Lúa chất lượng cao, thấp cùng rớt giá
Nếu như những ngày đầu tuần ở tuần thứ 2 của tháng 9, giá lúa hạt dài (OM 5451, OM 4218, OM 4900, Jasmines) tại các tỉnh ĐBSCL có bước tăng giá ngoạn mục thì hiện giá lúa gạo chất lượng cao và thấp đồng loạt rớt giá.
Bà con nông dân các tỉnh ĐBSCL như Tiền Giang, Long An, Sóc Trăng, Trà Vinh cho biết, hiện giá lúa cấp thấp IR 50404 (lúa tươi) được thương lái mua chỉ còn 5.200-5.300 đồng/kg, giảm 100-200 đồng/kg so với ngày 8/9; lúa khô cũng giảm 150 đồng/kg xuống mức giá 6.400-6.500 đồng/kg (giá thương lái trực tiếp thu mua trong dân). Dù giảm giá, nhưng sức tiêu thụ loại lúa IR 50404 vẫn rất yếu.
Đối với lúa hạt dài, sau khi đạt đến mức giá kỷ lục 7.600 đồng/kg đối với giống lúa chất lượng cao Jasmines (khô), hiện cũng giảm 200-300 đồng/kg (tùy nơi). Cụ thể, lúa OM 4218,OM 5451, OM 4900 hiện được thương lái mua chỉ còn 5.700-5.800 đồng/kg; lúa thơm nhẹ OM 4900 còn 5.800-5.900 đồng/kg, giảm 100-200 đồng/kg (lúa tươi).
Lúa khô cũng giảm 200-300 đồng/kg, xuống mức giá 7.000-7.400 đồng/kg (tùy giống). Mặc dù giảm giá nhưng so với lúa chất lượng thấp (IR 50404), sức tiêu thụ vẫn còn khá sôi động.
Không chỉ giá lúa giảm, giá gạo tại chợ nông sản Phú Cường, xã Phú Cường huyện Cai Lậy, Tiền Giang và chợ đầu mối Bà Đắc, huyện Cái Bè, Tiền Giang cũng giảm 100-150 đồng/kg.
Các doanh nghiệp kinh doanh tại chợ đầu mối Bà Đắc cho biết, giá gạo nguyên liệu chế biến gạo 5% tấm được thương lái giao cho các nhà máy lau bóng gạo chế biến xuất khẩu chỉ còn 8.850-8.900 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg. Nếu so với mức giá ở tuần đầu tháng 9, hiện giá gạo nguyên liệu chế biến gạo 5% tấm đã giảm 300-400 đồng/kg; gạo nguyên liệu chế biến gạo 25% tấm giảm 100-150 đồng/kg xuống mức giá 8.700-8.750 đồng/kg.
Gạo thành phẩm loại 5% tấm được các doanh nghiệp kinh doanh gạo tại chợ đầu mối Bà Đắc giao cho bạn hàng tại kho doanh nghiệp chỉ còn 10.700-10.800 đồng/kg; gạo 15% tấm 10.350 - 10.400 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg; gạo 25% tấm khoảng 9.850 - 9.900 đồng/kg, giảm 50 đồng/kg.
Giảm giá, tại sao?
Theo nhận định của các chuyên gia ngành lúa gạo Việt Nam, thị trường lúa gạo châu Á, trong đó có Việt Nam sẽ có bước tăng giá mạnh, lên mức giá cao nhất trong 3 năm nay. Thế nhưng, 2 tuần trở lại đây giá lúa gạo nội địa vẫn liên tiếp giảm mạnh.
Trao đổi với người viết về nguyên nhân giá lúa gạo nội địa giảm mạnh, đại diện doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo Hoàng Thuận, Cai Lậy, Tiền Giang cho biết: “Trong tháng 8, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, có tiềm lực lớn về kinh tế đã tranh thủ thu gom hàng trữ vào kho, chờ chính sách mua lúa trong dân với giá 15.000 baht/tấn (tương đương 500 đô la/tấn) của Thái Lan sẽ đẩy mặt bằng giá gạo thế giới tăng cao và họ tranh thủ bán chốt lời”.
Còn hiện tại các doanh nghiệp xuất khẩu ngưng gom hàng trích trữ, chỉ còn các doanh nghiệp mua bán nội địa thu gom khối lượng nhỏ. Cầu giảm, giá lúa gạo nội địa xuống là điều hiển nhiên rồi, doanh nghiệp này cho hay.
Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) thì khẳng định: “Giá lúa, gạo nội địa giảm mạnh là do Việt Nam không ký được hợp đồng xuất khẩu mới”.
Ông Nguyễn Thành Biên, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, giá lúa gạo trong nước tăng cao thời gian qua là do tin đồn, các doanh nghiệp hội viên VFA nhận được tin nhắn với nội dung Việt Nam trúng nhiều hợp đồng xuất khẩu mới nên tranh thủ gom hàng xuất khẩu làm giá tăng cao. Hiện thông tin này được làm sáng tỏ nên giá lúa quay về với giá thực.
Tuy nhiên, khi người viết đem vấn đề ông Biên nêu trao đổi với doanh nghiệp kinh doanh gạo nội địa Cửu Long tại chợ đầu mối Bà Đắc, huyện Cái Bè, thì doanh nghiệp này cho biết: “Các doanh nghiệp hội viên VFA mà không nắm được thông tin VFA có ký được hợp đồng xuất khẩu mới hay không là điều quả thật khó hiểu. Nếu nói các doanh nghiệp này thu gom hàng làm giá lúa, gạo tăng vì nhận được tin nhắn Việt Nam trúng hợp đồng mới chẳng khác nào nói các doanh nghiệp hội viên VFA là một đứa trẻ, chẳng biết gì”.
Theo doanh nghiệp này, giá lúa giảm mạnh do các doanh nghiệp xuất khẩu “bội tín”, chấp nhận bồi thường hợp đồng xuất khẩu cho đối tác khiến một số nước quay lưng với gạo Việt Nam. Điều này chỉ làm người nông dân và các doanh nghiệp kinh doanh nội địa chịu thiệt vì không chủ động được thông tin về giá lúa gạo giảm do ảnh hưởng từ việc hủy hợp đồng”.
Theo Trung Chánh
TBKTSG