Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Dưa hấu Quảng Nam nhưng dán tem chữ Trung Quốc?
16 | 04 | 2019
Gần đây trên những cánh đồng dưa hấu ở huyện Phú Ninh (Quảng Nam), thương lái thu mua dưa đã đưa những cuộn tem có ghi chữ Trung Quốc để nông dân dán vào rồi mới chất lên xe tải.
Dưa hấu đã được dán tem chờ chất lên xe tải và cuộn tem truy xuất có chữ Trung Quốc (ảnh nhỏ) - Ảnh: Lê Trung

 

Ông T. (ở xã Tam Phước), một người trồng dưa hấu, cho biết trong vụ dưa năm nay, giá thương lái mua khoảng 5.000 - 6.000 đồng/kg, "họ nói dưa phải được dán tem này thì mới xuất qua thị trường Trung Quốc được".
 
Ông Vũ Thạch Anh - chủ tịch UBND xã Tam Phước - cho biết sự việc này chính quyền xã đã nắm bắt và có báo với huyện, Sở NN&PTNT.
 
Qua tìm hiểu, hiện Trung Quốc cho nhập dưa nhưng nếu không có tem truy xuất nguồn gốc thì không qua cửa khẩu được.
 
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Muộn - phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam - cho biết ông đã trực tiếp đi kiểm tra, tìm hiểu, qua đó được biết các thương lái mua dưa hấu ở đây mua các cuộn tem với giá 1 triệu đồng/2 cuộn để đưa nông dân dán vào dưa hấu.
 
Sở đã trao đổi với Công an tỉnh Quảng Nam và bên cơ quan quản lý thị trường, đề nghị tiếp tục theo dõi, đến gần kết thúc vụ dưa này phải có hướng xử lý phù hợp.
 
Qua tìm hiểu ban đầu, dịch ra thì tem này thông tin rất nghèo nàn, trong đó có nói là dưa hấu sản xuất ở Việt Nam, dạng như tem truy xuất nguồn gốc.
 
"Việc này là làm sai, trái với quy định của Nhà nước. Tem truy xuất nguồn gốc phải do chính nhà sản xuất dán, còn đây là tem không rõ nguồn gốc. Về lâu về dài thì việc này sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu dưa hấu của địa phương" - ông Muộn nói.
 
Theo ông Muộn, chuyện này trước mắt có lợi cho nông dân trồng dưa nhưng về lâu dài thì lợi bất cập hại.
 
"Có lo ngại chuyện biến sản phẩm của nước mình thành của họ, sản phẩm của mình thành ra không có thương hiệu gì cả" - ông Muộn nói.
 
Theo ông, sở đã yêu cầu chính quyền huyện Phú Ninh phải khuyến cáo người dân sản xuất an toàn, dán tem của mình.
 
"Đây là tem truy xuất nguồn gốc cho nông sản" 
 
Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều nay 15-4, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hoàng Trung cho hay: loại tem mà thương lái đang yêu cầu dán vào dưa hấu trồng ở Quảng Nam, xuất khẩu sang Trung Quốc là loại tem truy xuất nguồn gốc. Quy định này đã được yêu cầu áp dụng từ đâu 2019 nhưng theo ông Trung thì phía nhập khẩu đã đồng ý để có một độ trễ nhất định cho hàng hóa từ Việt Nam.
 
"Từ tháng 9-2018, chúng tôi đã cung cấp cho phía nhập khẩu thông tin về diện tích trồng các loại quả, sau đó phía nhập khẩu đã cấp mã số cho các doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp cũng đã cung cấp mặt hàng đó cho các doanh nghiệp Việt Nam để khi xuất khẩu cần dán tem, tem đó có thông tin loại quả sản xuất ở đâu, tên quả, vùng trồng quả đó..."- ông Trung cho biết.
 
Hiện phần lớn dưa hấu Việt Nam được trồng ở miền Trung, nên tên quả trên tem nhãn theo ông Trung là "dưa hấu Việt Nam", hoặc kỹ hơn ví dụ như "dưa hấu Quảng Nam, Việt Nam". Việc dán tem truy xuất nguồn gốc như đang làm tại Quảng Nam theo ông Trung là bình thường, góp phần xây dựng thương hiệu trái cây cho các vùng trồng.
 
Trong khi đó liên quan việc thương lái thu mua dưa hấu Quảng Nam dán tem chữ Trung Quốc, chiều 15-4, ông Đoàn Ngọc Sơn- quyền cục trưởng cục quản lý thị trường Quảng Nam - cho biết Cục đã nắm được sự việc này. Ông Sơn khẳng định việc nông dân dán tem của Trung Quốc lên trái dưa ở đây là sai quy định.

Trả lời câu hỏi việc muốn dán mã vạch cho sản phẩm Việt Nam phải làm gì, có phải qua chính quyền để có mã số hay muốn dán gì thì dán, ông Sơn cho rằng doanh nghiệp mua sản phẩm phải đăng ký mã vạch, họ sử dụng mã vạch đó truy xuất là của Việt Nam, hàng của Việt Nam. Ông Sơn nói rằng bây giờ tạm thời như vậy để đảm bảo cho bà con bán được dưa vụ này.

"Sau đợt này, chúng tôi sẽ họp cơ quan ban ngành rút kinh nghiệm lại, bàn bạc lại để đưa ra biện pháp tốt nhất, phải làm như thế nào để nâng cao vị thế sản phẩm của địa phương mình, đưa ra cái gì tốt nhất để bảo vệ nông dân, hướng dẫn bà con dán tem như thế nào để đúng quy định chứ không thể để chuyện dán tem này tiếp diễn mãi, kéo dài vậy được", ông Sơn nói.
 
Lê Trung - L.Anh (Báo Tuổi Trẻ)


Báo cáo phân tích thị trường