Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá gạo tăng, nhiều quốc gia chuyển đổi cây trồng
26 | 03 | 2008
Các phương tiện truyền thông liên tục cảnh báo hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra trên phạm vi toàn cầu, nếu cộng đồng quốc tế chậm có những biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn đà leo thang của giá gạo.
Từ cuối tháng 2 năm nay, giá gạo đã tăng tới mức cao nhất trong vòng 20 năm qua. Các chuyên gia của Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) tại Việt Nam cho rằng, do thị trường gạo ở Việt Nam được tự do hóa cho nên giá gạo trong nước cũng tăng theo giá gạo thế giới.
Giá gạo Thái-lan - được coi là mức chuẩn của thế giới - vượt ngưỡng 500 USD/tấn, mức cao nhất kể từ năm 1989. Tại Bangladesh, giá gạo tăng gấp đôi trong vòng một năm. Tại thị trường Chicago (Mỹ), giá gạo đã đạt mức kỷ lục 400 USD/tấn, tăng hơn 75% so với một năm trước.
Giá gạo tăng khiến hàng tỷ người lao đao, trút thêm gánh nặng khó khăn lên vai các nước phải nhập khẩu gạo, nhất là những nước nghèo. Bangladesh có 144 triệu dân thì tới 40% số dân sống với thu nhập dưới 1 USD/ngày. Do thiên tai liên tiếp tàn phá nặng nề mùa màng năm 2007, nước này phải nhập 2,2 triệu tấn gạo. Năm nay tình trạng khủng hoảng lương thực càng gay gắt, Bangladesh sẽ phải nhập khẩu 3,2 triệu tấn.
Philippines với 90 triệu dân, năm nay dự định nhập khoảng hai triệu tấn gạo, nhưng theo cơ quan lương thực quốc gia, khối luợng trên chưa đủ bù lượng gạo thiếu trong năm.
Indonesia năm 2007 nhập 1,5 triệu tấn gạo, năm nay tiếp tục phải nhập thêm vì tuy sản lượng gạo tăng nhưng nước này vẫn chưa tự túc được lương thực. Số hộ gia đình của nước này cần trợ cấp của Chính phủ để mua gạo hiện là 19 triệu so với 16 triệu cách đây một năm...
Chương trình Lương thực thế giới của LHQ (WFP) cho biết, mỗi ngày trên thế giới có hơn 25 nghìn người chết hoặc ốm vì đói. Do thiếu ngân sách nên WFP đang phải quyết định cắt giảm 40% khối lượng lương thực viện trợ, hoặc giảm 40% số đối tượng được tổ chức này cung cấp lương thực.
Tổ chức WFP cảnh báo rằng, giá lương thực cao kỷ lục và lạm phát kéo dài sẽ gây "nạn đói mới" trên toàn cầu, đồng thời tạo ra tình trạng hỗn loạn ở các nước nghèo. Giám đốc Viện Lúa quốc tế ở Manila (Philippines), ông Robert Zeigler nhấn mạnh: "các nước cần đặc biệt quan tâm tình trạng giá gạo tăng nhanh bởi trong quá khứ việc khan hiếm gạo thường gây ra những căng thẳng xã hội".
Có nhiều yếu tố đẩy giá gạo vọt lên mức kỷ lục. Theo các chuyên gia, thời tiết không thuận gây thiệt hại mùa màng; tình trạng phát triển đô thị ồ ạt làm diện tích đất trồng lúa bị thu hẹp đáng kể; các nền kinh tế đang nổi lên như Ấn Ðộ, Trung Quốc và một số nước châu Á khác có nhu cầu lớn về gạo... là nguyên nhân hàng đầu.
Bộ Nông nghiệp Mỹ nhận định, sản lượng lúa gạo đã tăng tới mức 420 triệu tấn trong vụ mùa hiện nay, song nhu cầu về gạo vẫn cao hơn, khiến giá gạo sẽ tăng lên và điều này có thể làm giảm các kho dự trữ. Trên thực tế, nguồn gạo dự trữ của thế giới trong vụ mùa này đã giảm còn 70 triệu tấn, mức thấp nhất trong vòng 25 năm qua, chỉ chưa bằng một nửa lượng gạo dự trữ năm 2000.
Nhằm bảo vệ người tiêu dùng trong nước trước những khó khăn do khủng hoảng lương thực diễn ra gần như đồng thời với giá dầu mỏ, từ tháng 10-2007 Chính phủ Ấn Ðộ đã cấm xuất khẩu gạo, ngoại trừ loại gạo basmati nổi tiếng. Các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản duy trì chặt chẽ bảo hộ thị trường và trợ giá sản xuất gạo để có thể tiếp tục tự túc lương thực.
Nhà kinh tế cao cấp của UNDP tại Việt Nam, ông Jonathan Pincus nhận xét: "tất cả các chính phủ ở châu Á đều biết rằng ổn định chính trị có quan hệ rất chặt chẽ với ổn định giá gạo, cho nên chính phủ nào cũng cố gắng duy trì ổn định giá cả, nhất là các nhu yếu phẩm". Chuyển đổi cây trồng "thế chân lúa gạo" là một biện pháp được nhiều nơi triển khai.
Theo các chuyên gia theo dõi thị trường lúa mì, mặc dù nguồn cung lúa mì sẽ có nhiều vào vụ thu hoạch tháng 6 tới và giá lúa mì sẽ giảm trong nửa cuối năm, nhưng người nông dân vẫn muốn mở rộng diện tích trồng lúa mì. Hội đồng Ngũ cốc quốc tế dự tính diện tích trồng lúa mì sẽ tăng 4% vào cuối tháng 6 tới.
Giới phân tích tại Luân Ðôn (Anh) dự đoán các nước như Nga, Ukraine, Kazakhstan... cũng sẽ tăng diện tích trồng lúa mì trong thời gian tới. Nhiều nước khác đang tích cực tìm lối ra để giảm thiểu tác động của giá gạo vọt cao.



Nguồn: http://vinanet.vn
Báo cáo phân tích thị trường