Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tiền Giang: Sản xuất gạo theo tiêu chuẩn an toàn toàn cầu
04 | 10 | 2008
HTX sản xuất nông nghiệp Mỹ Thành (huyện Cai Lậy, Tiền Giang) vừa được công ty TNHH TÜV SÜD PSB Việt Nam chứng nhận việc sản xuất, tồn trữ, xay xát, lau bóng và đóng gói gạo đạt tiêu chuẩn GLOBAL GAP (thực hành sản xuất nông nghiệp an toàn toàn cầu). Đây là địa phương đầu tiên ở ĐBSCL được chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa tập thể “Gạo chất lượng cao, an toàn Mỹ Thành được sản xuất theo qui trình an toàn” và “Gạo sản xuất và chế biến theo tiêu chuẩn GLOBAL GAP”. Hiện tại công ty TNHH ADC đã ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản lượng gạo sản xuất theo tiêu chuẩn GLOBAL GAP của HTX Mỹ Thành với giá cao hơn giá thị trường 20%.
Thạc sĩ nông nghiệp Lê Hữu Hải, trưởng phòng NN và PTNT huyện Cai Lậy, cho biết chương trình được triển khai từ tháng 5.2008 trên diện tích 11,4 ha của 15 hộ xã viên, có sự phối hợp của sở NN và PTNT, sở Khoa học và công nghệ Tiền Giang, phòng nông nghiệp Cai Lậy, UBND xã Mỹ Thành Nam và công ty TNHH ADC; công ty TNHH EcO2 Việt Nam tài trợ chi phí chứng nhận.

Xã Mỹ Thành Nam có hơn 1.400 ha đất sản xuất lúa, từ năm 1993 đến năm 2002 được ngành nông nghiệp Tiền Giang chọn là cánh đồng mẫu thực hiện nhiều chương trình sản xuất lúa an toàn, thân thiện môi trường. Từ năm 2002 đến năm 2006, nông dân Mỹ Thành Nam đã thực hiện dự án “qui trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao an toàn” trên diện tích 50 ha, áp dụng các giải pháp giảm mật độ sạ (thấp hơn 100 kg lúa giống/ha), sử dụng giống tốt, bón phân theo bảng so màu lá lúa, hướng dẫn kỹ thuật bón phân cân đối, hợp lý, sử dụng thuốc hóa học khi thật cần thiết.

Khi dự án kết thúc, 100% diện tích áp dụng sạ thưa, mật độ sạ còn 80-100kg/ha so với tập quán sản xuất trước đây là 150-200kg/ha, và sử dụng giống chất lượng tốt, giảm được số lần phun thuốc trừ sâu bệnh. Đặc biệt, việc áp dụng biện pháp quản lý sâu bệnh bằng sinh học đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm như: sử dụng chất kích kháng để quản lý bệnh cháy lá giai đoạn lúa còn nhỏ; dùng vi khuẩn đối kháng TG17 quản lý bệnh đốm vằn, giúp nông dân giảm chi phí sản xuất. Kết quả phân tích mẫu gạo do các cơ quan hữu trách thực hiện đều không phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu.

Ngày 21.1.2008, cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học công nghệ) quyết định chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa tập thể “Gạo chất lượng cao Mỹ Thành sản xuất theo qui trình an toàn”, và đến nay, có hơn 500 ha áp dụng quy trình sản xuất gạo chất lượng cao, an toàn. Trên cơ sở đó, quy trình sản xuất gạo theo tiêu chuẩn GLOBAL GAP được triển khai. Theo tiêu chuẩn này, nhà nông phải kiểm tra, ghi chép đầy đủ quá trình sản xuất (từ sản xuất lúa giống, đến làm đất, chăm sóc, thu hoạch, đóng bao...) để cơ quan quản lý có thể truy nguyên nguồn gốc toàn bộ quá trình sản xuất. Kết quả: HTX Mỹ Thành và 15 xã viên tham gia chương trình đã tuân thủ đúng các yêu cầu của tiêu chuẩn GLOBAL GAP, chất lượng gạo đạt yêu cầu.



Nguồn: Sài Gòn tiếp thị
Báo cáo phân tích thị trường