Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nguồn cung lúa mỳ toàn cầu ở mức khủng hoảng; tồn kho lúa mỳ lớn của Trung Quốc không đủ cứu nguy
30 | 08 | 2018
Một mùa hè nóng như thiêu như đốt đã chấm dứt 5 năm bội thu sản xuất lúa mỳ tại nhiều nước và đẩy các kho dự trữ lúa mỳ tại các nước xuất khẩu lúa mỳ lớn xuống mức thấp nhất kể từ năm 2007/08 – khi tồn kho ngũ cốc ở mức thấp góp phần vào các cuộc nổi loạn giành giật thực phẩm ở khắp châu Phi và châu Á.

Mặc dù tồn kho lúa mỳ toàn cầu đầu kỳ niên vụ 2018/10 dự báo chạm mức cao kỷ lục 273 triệu tấn, theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), vấn đề là gần một nửa tổng lượng tồn kho này nằm ở Trung Quốc – nước sẽ không sử dụng lượng tồn kho lúa mỳ này để cung ứng cho thị trường quốc tế. Các chuyên gia dự báo đến cuối niên vụ 2018/19, 8 nước xuất khẩu lúa mỳ lớn trên thế giới sẽ chỉ còn nắm tổng cộng 20% tổng tồn kho lúa mỳ thế giới – tương đương chỉ 26 ngày tiêu dùng – giảm từ mức 30% trong 1 thập kỷ trước. USDA ước tính Trung Quốc, tiêu dùng 16% lượng lúa mỳ toàn cầu, sẽ nắm giữ 46% tổng tồn kho lúa mỳ đầu kỳ 2018/19, và hơn 50% vào cuối kỳ. Với mức tồn kho đầu kỳ 126,8 triệu tấn, tăng 135% so với mức 54 triệu tấn trong 5 năm trước. “Mọi người cần loại tồn kho lúa mỳ Trung Quốc ra khỏi tính toán của mình và nếu làm vậy, bạn sẽ thấy nguồn cung lúa mỳ ở mức thấp đáng báo động”, theo Dan Basse, chủ tịch AgResource Co tại Chicago. Một cuộc khủng hoảng thực phẩm tương tự 2007/08, đã buộc nhiều nước phải hạn chế hoặc cấm xuất khẩu, sẽ không xảy ra nếu thiếu các tác nhân khác, ví dụ như giá dầu lên đến 150 USD/thủng chẳng hạn.

Mức giá lúa mỳ cao nhất trong vòng 3 năm gần đây là 5,93 USD/giạ giao dịch tại Hội đồng Thương mại Chicago, thấp hơn nhiều so với mức giá cao kỷ lục 13,34 USD/0,5 giạ vào tháng 2/2008.

Các nhà nhập khẩu tại Bắc Phi có vẻ đang ở vị thế tốt hơn so với 1 thập kỷ trước, với tồn kho lúa mỳ cao hơn. “Giá lúa mỳ có thể tác động lên lạm phát giá thực phẩm nhưng tại các nước Bắc Phi, sản xuất lúa mỳ năm 2018 cũng rất tốt nên sự phụ thuộc của họ vào nguồn lúa mỳ nhập khẩu không lớn như vài năm trước”, theo Abdolreza Abbassian, kinh tế trưởng tại FAO.

Trung Quốc bắt đầu tích trữ lúa mỳ từ năm 2006, đặt ra mức giá sàn lúa mỳ để đảm bảo an ninh và ổn định lương thực. Ở mức giá khoảng 9,75 USD/giạ hồi tuần trước, giá lúa mỳ ở Trung Quốc cao đến mức không thể bán trên thị trường quốc tế nếu không chịu thua lỗ lớn.

Nhà phân tích tại Rabobank Charles Clack dự báo Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng dự trữ đến năm 2019 nhưng về dài hạn, nước này sẽ phải giảm tồn kho lúa mỳ bằng cách giảm sản xuất nội địa, giảm nhập khẩu hoặc tiến hành đấu giá quốc tế. “Đây sẽ là một tiến trình chậm chạp và tôi không cho rằng Trung Quốc sẽ sớm xuất khẩu lượng tồn kho lúa mỳ khổng lồ của họ”. Theo Shanghai JC Intelligence Co Ltd, tồn kho lúa mỳ của chính phủ Trung Quốc hiện đạt gần 74 triệu tấn, phần lớn là lúa mỳ thu hoạch trong giai đoạn 2014 – 2017 nhưng có một phần từ năm 2013. Sylvia Shi, nhà phân tích tại JC Intelligence, cho rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục nhập khẩu lúa mỳ do nước này không thể sản xuất đủ để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm giàu protein như bánhmì và các sản phẩm bánh ngọt khác, khi chế độ ăn của người Trung Quốc ngày càng Tây hóa.

Hạn hán

Sản xuất lúa mỳ tại một số nước xuất khẩu lớn nhất thế giới – Argentina, Úc, Canada, EU, Kazakhstan, Nga, Ukraine và Mỹ – đều suy giảm trong năm 2018.

Hạn hán vào mùa xuân tại vựa bánh mỳ biển Đen Nga và Ukraine, theo sau là một mùa hè nóng nực tại EU. Thời tiết khô hiện nay cũng đe dọa sản xuất lúa mỳ tại một nước xuất khẩu quan trọng khác là Úc. Nhiều bằng chứng cho thấy thiệt hại nghiêm trọng đang ngày càng lộ rõ khi vụ thu hoạch đến gần.

Dự báo sản lượng lúa mỳ của 28 nước thành viên EU liên tục bị hạ, khi Đức được dự báo sẽ có sản lượng lúa mỳ thấp nhất trong 24 năm sau khi nhiệt độ mùa hè lên cao nhất kể từ khi bắt đầu ghi nhận năm 1881.

Bộ Nông nghiệp Nga cũng vừa nhóm họp với các thương nhân ngũ cốc vào cuối tuần qua để thảo luận về lượng xuất khẩu. Bộ Nông nghiệp Nga chối bỏ việc đặt ra hạn ngạch xuất khẩu nhưng các thương nhân, một số tham gia cuộc họp, cho biết lệnh giảm xuất khẩu có thể sẽ được ban hành vào cuối vụ, sau những phàn nàn của các nhà sản xuất thịt nội địa về chi phí TACN ngày càng tăng.

Mỹ là thị trường có vị thế tận dụng tốt nhất tình hình thâm hụt nguồn cung lúa mỳ thế giới khi tồn kho lúa mỳ của nước này cao hơn các nước xuất khẩu đối thủ và sản xuất tăng. Triển vọng này có thể thực sự biến thành lợi nhuận thực tế nếu nông dân Mỹ không bị kẹt vào cuộc chiến thơng mại giữa Mỹ và Trung Quốc – nước nhập khẩu lớn đậu tương và ngô; cũng như Mexico và Nhật Bản, 2 thị trường xuất khẩu lớn khác của lúa mỳ Mỹ. “Người thắng cuộc cuối cùng về dài hạn sẽ là Mỹ do nước này sẽ hút luồng cầu”, theo Matt Ammermann, nhà quản lý rủi ro tại INTL FCStone. Trong khi đó, biển Đen và châu Âu sẽ mất thị phần.

Canada, một trong những nước xuất khẩu lúa mỳ chất lượng cao lớn nhất thế giới, dự báo sẽ có sản lượng tăng trong năm 2018 so với năm 2017. Nhưng mưa đang là rủi ro lớn đối với sản xuất lúa mỳ tại Canada nên xuất khẩu lúa mỳ của Canada sẽ không tăng mạnh.

Sản xuất lúa mỳ tại Nam bán cầu

Hai nước xuất khẩu lúa mỳ lớn tại Nam bán cầu, Argentina và Úc, vẫn còn vài tháng tới mới đến vụ thu hoạch. Sản lượng lúa mỳ cao kỷ lục được dự báo tại Argentina nhưng sản lượng lúa mỳ của ÚC dự báo giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 1 thập kỷ do hạn hán trên khắp bờ Đông.

Francisco Abello, hiện đang quản lý sản xuất 7.000ha đất tại miền tây và đông bắc Buenos Aires, cho biết ông và những người trồng lúa mỳ khác đang đón đầu cơ hội bán lúa mỳ giá cao bằng cách đầu tư phân bón để tăng năng suất. “Chúng tôi có khởi đầu tốt đẹp trong niên vụ này”, ông Abello cho hay. “Đất ẩm trong thời gian gieo hạt, sau đó lạnh và khô – điều kiện tốt nhất cho giai đoạn đầu sinh trưởng của lúa mỳ”. Buenos Aires Grains Exchange ước tính sơ bộ sản lượng lúa mỳ đạt 19 triệu tấn, cao hơn mức kỷ lục từng ghi nhận hiện nay là 17,75 triệu tấn.

Tại Úc, triển vọng khó dự báo hơn. Các nhà phân tích cho rằng sản lượng lúa mỳ Úc sẽ giảm xuống dưới mốc 20 triệu tấn lần đầu tiên kể từ năm 2008, mặc dù mức sản lượng dự báo vẫn sẽ cao hơn nhiều so với mốc 13 triệu tấn năm 2008. “Phía Tây Úc đang có điều kiện sản xuất tốt nên sản lượng lúa mỳ của vùng này có thể vượt 9 triệu tấn và giúp tổng sản lượng lúa mỳ cả nước không quá thấp. Nhưng thời tiết khô đang làm giảm sản lượng tại miền đông và có thể làm giảm xuất khẩu lúa mỳ của Úc”, theo Phin Ziebell, nhà kinh tế học kinh doanh nông nghiệp tại National Australia Bank cho hay.

Theo Reuters



Báo cáo phân tích thị trường