Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Doanh nghiệp được quyền quyết giá, nông dân điêu đứng
29 | 10 | 2008
“Cùng bơi trên biển nhưng khi gặp khó khăn do lạm phát thì các tập đoàn kinh tế được nhận phao cứu sinh trong khi người nông dân phải gánh hậu quả do dự báo sai của Chính phủ” - đại biểu Trần Hồng Việt thổi bùng không khí tại hội trường.


Hôm qua, 28/10, QH thảo luận về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội năm 2008, kế hoạch phát triển năm 2009.

Liên quan đến 8/12 chỉ tiêu kinh tế xã hội nhiều khả năng không đạt được trong năm 2008, đại biểu Vũ Hoàng Hà phân tích, thường thì lạm phát sẽ dẫn tới việc nhập siêu cao. Vấn đề là có công cụ quản lý, điều tiết trong tay nhưng chúng ta không kiềm chế được tình hình.

Suy thoái kinh tế toàn cầu, mức tiêu thụ một số mặt hàng ở thế giới đã giảm xuống trên 50%, trong khi cũng những mặt hàng đó ở trong nước chỉ giảm khoảng 20%, không tương ứng. Ông Hà đánh giá, hiện tượng này là do thiếu cơ chế về mặt cạnh tranh, tiêu biểu như giá xăng dầu, gas, thực tế, cả nước chỉ có 11 đầu mối nhập khẩu, trong đó riêng Petrolimex đã chiếm tới 60% thị phần.

Đại biểu Trần Hồng Việt chia sẻ: “Điều hành chính sách giá cả chưa lấy được lòng dân”. Ông Việt tỏ ra bức xúc, lúc giá thế giới lên, giá hàng trong nước cũng vọt lên “cái vù”. Khi giá vật tư thế giới giảm mạnh thì trong nước vẫn cứ cao ngất ngưởng, chỉ giảm nhỏ giọt. Theo ông Việt, cách lý giải của doanh nghiệp là phải bán hết số hàng nhập giá cao không thuyết phục.

“Doanh nghiệp thì được quyền bán giá cao nhưng với mức giá vật tư như vậy, người nông dân có được quyền bán nông sản giá cao không?” - đại biểu Việt đặt câu hỏi rồi tự trả lời ngay: “không”, giá lúa gạo vẫn ở mức thảm 300USD/tấn. Ông Việt thở dài: “Chỉ các tập đoàn, doanh nghiệp lớn có sự bảo trợ của Chính phủ, còn nông dân thì không”.

Đại biểu Việt cho rằng có sự bất công khi cùng bơi trên biển nhưng khi gặp khó khăn do lạm phát thì các tập đoàn kinh tế được nhận phao cứu sinh, trong khi người nông dân vừa phải tự bơi vừa phải gánh hậu quả do dự báo sai của Chính phủ. Ông Việt cũng đặt vế so sánh trực tiếp, dân Thái Lan được hưởng lợi ngay trong khủng hoảng, khi giá lương thực thế giới leo quá mức 1.000USD/tấn. Nông dân Việt Nam thì chỉ biết than khi giá vật tư tăng cao mà giá nông sản cứ tụt vù vù.

Viện trưởng Viện nghiên cứu, phát triển kinh tế TPHCM - Trần Du Lịch cũng đặt vấn đề cần giảm mạnh tỷ lệ nhập siêu. Nếu chỉ nhập 19-20 tỷ USD mà không có nguồn cân đối thì phải xuất dự trữ ngoại tệ ra để lo, mà như thế thì quá nguy hiểm vì quỹ dự trữ ngoại tệ của Việt Nam rất “kiệm”, ông Lịch cảnh báo.

Theo đại biểu này, cố gắng kiềm chế lạm phát của chúng ta đến lúc này được cho là thành công, tỷ lệ tăng trưởng vẫn duy trì được ở mức khá (6,5-7%). Nhưng đó chỉ là tăng về số lượng, chất lượng tăng trưởng ngày càng kém.

Ông Lịch dự đoán, tình hình tác động tới Việt Nam năm 2009 sẽ còn tồi hơn, quy mô xuất khẩu nhiều khả năng suy giảm, tỷ lệ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng khó khăn… nguy cơ thiểu phát không còn là xa vời. Ông Lịch đề nghị chuẩn bị một “kịch bản” cho trường hợp này, “tương kế tựu kế”, đầu tư, kích cầu thị trường nông thôn, nội địa để bù đắp sự thiếu hụt từ thị trường xuất khẩu.

Đại biểu Cao Sĩ Kiêm “gật đầu” với ý kiến này. Ông cho rằng, với nguồn thu ngân sách giảm, tốc độ tăng trưởng đang đi xuống, nguồn vốn hẹp dần trong khi nợ quá hạn nhiều lên, giá than, điện mới sắp áp dụng vào đầu năm tới… sẽ là gánh nặng, áp lực cho năm 2009.

Ông Kiêm đề xuất phải phân biệt nhanh và vận dụng linh hoạt 2 phương án chống lạm phát và giảm phát để xử lý kịp thời những diễn biến có thể xảy ra.

 



Nguồn: Dân trí
Báo cáo phân tích thị trường