Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Được giá nhờ trồng lúa “kỹ thuật cao”
06 | 10 | 2008
Lúa sản xuất tại HTX Mỹ Thành (Mỹ Thành Nam, Cai Lậy, Tiền Giang) đã được cấp chứng nhận Global GAP (chứng nhận toàn cầu về quy trình sản xuất an toàn và truy nguyên được nguồn gốc). Giá lúa đạt chuẩn cao hơn lúa thường, nhờ vậy lợi nhuận của nông dân cũng cao hơn.
Công ty TNHH TUB SUD PSB VN sau hai lần đánh giá đã kết luận 15 xã viên của HTX này tuân thủ các yêu cầu của tiêu chuẩn Global GAP.

Công nghệ trồng lúa

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Hải, trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Cai Lậy, cho biết xã Mỹ Thành Nam là nơi sản xuất lúa chất lượng cao trọng điểm của tỉnh. Từ năm 1993 ở đây đã thực hiện chương trình FPR (không phun thuốc trừ sâu sớm), đến năm 1995 thực hiện chương trình IPM và đến năm 2002 là “cánh đồng sạch”. Từ năm 2004-2006 Tiền Giang chọn nơi này để triển khai dự án sản xuất lúa chất lượng cao an toàn.

Hiện nay gần 500ha lúa của HTX Mỹ Thành được sản xuất theo hướng chất lượng cao và an toàn. Kết quả phân tích mẫu lúa gạo của nông dân HTX này liên tục ba năm qua đều không phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV).

Theo ông Nguyễn Văn Khang - giám đốc Sở NN&PTNT Tiền Giang, việc vận động nông dân trồng lúa chất lượng cao cần phải có thời gian vì tên các giống lúa cũ đã in đậm trong suy nghĩ của họ. “Tới các trung tâm giống, câu đầu tiên nông dân hỏi là có giống IR 50404 không.

Một số trung tâm giống lại không bán giống chất lượng cao, chỉ bán giống IR 50404. Vì vậy, muốn nâng cao chất lượng và giá trị hạt lúa VN thì ngành nông nghiệp phải mạnh dạn không nhân giống lúa chất lượng thấp rồi vận động dân” - ông Khang nói.

Ngày 21-1-2008 Cục Sở hữu trí tuệ đã có quyết định chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa tập thể “Gạo chất lượng cao, an toàn Mỹ Thành được sản xuất theo quy trình an toàn”. Nông dân sản xuất theo quy trình này vừa tiết kiệm chi phí vừa bán được giá cao hơn lúa thường nên thu lợi nhiều hơn.

Tháng 5-2008, tỉnh Tiền Giang chọn 15 nông dân của HTX Mỹ Thành tham gia mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn Global GAP (vì có ruộng liền nhau) trên vụ lúa hè thu với 11,4ha. Ông Trương Văn Bảy, chủ nhiệm HTX Mỹ Thành - tham gia sản xuất 2ha, cho biết sản xuất lúa đạt chuẩn phải đáp ứng hàng chục yêu cầu nhưng cũng không có gì khó.

“Tất cả yêu cầu của Global GAP đều trong tầm tay nông dân như: xây dựng kho chứa lúa; kho chứa thuốc BVTV; sau khi sử dụng phân bón, thuốc BVTV thì không được quăng bừa bãi ngoài ruộng mà đem về tiêu hủy; có sân phơi bằng ximăng và không được cho gà, vịt, chó, mèo đụng chạm vào hạt lúa; không bón phân, phun thuốc bừa bãi mà chỉ sử dụng khi thật cần thiết...” - ông Bảy kể.

Gạo chất lượng cao đắt khách

Ông Phan Quốc Hùng, giám đốc dự án Công ty TNHH ADC, cho biết hiện nay nhu cầu tiêu thụ gạo chất lượng cao và an toàn trên thế giới rất cao. Ngay tại VN, gạo cao cấp luôn có chỗ đứng trong siêu thị. Thời gian qua công ty đã có thị trường gạo, nếp dành cho người giàu Singapore và Đài Loan, nên tới đây gạo Global GAP của Mỹ Thành cũng sẽ được giới thiệu ở đây và các siêu thị lớn trong nước. “Tôi sợ không đủ cung cấp gạo Global GAP cho khách hàng vì diện tích và sản lượng chưa nhiều. Gạo này muốn vào thị trường khó tính nào cũng được. Khách hàng tìm mua chứ không cần phải tiếp thị nhiều. Vấn đề là phải sớm mở rộng sản xuất để có sản lượng lớn” - ông Hùng nói.

Việc Công ty ADC bao tiêu toàn bộ sản lượng lúa Global GAP của HTX Mỹ Thành với giá cao cũng giúp nông dân thấy sản xuất lúa theo quy trình này được lợi như thế nào và tự giác tham gia ngày càng nhiều hơn. Hiện nay giá lúa ở ĐBSCL phổ biến khoảng 5.000 đồng/kg, nhưng Công ty ADC cam kết mua lúa Global GAP với giá khoảng 6.200 đồng/kg. Riêng lúa thơm nhẹ (OM 3536) có giá lên tới 9.300 đồng/kg.

Theo ông Trương Văn Bảy, với giá lúa như thế này, ông và những nông dân khác sẽ thu lợi tối thiểu 10 triệu đồng/ha (riêng lúa thơm thu lãi khoảng 15 triệu đồng/ha). Trong khi đó, nông dân sản xuất lúa thường lãi trung bình khoảng 1 triệu đồng/ha, có nơi còn bị lỗ do giá cả không ổn định và chi phí đầu tư cao. Rõ ràng sản xuất lúa theo tiêu chuẩn Global GAP giúp nông dân thu lãi rất cao, gấp 10 lần sản xuất lúa bình thường. Hiện nay có nhiều nông dân ở Mỹ Thành Nam đề nghị được tham gia sản xuất lúa Global GAP như ông Bảy.

Ông Nguyễn Anh Phong, phó giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang, cho biết hiện nay nhu cầu tiêu thụ gạo cao cấp trên thế giới rất cao, nhưng điều trái khoáy là nông dân VN có suy nghĩ ngược lại: đổ xô trồng lúa phổ thông (chất lượng thấp), chủ yếu là giống IR 50404. Trước đây gạo chất lượng cao và gạo chất lượng thấp chỉ chênh lệch khoảng 50 USD/tấn, nhưng hiện mức chênh lệch đã là 100 USD/tấn, có thời điểm còn cao hơn. Trong khi khách hàng yêu cầu mua gạo chất lượng cao thì trong dân chỉ toàn gạo chất lượng thấp nên bị ứ đọng hoài




Nguồn: kinhte24h
Báo cáo phân tích thị trường