Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nông dân không thể... tự bơi
27 | 08 | 2010
Để nông dân thật sự hưởng lợi từ việc các mặt hàng nông sản tăng giá, hầu hết chuyên gia, nhà quản lý đều cho rằng phải tổ chức lại khâu sản xuất, không thể để nông dân... tự bơi như hiện nay.

GS.TS Võ Tòng Xuân: Cần bù lỗ cho nông dân

Chia sẻ để đôi bên cùng hưởng lợi

Để giảm rủi ro, lôi kéo nguồn hàng và chia sẻ cùng người trồng cà phê, nhiều công ty xuất nhập khẩu cà phê tại Đắk Lắk như Công ty xuất nhập khẩu cà phê 2-9 Đắk Lắk, Công ty xuất nhập khẩu cà phê Việt Nguyên... cho biết đã thực hiện chính sách thu mua ưu đãi cho nông dân, đồng thời xây dựng hệ thống sân bãi có sức chứa lớn để nông dân có thể trực tiếp đến ký gửi và chốt giá ở thời điểm thích hợp.

T.B.DŨNG

Nông dân cần tham gia vào một tổ chức như HTX, tổ hợp tác sản xuất hoặc doanh nghiệp. Khi thu hoạch xong sẽ đưa lúa vào kho của HTX. Giả sử lúc đưa vào giá lúa là 4.000 đồng/kg, nhưng đến khi HTX trả tiền cho dân giá thị trường là 4.500 đồng/kg thì phải trả đúng giá 4.500 đồng/kg.

Ngân sách nhà nước phải hỗ trợ để bù lỗ cho nông dân khi giá lúa xuống thấp hơn giá lúa lúc họ đưa vào HTX, đảm bảo nông dân không bao giờ bị thiệt. Ở tất cả các nước phát triển như Mỹ, Nhật... phần lớn đều tài trợ nông dân theo những cách trên.

Ông Nguyễn Minh Nhị (nguyên chủ tịch UBND tỉnh An Giang): Tổ chức lại sản xuất

Gạo trên thế giới không khi nào thừa, nơi mất mùa sẽ được bù đắp bởi nơi trúng mùa và ngược lại, về căn bản là cung - cầu ổn định. Thế nhưng giá lúa gạo VN lại diễn biến thất thường, khi xuống thấp tới mức Nhà nước phải can thiệp bằng mua tạm trữ là do khâu tổ chức sản xuất và điều hành xuất khẩu chưa tốt. VN hiện thiếu một nhạc trưởng điều hành trong cả chuỗi sản xuất. Để giải quyết tận gốc vấn đề này, sản xuất phải có quy hoạch, kế hoạch, chính sách và đặc biệt là khâu tổ chức thực hiện.

Đa số nông dân sản xuất quy mô quá nhỏ, không tập hợp để sản xuất theo các hợp tác xã (HTX) kiểu mới thì Nhà nước không thể nào tài trợ trực tiếp được. Có HTX, Nhà nước sẽ đầu tư trực tiếp cho nông dân làm kho trong vùng sản xuất để trữ lúa, khi đó gạo xuất khẩu mới thật sự cạnh tranh, không bị ai bắt chẹt.

Ông Nguyễn Văn Khang (phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang): Khó bao tiêu

Trước hết nông dân phải vào các HTX hoặc doanh nghiệp của nông dân để tạo ra vùng chuyên canh lớn. Khi đó doanh nghiệp mới có thể ký hợp đồng bao tiêu nông sản được. Nhiều năm qua Công ty Lương thực Tiền Giang đều ký hợp đồng bao tiêu nhưng do có quá ít HTX nên ký cũng không được bao nhiêu. Doanh nghiệp không thể ký hợp đồng bao tiêu với từng hộ với vài ba tấn lúa được.

Tại Tiền Giang, mô hình HTX sản xuất lúa chất lượng cao Mỹ Thành là điển hình sẽ được tỉnh nhân rộng. Không phải chỉ làm lúa Global GAP (tiêu chuẩn toàn cầu về chất lượng, an toàn và truy nguyên được nguồn gốc) mới được bao tiêu, chỉ cần làm theo tiêu chuẩn Viet GAP là doanh nghiệp sẽ ký hết.

TS Phạm Văn Dư (cục phó Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT) Phải giải bài toán vay nợ

Cách tốt nhất vẫn là thành lập các HTX và nông dân phải vào HTX chứ không làm riêng lẻ nữa. HTX có máy sấy, lúa thu hoạch xong sẽ sấy khô đạt tiêu chuẩn để đưa vào kho (do Nhà nước đầu tư) dự trữ. Khi nào giá cao, có lãi thì xã viên sẽ bán chứ không bán đổ bán tháo ngay khi thu hoạch như bây giờ.

Và để nông dân giữ được lúa phải giải bài toán nợ mà họ đã vay trong vụ sản xuất. Đầu tiên, ngân hàng phải cho họ vay dài hạn hơn, ít nhất là một năm. Các doanh nghiệp sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phải đưa vật tư nông nghiệp tới dân thông qua HTX, không qua trung gian 2-3 cấp đại lý như hiện nay vừa để giảm chi phí vừa giúp dân đỡ áp lực nợ. Khi nào dân bán lúa thì doanh nghiệp, HTX sẽ thanh toán nợ vật tư nông nghiệp cho nhà cung cấp.

Ông Trần Đức Tụng (nguyên chuyên viên Vụ Kế hoạch, Bộ NN&PTNT): Hạn chế độc quyền xuất khẩu gạo

Xuất khẩu gạo trực tiếp của VN đến nay chủ yếu chỉ thông qua hai đầu mối là Tổng công ty Lương thực miền Bắc và miền Nam (chiếm trên 80% tổng lượng). Khi tổng công ty chưa cần mua gạo, họ kéo giãn tiến độ xuất khẩu, lập tức giá lúa gạo trong nước xuống thấp. Do đó, cần đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp quốc doanh nhằm hạn chế độc quyền trong xuất khẩu gạo.

Chính phủ hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp được vay đủ vốn, trung và dài hạn với lãi suất ưu đãi qua chương trình phát triển “tam nông” để xây kho, lò sấy, sân phơi, tạm trữ lúa gạo ngay từ các nông hộ, mua thời vụ, bán thời giá. Làm tốt việc này sẽ có hàng triệu nông hộ tham gia bình ổn thị trường, giá cả điều tiết tiến độ thu mua, chế biến xuất khẩu có lợi nhất.

Mô hình thành công của HTX Mỹ Thành

Theo ông Trương Văn Bảy - chủ nhiệm HTX Mỹ Thành (Tiền Giang), hiện nay HTX có 208 xã viên sản xuất hơn 100ha lúa Global GAP. Khi vào HTX, xã viên phải cam kết thực hiện đúng các quy định nghiêm ngặt của tiêu chuẩn Global GAP, chỉ sản xuất giống lúa mà HTX và Công ty TNHH ADC (đơn vị bao tiêu) chọn lựa.

Sau khi thu hoạch xong, xã viên phơi sấy đạt độ ẩm theo quy định rồi cho vào kho chứa của mỗi hộ gia đình. HTX và Công ty ADC sẽ tới tận nơi kiểm tra chất lượng trước khi giao dịch. Bất kể khi nào xã viên muốn bán thì công ty sẽ mua và thanh toán đúng giá thị trường thời điểm đó. Vụ hè thu vừa rồi, toàn bộ xã viên HTX đã họp khá nhiều lần và quyết định bán khi giá lúa ở mức 5.400 đồng/kg.



Theo Tuổi Trẻ Online
Báo cáo phân tích thị trường