Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Sớm chính quy hóa sản xuất lúa gạo
13 | 05 | 2019
Sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành chức năng và doanh nghiệp đã vào cuộc quyết liệt để tiêu thụ lúa hàng hóa cho nông dân Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Đến đầu tháng 4/2019, vụ lúa đông xuân đang dần khép lại, giá lúa có nhích lên chút đỉnh so với đầu vụ, nhưng niềm vui của nông dân vẫn chưa trọn vẹn trong bối cảnh nhu cầu gạo của thế giới ở ngưỡng bão hòa, nguồn cung có xu hướng tăng… việc tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo đang trở nên cấp bách. 

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, trong bối cảnh hiện nay là cố gắng lựa chọn làm sao cho giá lúa tốt nhất chứ không thể bằng giá năm ngoái. Hiện nay, nguồn giao dịch lúa gạo trên thế giới dao động ở mức 38 - 48 triệu tấn, giá trị khoảng 36 - 40 tỷ USD/năm, chiếm 1,5% tổng thương mại nông sản toàn cầu (khoảng 2.000 tỷ USD). Các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo đang rơi vào tình thế “lời mỏng, rủi ro cao”, nông dân trồng lúa trở thành đối tượng thu nhập thấp nhất trong các ngành hàng.

“Dẫu biết rằng thị trường luôn không bằng phẳng, dẫu biết rằng doanh nghiệp cũng kinh doanh vì lợi nhuận, nhưng hơn 10 triệu nông dân trồng lúa ĐBSCL mong sao bớt đi sự phập phù, thấp thỏm qua từng mùa vụ”, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan tâm sự. Ông Lê Minh Hoan chia sẻ thêm, ông bị ám ảnh bởi tài liệu của Ngân hàng Thế giới về “Toàn cảnh nông nghiệp Việt Nam - giảm chi phí, tăng chất lượng”. “Như vậy, nông sản Việt, trong đó có ngành hàng lúa gạo, để không tiếp tục bị giải cứu, để nông dân không còn ngồi trên đống lửa, cần một chương trình hành động cụ thể, đồng bộ, liên tục, kiên trì nhằm thoát khỏi lời nguyền chi phí cao, chất lượng kém”, ông Lê Minh Hoan tâm tư.

Trong bối cảnh đầu ra hạt gạo gặp nhiều khó khăn khi xuất hiện nhiều đối thủ cạnh tranh trên thương trường, việc cần thiết là đánh giá đúng giao dịch gạo trên thị trường, sản xuất số lượng lúa gạo bao nhiêu, để tránh gây áp lực tiêu thụ lúa hàng hóa cho nông dân. Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương, nhận định: “Hiện các nước nhập khẩu cũng đa dạng hóa nguồn nhập khẩu tránh phụ thuộc vào một thị trường. Việt Nam cần có những giải pháp căn cơ, tối ưu hóa nguồn cung. Trước mắt, sản lượng xuất khẩu gạo dao động ở ngưỡng 5 triệu tấn/năm là hợp lý (nếu ở ngưỡng 6 triệu hoặc trên 6 triệu tấn sẽ gặp khó). Những năm qua, có một số doanh nghiệp lơ là chạy theo số lượng xuất khẩu mà thiếu kiểm soát chất lượng bị “tuýt còi” rất đáng tiếc. Điều chúng ta cần làm là sớm chính quy hóa sản xuất lúa gạo theo chuỗi sản xuất, truy xuất nguồn gốc. Cần xem đây là yêu cầu của xã hội hiện đại, chứ không phải rào cản”. Đây là một đề xuất rất đáng nghiên cứu.

Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyên Xuân Cường, hiện Ban Bí thư đang giao cho Ban Kinh tế Trung ương tổng rà soát, tổng kết chương trình an ninh lương thực gắn với tình hình chung. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ chủ động giảm 500.000ha trên tổng số trên hơn 4 triệu hécta sản xuất lúa. Trong đó, sẽ nghiên cứu, đánh giá cẩn thận để chủ động giảm diện tích trồng lúa chuyển sang tổ chức những nông sản khác có giá trị, thị trường tốt hơn.

Vậy sẽ giảm diện tích trồng lúa ở vùng nào? Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng: “Sẽ giảm diện tích trồng lúa ở vùng bị ảnh hưởng xâm nhập mặn, giảm ở vùng diện tích cao - gặp khó khăn thủy lợi; giảm ở vùng trũng; và giảm diện tích trồng lúa ở vùng ven đô”. Sẽ tập trung vào 3 khâu then chốt để tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo: Tổ chức sản xuất thông qua liên kết giữa các nông hộ (nông hộ/HTX với doanh nghiệp); hình thành ngành chế biến sâu, tạo ra nguồn giống chất lượng cao.  

Hiện một số doanh nghiệp đã đầu tư khá căn cơ cho công nghệ chế biến lúa gạo. Song, vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa chú trọng đầu tư sâu cho công nghệ chế biến gạo. Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, qua kiểm tra cơ sở chế biến gạo của một số doanh nghiệp phát hiện, còn bụi, trấu, cỏ… trong cơ sở. Đây là chưa chuyên nghiệp.

Trong khi đó, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, nêu một thực tế: “Dù hợp đồng liên kết được doanh nghiệp với nông dân ký kết ngay từ đầu vụ, nhưng khi thu hoạch, đa số các doanh nghiệp không nhận lúa kịp theo tiến độ, lúa tươi chất đầy bờ kênh; nhiều doanh nghiệp không đủ gạo để xuất khẩu nhưng vẫn phải bán lại lúa tươi tại ruộng cho cò hoặc thương lái để giảm bớt thiệt hại vì thiếu máy sấy, sấy không kịp, hoặc để có tiền thanh toán tiền lúa tươi cho nông dân”. Theo ông Phạm Thái Bình, nguyên nhân là do doanh nghiệp thiếu vốn để lắp máy sấy lúa. Thiếu vốn để lắp silo chứa lúa… Đây là một thực tế mà Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương cần sớm kiến nghị Chính phủ có giải pháp tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo một cách chuyên nghiệp hơn.



Báo cáo phân tích thị trường