán rẻ cho người dân và không tính lãi. Chúng tôi cam kết luôn đồng hành với bà con trồng mía. Người dân có “sống khỏe” từ mía thì Công ty mới phát triển bền vững được...” – ông Hiếu khẳng định.

Không chỉ “bảo hộ” nông dân trồng mía, Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La trong những năm qua còn thực hiện tốt công tác an sinh xã hội trên địa bàn, như: hỗ trợ làm nhà văn hóa bản, tu sửa, làm mới đường giao thông vào vùng nguyên liệu, cho các hộ trồng mía vay tiền giải quyết những công việc đột suất...

Theo Dân Việt

 



Báo cáo phân tích thị trường