Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hạn chế xuất khẩu gạo: Doanh nghiệp lúng túng, nông dân than
02 | 04 | 2008
Nếu được xuất khẩu bình thường, doanh nghiệp sẽ tự thỏa thuận mua lúa của nông dân theo giá thị trường.


Cuối tháng 3, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã ban hành quy chế “Đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo năm 2008” nhằm giới hạn lượng gạo xuất khẩu.
Trước đó, VFA cũng đã yêu cầu các đơn vị thành viên không giao dịch ký hợp đồng mới có thời hạn giao hàng trong tháng 3-2008 bởi số lượng gạo xuất khẩu theo cân đối của Bộ Công Thương trong quý I/2008 (từ 700.000 - 800.000 tấn) đã đủ.
Tự xoay xở, tự gồng gánh
Theo ông Tống Ngọc Dương, kế toán trưởng Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn, việc VFA đột ngột ban hành quy chế mà chưa lấy ý kiến rộng rãi trong hội viên khiến các doanh nghiệp (doanh nghiệp) lúng túng, khó thực hiện.
Bởi, để được xuất khẩu thì doanh nghiệp phải đăng ký và kèm theo báo cáo tồn kho tối thiểu 50% số lượng đăng ký. “Để làm được điều này, doanh nghiệp phải có lộ trình chuẩn bị kho bãi để lưu kho hàng hóa vì trước đây, chúng tôi chỉ thu mua thông qua nhà máy chế biến”- ông Dương nói.
Còn theo bà Lê Thị Thanh Mai, chủ doanh nghiệp tư nhân Liên Hiệp (Cái Bè, Tiền Giang), cái khó không phải ở chỗ lưu kho vì kho bãi ở miền Tây là “kho nhà”, không tốn kém chi phí mà khó ở chỗ giá xuất khẩu phải theo giá công bố của VFA.
Theo bà Mai, giá cả đang có hiện tượng chạy ngược khiến doanh nghiệp điêu đứng. Theo phân bổ, hợp đồng sau có giá cao hơn hợp đồng trước chỉ vài chục đồng/kg, thế nhưng chi phí để thực hiện hợp đồng sau lại đội lên đến hàng trăm đồng/kg so với hợp đồng trước.
Trước đây, tổng chi phí cho một lô hàng 200 tấn gạo chỉ khoảng 450 triệu-500 triệu đồng mà doanh nghiệp còn vay vốn được, còn bây giờ chi phí đã lên tới gần 1,5 tỉ đồng nhưng doanh nghiệp phải tự xoay xở, tự gồng gánh nên không còn vốn để thu mua trước.
Đẩy khó khăn cho nông dân
Theo các doanh nghiệp, mặc dù VFA phân bổ hợp đồng xuống cho các doanh nghiệp thành viên nhưng doanh nghiệp có quyền được “liệu cơm gắp mắm”, nghĩa là nhắm làm được thì làm, không thì thôi.
Phần lớn áp lực từ việc hạn chế xuất khẩu đẩy tất cả cái khó cho người nông dân, bởi họ không thể tự quyết định “bán được thì bán, không thì thôi” mà buộc phải bán để trả nợ ngân hàng, chuẩn bị giống, phân bón cho mùa vụ sau nhằm tránh cơn bão giá. Chưa kể lợi dụng việc hạn chế xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp đã ép giá thu mua khiến nông dân càng điêu đứng hơn.
Đồng tình với quan điểm này, GS-TS Võ Tòng Xuân (ĐH An Giang) cho rằng: Lẽ ra Nhà nước nên để cho doanh nghiệp được tự do xuất khẩu vì gạo đang được mùa, được giá; hơn nữa, lượng gạo trong nước hiện rất dồi dào do trúng mùa vụ đông xuân vừa qua, chưa kể trong vòng 3 tháng tới sẽ tiếp tục thu hoạch vụ hè thu.
Nếu hạn chế xuất khẩu, giá gạo trong nước sẽ chững lại, điều này chỉ có lợi cho 20% dân số mà không có lợi trực tiếp cho những người làm ra lúa gạo. Trong khi đó, nếu cứ tiếp tục xuất khẩu thì có đến 80% dân số (nông dân) sẽ hưởng lợi vì giá sẽ tăng cao.
“Nông dân ta còn nghèo. Đây là thời điểm để họ làm giàu chính đáng sau bao nhiêu biến động từ việc thất bát mùa màng, sâu rầy dịch bệnh, giá lúa thấp... Vì vậy, nếu được xuất khẩu bình thường thì doanh nghiệp sẽ tự thỏa thuận mua lúa của nông dân theo giá thị trường”- GS-TS Võ Tòng Xuân nói.
Theo ý kiến của một số chuyên gia, thực ra mới chỉ hai mùa vụ vừa qua trúng lớn là vụ trước và vụ đông xuân này, nông dân cũng chưa khá được bao nhiêu.
Vụ trước lời hơn vì bán được giá mới, trong khi mua phân bón, thuốc trừ sâu giá cũ; còn vụ này tuy trúng mùa được giá hơn nhưng phân bón, thuốc trừ sâu phải mua theo giá cao hơn. Do đó, cần xem lại quy chế nhằm hạn chế xuất khẩu gạo.



kinhte24h.com
Báo cáo phân tích thị trường