Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Vì sao giá gạo cao, giá lúa thấp?
16 | 06 | 2008
Giá gạo trên thị trường cao trong khi giá lúa lại thấp là một nghịch lý kéo dài nhiều năm qua và gần đây được nhắc lại nhiều hơn sau cơn sốt gạo hồi tháng 4.
Giá gạo trên thị trường thế giới đã tăng cao nhưng giá lúa trong nước vẫn thấp lè tè.

Hiện tại, giá lúa bình quân tại vựa lúa ĐBSCL khoảng 5.000-5.300 đồng/kg trong khi giá gạo tại các cửa hàng trong thành phố, hay các chợ ở tỉnh, thấp cũng 10.000 đồng, cao có thể lên tới hơn 20.000 đồng/kg. Nếu có gạo dưới 10.000 đồng/kg thì là gạo dành cho... heo, gà, chất lượng thấp.

Tiền nào của nấy

Đã có khá nhiều chuyên gia, doanh nghiệp và báo chí phân tích nguyên nhân giá gạo trên thị trường cao nhưng giá lúa nông dân bán ra lại thấp, là do có nhiều tầng nấc trung gian, từ hạt lúa thương lái mua của nông dân tới nhà máy xay xát, trải qua nhiều khâu, nhiều công đoạn mới được bày bán ở chợ.

Thậm chí có người còn đổ lỗi cho các thương lái đã trực tiếp đẩy giá gạo trên thị trường lên cao (ở đây không nói tới đợt sốt vừa qua) so với giá lúa của nông dân, hay còn gọi là “lỗ hổng trong phân phối gạo”.

Theo cách lý giải này thì nhiều tầng nấc trung gian đã đẩy giá gạo nhưng cách lý giải đó sẽ thiếu thuyết phục vì giá lúa mà nông dân bán, vốn là lúa đại trà dùng cho xuất khẩu, và giá gạo xuất khẩu không chênh lệch nhau nhiều.

Giá lúa tại ĐBSCL ngày 9-6, theo thống kê của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, là 5.300 đồng/kg, còn gạo thành phẩm xuất khẩu loại 5% tấm có giá 9.200-9.400 đồng/kg, gạo 15% tấm giá 8.500 đồng và gạo 25% tấm giá 8.200 đồng/kg. Có nghĩa nếu quy đổi 1kg lúa thu được 0,5-0,55kg gạo thì giá gạo cao hơn giá lúa không nhiều. Phần cao hơn đó thuộc về thương nhân đưa gạo từ đồng ruộng hay bồ lúa của nông dân về nhà máy và chi phí xay xát.

Với giá gạo xuất khẩu thành phẩm như vậy thì không có gì đáng ngạc nhiên khi gạo 5% tấm xuất khẩu được các công ty lương thực tung ra bán ở các siêu thị Coopmart tại TPHCM có giá 11.000-13.000 đồng/kg. Và giá gạo 5% tấm này nếu so với giá gốc của nó tại các tỉnh ĐBSCL trước khi vận chuyển về thành phố thì ai cũng chấp nhận được, vì còn phải mất chi phí vận chuyển, bốc xếp, lưu kho bãi của thương nhân.

Tiếng là gạo xuất khẩu nhưng chất lượng thì chính các chuyên gia nông nghiệp cũng công nhận: “Chỉ dành cho xuất khẩu chứ bán cho dân thành phố ai mà ăn”, vì nó dở tệ.

Đã từ lâu, người tiêu dùng thành phố khi ra chợ, tới sạp gạo thấy hàng chục loại gạo khác nhau với nhiều tên tuổi khác nhau. Nào là Nàng thơm Chợ Đào, Nàng Hương, gạo Bảy Núi, gạo Thơm Thái, gạo Thơm Dẻo, gạo Thơm bụi, gạo Đài Loan và nhiều loại gạo khác mà ngay cả tiến sĩ về giống lúa có khi còn nhớ không hết. Còn các bà bán gạo thì "chẳng biết họ trồng ở đâu nhưng thấy ăn ngon cơm”.

Nhiều người thấy tên nước ngoài như gạo Thái, gạo Đài cứ ngỡ gạo nhập khẩu nhưng thực ra thì trồng ở trong nước.

Các loại gạo này giá cả đắt gấp đôi, thậm chí có loại đắt gấp ba lần nếu so với giá gạo xuất khẩu loại xịn là 5% tấm hay loại thường thường 15% tấm. Nhưng tiền nào của nấy, loại thì thơm, loại thì dẻo mềm, loại thì “cơm nguội vẫn ăn ngon”, chứ đâu như gạo 5% hay 15% tấm xuất khẩu.

Không dễ trồng lúa gạo ngon

Phải thừa nhận rằng các giống lúa phục vụ cho xuất khẩu gạo hiện nay như OM 1490, OM 2517,MTL 325, OM 576, IR 50404 đều là giống lúa cho năng suất cao, thời gian trồng và thu hoạch ngắn ngày (thường dưới 100 ngày), thích hợp cho làm 3 vụ lúa/năm, nên nông dân gieo sạ đại trà dễ dàng.

Đó là chưa kể các giống lúa nói trên nhiều năm qua đã được các cơ quan nông nghiệp, công ty giống sản xuất giống đại trà, nên nông dân dễ mua lúa giống khi cần gieo sạ. Còn các giống lúa được xem là có giá gạo cao trên thị trường thì thường trồng dài ngày, giống lại khó kiếm, quy trình kỹ thuật gần như dựa vào kinh nghiệm truyền miệng chứ ít có tài liệu hướng dẫn như các giống lúa xuất khẩu.

Ông Tống Duy Thông, một nông dân trồng lúa ở xã Hòa Thành, huyện Lai Vung, Đồng Tháp, cho biết ông chỉ thích trồng giống lúa MTL 325 vì đơn giản là “cả một vùng lúa rộng lớn ai cũng trồng các giống lúa ngắn ngày phục vụ xuất khẩu thì làm sao một mình ruộng lúa nhà tôi trồng các giống khác”.

Hơn nữa, nông dân có muốn trồng lúa chất lượng cao như gạo dẻo thơm, ngon cơm không hề dễ dàng. “Trồng giống lúa thường, đến mùa thương lái tới tận ruộng mua của nhiều chủ ruộng khác nhau rồi đưa lên ghe chở về nhà máy xay xát hay về kho, không lẽ thương lái thuê cả chiếc ghe chỉ để chở riêng lúa chất lượng cao của nhà mình”, ông Thông nói.

Nếu hộ nông dân nào đó trồng lúa dẻo thơm nhưng lại dài ngày mà xung quanh, ai cũng trồng lúa ngắn ngày cho xuất khẩu thì đến khi thu hoạch, ruộng lúa xung quanh đã thu hoạch xong, chỉ còn trơ trọi ruộng lúa chất lượng cao thì chỉ làm mồi cho chim chóc, trâu bò mặc sức cắn phá. Việc tháo nước cho lúa cũng khó khăn khi xung quanh họ cần rút nước để lúa chín còn thửa lúa chất lượng cao lại cần nước cho lúa trổ bông. Chăm sóc lúa thường cũng đơn giản hơn nhiều so với lúa chất lượng cao.

Do vậy, dù giá gạo dẻo thơm bày bán ở TPHCM có giá cao, nông dân trồng lúa đại trà vẫn ít ưa chuộng. Theo nhiều chuyên gia nông nghiệp, các loại lúa cho gạo chất lượng cao bày bán ở các chợ tại TPHCM thường được trồng rải rác trong khu dân cư, diện tích nhỏ và ở những vùng không thích hợp cho trồng lúa đại trà.

Nghịch lý là các vùng không nổi tiếng về trồng lúa lại trồng giống lúa có gạo ngon cơm như huyện Cần Giờ, Nhà Bè, Bình Chánh hay Hóc Môn. Còn ở miền Tây là các thửa ruộng nhỏ xen lẫn trong các khu vực trồng cây ăn trái.

Từ nhiều năm qua, ngành nông nghiệp đã nhiều lần đề cập tới việc quy hoạch phân ra từng vùng, vùng trồng lúa cao sản phục vụ xuất khẩu, vùng trồng lúa chất lượng cao, tức đi vào chi tiết từng nhóm giống lúa, nhưng tiếc là đến nay vẫn chưa thực hiện được.




Nguồn: kinhte24h.com
Báo cáo phân tích thị trường