Thời điểm tháng 4.2008, giá gạo trên thị trường thế giới tăng vọt (trung bình 1.200 USD/tấn), Việt Nam tuy dồi dào gạo xuất khẩu, nhưng không dám xuất; đến nay, giá gạo thế giới giảm nhanh, việc xuất khẩu gạo đang có xu hướng bất lợi
Thị trường xuất khẩu ảm đạm
Năm 2008, chỉ tiêu xuất khẩu gạo được giao là 4,5 – 4,6 triệu tấn, 10 tháng qua, đã có 3,95 triệu tấn gạo được xuất đi, lượng gạo xuất khẩu còn lại không lớn, nhưng nhu cầu gạo trên thị trường thế giới bị hạn chế.
Thái Lan còn tồn kho trên 4 triệu tấn gạo. Pakistan đã dỡ bỏ quy định giá xuất khẩu gạo tối thiểu và đẩy mạnh xuất khẩu. Ấn Độ cũng nới dần lệnh cấm xuất khẩu gạo thường.
Theo trung tâm Thông tin phát triển nông nghiệp nông thôn, Chính phủ Indonesia, sau nhiều năm liên tục phải nhập khẩu, năm 2008, nước này có khả năng sẽ đảm bảo tự cung ứng gạo cho tiêu thụ trong nước. Chính phủ Mynamar cũng dự định mở rộng sản xuất, tăng sản lượng lúa.
Trong năm tài khoá 2007 (kết thúc cuối tháng 3.2008), Myanmar đã xuất khẩu được 358.500 tấn gạo. Chính phủ Campuchia cũng thông báo từ tháng 1.2009, nước này bắt đầu xuất khẩu gạo đạt tiêu chuẩn quốc tế sang thị trường Liên minh châu Âu (EU).
Theo một số công ty kinh doanh, xuất khẩu gạo trong nước, vấn đề đáng quan ngại tác động đến sức mua và giá gạo xuất khẩu, là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã làm giảm tính thanh khoản của nhiều ngân hàng ngoài nước. Việt Nam cũng bị ảnh hưởng không ít, biểu hiện là một số khách hàng mua gạo truyền thống đã ngừng mua.
Chính do thị trường xuất khẩu gạo bên ngoài ảm đạm, nên giá lúa trong nước không cao. Theo bản tin về thị trường của bộ Công thương, bộ Tài chính và hiệp hội Lương thực, hiện nay loại lúa IR 50404 giá 3.100 – 3.200đ/kg, lúa hạt dài 3.800 – 3.900đ/kg.
Theo doanh nghiệp xuất khẩu gạo, nếu Chính phủ, bộ Công thương không có giải pháp hỗ trợ thêm, thì doanh nghiệp xuất khẩu gạo sẽ bị thua lỗ, gạo không xuất được, gây ảnh hưởng tiêu cực đến vụ sản xuất và đời sống nông dân. Tình hình này có thể kéo dài qua năm 2009.
Còn khả năng nào?
Trong bối cảnh khó khăn đó, một số vấn đề mà nếu khắc phục, có thể đẩy mạnh được xuất khẩu, ổn định thị trường lúa gạo trong nước. Ví dụ, về kênh xuất khẩu: đến cuối tháng 10.2008, xuất khẩu gạo theo các hợp đồng tập trung (do Chính phủ đàm phán) chỉ đạt 2,25 triệu tấn, giảm 28% so với cùng kỳ năm 2007. Trong khi xuất khẩu gạo theo các hợp đồng thương mại, lại tăng gần 50%.
Theo hiệp hội Lương thực Việt Nam, việc tăng cường xuất khẩu gạo theo các hợp đồng tập trung sẽ giảm bớt khó khăn về đầu ra. Hiện nay, Việt Nam có thể đẩy mạnh giao dịch, ký hợp đồng xuất khẩu gạo vào thị trường như Philippines, Malaysia… Các dạng hợp đồng này ổn định hơn so với các hợp đồng thương mại.
Trong quan hệ song phương, theo bộ Công thương, một số nước đang muốn đặt quan hệ, nhập khẩu gạo lâu dài với Việt Nam như các nước Trung Đông, Nam Á, Tây Á… Cuối tháng 10.2008, bộ trưởng Kinh tế, thương mại và công nghiệp Madagascar đã tới Việt Nam đàm phán để mua gạo 20 – 25% tấm cho nước này.
Vụ hè thu năm 2008, đa số nông dân trồng cấy loại lúa giống IR 50404. Loại lúa này chất lượng không cao, chỉ sản xuất được gạo 25% tấm, trong khi nhu cầu loại gạo này gặp khó khăn ngay tại thị trường trong nước.
Hơn nữa, loại gạo này cũng không dự trữ được lâu. Ngược lại, cho dù nhu cầu tiêu thụ gạo trên thị trường thế giới, nhìn chung giảm, nhưng loại gạo có chất lượng cao vẫn được tiêu thụ mạnh.
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, hiện nay, loại gạo cao cấp có giá tăng cao, có những loại lên đến 5.500 – 6.000đ/kg, nhưng các doanh nghiệp không có nguồn trong nước để thu mua.
Việc lựa chọn chiến lược xuất khẩu đúng, kênh bán hàng phù hợp, thay đổi cơ cấu giống lúa để có sản phẩm xuất khẩu chất lượng cao, có lẽ là hướng đi sáng sủa cho hoạt động xuất khẩu gạo.
Trước mắt, theo một số doanh nghiệp, hoạt động điều hành xuất khẩu gạo phải linh hoạt hơn.
Đánh giá về cách điều hành thu mua, xuất khẩu gạo từ đầu năm đến nay của các bộ Công thương, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, một doanh nghiệp nhận xét: “Còn rất lúng túng và không kịp thời. Tôi không hiểu sao mà đến tháng 8.2008, người ta vẫn hướng dẫn là xuất khẩu ở mức 3,5 triệu tấn, và đến đầu tháng 9.2008, mới bảo doanh nghiệp chủ động xuất khẩu, không khống chế từng tháng nữa để đạt chỉ tiêu 4,5 – 4,6 triệu tấn của cả năm”.